Đơn vị: triệu AUD
1.3.1. Xu thế toàn cầu hóa
“Toàn cầu hóa” đã trở thành cụm từ quen thuộc trong nền kinh tế thế giới hiện nay. Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia trên thế giới. Do vậy toàn cầu hóa ảnh hưởng mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa chính trị.
Toàn cầu hóa diễn ra trong sự thống nhất và mâu thuẫn về lợi ích giữa các quốc gia với nhau và lợi ích chung của toàn thế giới, trong đó xuất hiện xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Do đó, toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển, đem lại sự tăng trưởng kinh tế cao, tạo tiền đề cho một xã hội giảm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất và tăng cường năng lực cạnh tranh về vốn, công nghệ hiện đại, tạo ra công việc mới, nâng cao thu nhập. Hội nhập quốc tế đem lại cho các doanh nghiệp cơ hội để mở rộng, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, tận dụng các chính sách ưu đãi về thuế và hàng rào phi thuế quan.
Song song và tiếp nối cho xu thế toàn cầu hóa là xu thế khu vực hóa. Khu vực hóa kinh tế được hiểu là sự phân công, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các nước trong cùng khu vực, xóa bỏ dần chế độ bảo hộ mậu dịch để đối phó với sự cạnh tranh và xu hướng bảo hộ của khu vực khác nhằm nâng cao vị thế của khu vực cũng như của từng thành viên trên trường quốc tế.
Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, mục tiêu chính là thực hiện tự do lưu thông hàng hóa, cùng các yếu tố công nghệ sản xuất cũng như kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh. Còn khu vực hóa kinh tế chỉ nảy sinh trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đã phát triển đến một mức độ nhất định. Việc từng nhóm nước liên kết lại với nhau, cùng đưa ra những ưu đãi cho nhau cao hơn những ưu đãi quốc tế hiện hành như: loại bỏ những hàng rào ngăn cản, lưu thông hàng hóa và các yếu tố sản xuất, giữa các nước được xem là một khâu quan trọng, đặt nền móng cho việc thúc đẩy nhanh hơn quá trình toàn cầu hóa kinh tế.
Việt Nam và Australia đều là thành viên chính thức của WTO, APEC và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Do đó quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước có nhiều thuận lợi về ưu đãi thuế quan và cắt giảm hàng rào phi thuế quan.
Quá trình tự do hóa nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới. Các vòng đàm phán của WTO vẫn diễn ra tạo tiền đề pháp lý cho các mối quan hệ thương mại song phương và đa phương. Tự do hóa khiến cho vòng lưu chuyển hàng hóa thuận tiện hơn, là cơ sở để tăng nhanh khối lượng thương mại toàn cầu. Nằm trong quy luật chung của cả nền kinh tế thế giới, không một nước nào có thể tồn tại trong sự khép kín, co cụm với thế giới bên ngoài. Do đó Việt Nam và Australia đã và đang có cơ hội rất lớn để tăng cường liên kết với nhau và hợp tác cùng phát triển.