3.1. Định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính tại bộ phận một cửacủa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đến năm 2025 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đến năm 2025
3.1.1. Yêu cầu chung đối với việc cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu vận dụng vào hoạt động của các trường đại học
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, các ngành với các yêu cầu sau đây:
Đổi mới nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các trường đại học.
Đảm bảo tính thống nhất của thủ tục hành chính (thống nhất trong một thủ tục hành chính, thống nhất trong cả hệ thống thủ tục hành chính).
Đảm bảo tính chặt chẽ của thủ tục hành chính (để thủ tục hành chính được tuân thủ, được thực thi đúng pháp luật).
Đảm bảo tính hợp lý của thủ tục hành chính (ngoài thực thi đúng pháp luật thủ tục hành chính phải được xây dựng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, điều kiện cụ thể).
Bảo đảm tính khoa học của thủ tục hành chính (khoa học trong quy trình cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thấp nhất).
Bảo đảm tính công khai, minh bạch, rõ ràng của thủ tục hành chính (công khai minh bạch để sinh viên biết, rõ ràng để sinh viên thực hiện).
Bảo đảm tính đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận của thủ tục hành chính (tức tránh việc phức tạp hóa, quan trọng hóa, gây khó khăn cho việc tiếp cận thủ tục hành chính).
Bảo đảm tính khả thi của thủ tục hành chính (tức đảm bảo các các điều kiện để thủ tục hành chính được thực thi).
Bảo đảm tính ổn định của thủ tục hành chính (nên có sự ổn định lâu dài, tránh việc thay đổi nhiều, gây sự bất ổn nhất định trong đời sống xã hội).
Đối với hoạt động của các trường đại học, các yêu cầu trên cũng phải được quan tâm. Thực tế cho thấy thủ tục hành chính trong hoạt động các trường đại học đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chủ yếu do Bộ GD&ĐTvà liên bộ (Bộ tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo) ban hành. Trong Điều lệ của các trường đại học và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản luật (Luật Giáo dục. Luật Ngân sách. Luật Lao động. Pháp lệnh cán bộ, công chức...), nhiều quy định mang tính thủ tục cho các trường đại học dựa theo đó để hoạt động cũng đã được nêu rõ.
Thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hàng triệu sinh viên và hàng vạn cán bộ, giảng viên đang học tập, giảng dạy, quản lý trong các trường đại học hiện nay. Điều này cũng liên quan đến chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn (20012010) và giai đoạn (20112020) của Chính phủ, liên quan đến cải cách, hiện đại hoá chương trình đào tạo, đến mở cửa hội nhập và giao lưu quốc tế...
Vì những lý do trên, cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động của các trường đại học ở Việt Nam cần được xem là vấn đề hệ trọng.
Các yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong các trường đại học có thể nêu lên như sau:
Phải bảo đảm tính rõ ràng, công khai, minh bạch. Rõ ràng ở tất cả các bước thực hiện, rõ ràng về địa chỉ, thời gian, không gian, đối tượng, lệ phí.
Phải thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn về thủ tục hành chính mà các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, còn hiệu lực.
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể, các trường có thể triển khai thực hiện thủ tục hành chính theo nhiều hình thức khác nhau.
Rà soát và yêu cầu loại bỏ các văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính lỗi thời, lạc hậu hoặc gây cản trở cho sinh viên.
Việc xây dựng hướng dẫn các bước thực hiện thủ tục hành chính phải theo hướng khoa học, đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, sinh viên thực hiện. Tránh xây dựng các bước và trình tự thực hiện thủ tục hành chính vòng vèo, gây khó khăn, không hạn định thời gian, địa điểm, “phức tạp hoá” trong quá trình thực hiện.
Triển khai, thực hiện thủ tục hành chính phải thực hiện theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Tiết kiệm, bao gồm tiết kiệm cả thời gian, công sức, tiền của, vật chất của sinh viên. Muốn vậy, các nhà trường nên theo hướng một nền hành chính hiện đại, nền hành chính phục vụ sinh viên. Lấy kết quả và hiệu quả là trên hết.
3.1.2. Định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính tại bộ phận một cửa của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trên cơ sở những yêu cầu nêu trên, cùng kết quả phân tích thực trạng ở chương 2, tác giả cho rằng trong thời gian tới, Phòng Tổng hợp của TĐH KTQD cần tập trung vào một số định hướng nâng cao chất lượng DVHC cho sinh viên chính quy như sau:
- Nghiên cứu và triển khai đầy đủ các DVHC công liên quan đến hoạt động của nhà trường do Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan quy định. Tìm các giải pháp trong khuôn khổ quyền hạn của nhà trường để thực hiện có hiệu quả các DVHC đã được nhà nước ban hành thuộc lĩnh vực quản lý của trường. Công khai hóa để toàn bộ sinh viên nhà trường được biết.
- Trong quá trình triển khai các DVHC công do cấp trên quy định, Phòng Tổng hợp phải tham mưu cho Lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những thủ tục hành chính không phù hợp và đề nghị sửa đổi hay bãi bỏ việc không áp dụng các thủ tục đó phải có sự thỏa thuận của cấp trên. Không tự hướng dẫn sai các thủ tục hành chính đã có.
- Luôn sát sao trong đổi mới với mục tiêu nâng cao chất lượng cung cấp DVHC công của nhà trường, làm thuận lợi cho cán bộ và sinh viên trong quá trình thực hiện các quy định đó.
- Thường xuyên tổ chức tiếp nhận các đề nghị của cán bộ và sinh viên về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, đến các quy định nội bộ được phép của nhà trường, tổng hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền những đề nghị hợp lý để bổ sung, sữa chữa hoặc thay thế theo quy định.
- Phòng Tổng hợp phối hợp với các đơn vị có liên quan lên kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất; đầu tư phát triển năng lực đội ngũ cán bộ BPMC.