Ngân hàng thương mại
Theo tác giả Nguyễn Văn Tiến (2014), Quy trình thẩm định tín dụng của ngân hàng là văn bản hướng dẫn và phân rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận liên quan đến quá trình thẩm định khách hàng tại ngân hàng về việc thực hiện các bước đánh giá sơ bộ, thu thập thông tin làm cơ sở phân tích đánh giá khách hàng từ đó đưa ra các kết luận sau cùng về khả năng thu hồi nợ sau khi cho vay.
Các ngân hàng hiện nay đều xây dựng và ban hành quy trình thẩm định tín dụng phù hợp với từng mô hình, cách thức tổ chức thẩm định của từng ngân hàng. Nhưng về cơ bản quy trình thẩm định tín dụng của các ngân hàng đều gồm 4 bước:
Bước 1: Thu thập hồ sơ khách hàng vay vốn Bước 2: Thẩm định thực tế khách hàng
Bước 3: Lập tờ trình tín dụng và đề xuất cấp tín dụng cho khách hàng Bước 4: Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
Nội dung từng bước như sau:
Bước 1: Thu thập hồ sơ khách hàng vay vốn
Mục tiêu của bước này là các bộ tín dụng/thẩm định kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của hồ sơ vay vốn do khách hàng cung cấp.
- CBTD phỏng vấn khách hàng và xác định nhu cầu của khách hàng.
- CBTD hướng dẫn các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, xác định yêu cầu vay vốn của khách hàng có phù hợp với các quy định cho vay theo yêu cầu của sản phẩm khách hàng có nhu cầu hay không?
- Trong giai đoạn này, CBTD có đủ thông tin chi tiết về khách hàng (thu nhập, việc làm, tài sản…) phục vụ cho việc ra quyết định từ chối ngay đối với khách hàng không đủ điều kiện vay vốn.
- Nếu khách hàng không nộp đủ hồ sơ vay vốn cần thiết, CBTD hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ còn thiếu. Thông thường bộ hồ sơ cho vay bao gồm hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính, hồ sơ tài sản đảm bảo và các giấy tờ khác liên quan đến mục đích sử dụng vốn (nếu có).
Bước 2: Thẩm định thực tế khách hàng
Mục tiêu của bước này là thẩm định xem khách hàng: Có vay được không, vay được bao nhiêu và trong thời gian bao lâu. Thông thường thời gian thực hiện bước này trong khoảng 1-2 ngày (tuỳ theo mức độ phức tạp của hồ sơ). Đây cũng là khâu quan trọng nhất trong quy trình thẩm định tín dụng và được thực hiện theo các nội dung sau:
- Phân tích, kiểm tra tính pháp lý của khách hàng: Khách hàng vay vốn phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự theo đúng quy định của pháp luật.
- Kiểm tra mục đích của khoản tín dụng đề nghị cấp: Đây là khâu rất quan trọng, giúp nhân viên ngân hàng phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
- Xác định mức thu nhập. Mức thu nhập và sự ổn định của nguồn thu nhập là yếu tố rất quan trọng. Những khách hàng có mức lương cơ bản và thu nhập tích luỹ cao sẽ được đánh giá cao. Ngoài ra CBTD còn phải đánh giá tính ổn định về việc làm để đảm bảo nguồn thu nhập trả nợ ngân hàng.
- Phân tích tình hình quan hệ với các tổ chức tín dụng: Xem xét lịch sử quan hệ tín dụng của khách hàng: dư nợ ngắn, trung, dài hạn tại các Ngân hàng, mục đích vay vốn và uy tín thanh toán.
- Định giá tài sản đảm bảo: Việc xác định giá trị tài sản đảm bảo và các biện pháp bổ sung như bảo vệ, quản lý tài sản... đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức cấp tín dụng cho khách hàng.
Công cụ thẩm định ở bước này chủ yếu là so sánh và đối chiếu hồ sơ khách hàng với các tiêu chuẩn thẩm định để xem xét đánh giá các yếu tố trong hồ sơ vay vốn của khách hàng có đảm bảo hợp lý và hợp lệ hay không. Các NHTM thường sử dụng mô hình 6C hoặc căn cứ vào kết quả chấm điểm thông tin cá nhân cơ bản;
chẩm điểm tiêu chí quan hệ với ngân hàng để tổng hợp điểm và xếp hạng tín dụng khách hàng. Từ đó, làm căn cứ lập tờ trình thẩm định phục vụ việc ra quyết định cho vay. Cụ thể:
* Mô hình 6C:
Đối với mỗi khoản tín dụng, câu hỏi đầu tiên của NHTM là khách hàng có thiện chí và khả năng thanh toán khi khoản vay đến hạn hay không? Điều này liên quan đến việc nghiên cứu chi tiết 6 khía cạnh - 6C của khách hàng bao gồm:
+ Tư cách người vay (Character): Cán bộ tín dụng (CBTD) phải chắc chắn rằng người vay có mục đích tín dụng rõ ràng và có thiện chí nghiêm chỉnh trả nợ khi đến hạn.
+ Năng lực của người vay (Capacity): Người đi vay phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.
+ Thu nhập của người vay (Cashflow): xác định được nguồn trả nợ của khách hàng vay.
+ Bảo đảm tiền vay (Collateral): là nguồn thu thứ hai có thể dùng để trả nợ vay cho ngân hàng.
+ Các điều kiện khác (Conditions): cụ thể là các điều kiện về chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ luật pháp… Các điều kiện này là khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng và người vay nhưng lại có ảnh hưởng đến RRTD.
+ Kiểm soát (Control): đánh giá những ảnh hưởng do sự thay đổi của luật pháp, quy chế hoạt động, khả năng khách hàng đáp ứng các tiêu chuẩn của NHTM.
Việc sử dụng mô hình này tương đối đơn giản, song hạn chế của mô hình này là nó phụ thuộc vào mức độ chính xác của nguồn thông tin thu thập, khả năng dự báo cũng như trình độ phân tích, đánh giá của CBTD.
* Mô hình xếp hạng tín dụng khách hàng.
Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ được xây dựng trên cơ sở xây dựng các bảng chấm điểm các chỉ tiêu tài chính và chỉ tiêu phi tài chính của khách hàng nhằm lượng hóa các rủi ro mà ngân hàng có khả năng phải đối mặt. Hệ thống xếp hạng rủi ro tín dụng nội bộ sử dụng phương pháp chấm điểm và xếp hạng riêng đối với từng khách hàng.
Mục đích của việc chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng nhằm:
- Ra quyết định cấp tín dụng: xác định hạn mức tín dụng, thời hạn, mức lãi suất, các biện pháp đảm bảo tiền vay.
- Giám sát và đánh giá khách hàng đang còn dư nợ, phát hiện sớm các dấu hiệu cho thấy khoản vay đang có dấu hiệu xấu đi.
- Giám sát và đánh giá chất lượng của toàn bộ danh mục tín dụng.
- Ước lượng mức vốn có nguy cơ không thu hồi được để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Bước 3: Lập tờ trình tín dụng và đề xuất cấp tín dụng cho khách hàng
Tờ trình thẩm định thể hiện rõ các thông tin chi tiết về khách hàng và nhu cầu vay vốn của khách hàng. Cuối cùng là đánh giá khách hàng, kết luận và đề xuất về việc cấp tín dụng cho khách hàng như: Số tiền cho vay, Phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất áp dụng, phương thức trả nợ, biện pháp bảo đảm… các rủi ro và biện pháp đề phòng rủi ro trong quá trình vay vốn của khách hàng. Sau đó trình các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt.
Bước 4: Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
Đây là bước cuối cùng trong quy trình thẩm định tín dụng. Sau khi bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng đã được thẩm định, lập tờ trình thẩm định, đánh giá rủi ro tín dụng Cấp có thẩm quyền xem xét đưa ra quyết định có đồng ý cấp tín dụng cho khách hàng hay không và các điều kiện yêu cầu khách hàng cam kết thực hiện trước và sau khi giải ngân như thế nào.