8. Cấu trúc của luận văn
1.3.7. Năng lực tham vấn học đường của giáo viên các trường trung học cơ sở
Chúng tôi căn cứ yêu cầu thực tế của hoạt động tham vấn học đường trong trường trung học cơ sở, căn cứ chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh (Ban hành theo quyết định số 1876/QĐ- BGDĐT ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), chúng tôi xác đinh năng lực tham vấn học đường của giáo viên trung học cơ sở bao gồm các năng lực cụ thể sau:
Năng lực tìm hiểu và đánh giá khó khăn tâm lý học sinh. GV hiểu được khái niệm, mục đích, nguyên tắc của việc tìm hiểu và đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh; phân loại những khó khăn tâm lý của học sinh); GV nắm được nguồn thông tin trong đánh giá; Phương pháp và kĩ thuật đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh; Một số công cụ đánh giá (test).
Năng lực vận dụng phương pháp, kỹ thuật trong việc tìm hiểu và đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh. Năng lực này yêu cầu GV hiểu được khó khăn tâm lí của học sinh, trong các lĩnh vực: Quan hệ với cha mẹ, anh, chị, em; Quan hệ với bạn, với lớp; Quan hệ với thầy, cô giáo; Đánh giá của người khác về mình; Về sự phát triển của bản thân; Trong học tập, rèn luyện; Lý tưởng, nghề nghiệp tương lai; Ảnh hưởng của những khó khăn tâm lý đến đời sống của học sinh. Cách thức tư vấn (tham vấn, hướng dẫn,..) để giúp học sinh giải quyết được các khó khăn tâm lý.
Năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân trong trường hợp cụ thể. Trong kế hoạch giáo dục cá nhân yêu cầu phải có thông tin chung về HS, mục tiêu giáo dục thể hiện ở mục tiêu giáo dục của năm học, học kỳ, nửa học kỳ, tháng. Kế hoạch cụ thể gồm các yếu tố: Nội dung hoạt động; Cách tiến hành, các dịch vụ/phương tiện liên quan; Thời gian; Người thực hiện; kết quả mong đợi. Sau mỗi giai đoạn nhất định kết thúc cần phải đánh giá kết quả thực tế thực hiện bản kế hoạch giáo dục cá nhân.
Năng lực tham vấn học sinh có hành vi lệch chuẩn: GV hiểu khái niệm và phân loại chuẩn mực hành vi trong các nhóm xã hội cụ thể như gia đình, nhóm bạn đồng lứa, lớp học…; Khái niệm và phân loại lệch chuẩn hành vi trong học đường; Nguyên nhân phát sinh lệch chuẩn hành vi học đường; GV lập kế hoạch và tổ chức thực hành tư vấn nhằm điều chỉnh hành vi lệch chuẩn của học sinh phổ thông.
Năng lực lập kế hoạch và thực hiện tham vấn nhằm điều chỉnh hành vi lệch chuẩn ở học sinh. Năng lực này yêu cầu GV lập kế hoạch và hướng dẫn HS lệch chuẩn) thực hiện sửa chữa hành vi lệch chuẩn với sự phối hợp với người khác (cha mẹ, nhóm bạn bè, thầy cô giáo…); GV phải hiểu được nguyên nhân nảy sinh hành vi lệch chuẩn ở HS (do ảnh hưởng của nhóm nhỏ như gia đình, bạn đồng lứa ngoài lớp học, do động cơ cá nhân,…); Sau khi tư vấn HS nhận ra được hành vi lệch chuẩn, biết được cách tự khắc phục hành vi lệch chuẩn.
Năng lực tham vấn học tập và hướng nghiệp. Nội dung năng lực này yêu cầu GV phải tìm hiểu phong cách học tập và năng lực học tập của học sinh và phát hiện
những học sinh có khó khăn về học; Tư vấn cho học sinh về chương trình học tập; phương pháp học tập và các hình thức tổ chức hoạt động học tập; Hỗ trợ, can thiệp cho học sinh có khó khăn về học; Tư vấn cho học sinh cách điều chỉnh phương pháp học tập, kế hoạch học tập cho phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của từng học sinh.
Năng lực tham vấn giới tính và sức khỏe sinh sản. Năng lực này yêu cầu GV hiểu được các nguyên tắc, quy trình và hình thức cơ bản được sử dụng để tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên; Nhu cầu tư vấn các vấn đề về giới tính và sức khỏe sinh sản của học sinh ở các cấp học phổ thông; Các phương pháp và cách thức tổ chức tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản cho học sinh THCS.