Khi hoạt động kinh doanh của khách hàng xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo có nguy cơ phát sinh rủi ro do bất cứ một nguyên nhân nào, để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra, trước hết, ngân hàng phải có các biện pháp rõ ràng trong việc hạn chế rủi ro tín dụng, xem xét và lựa chọn các biện pháp phòng ngừa hợp lý.
Thứ nhất, Thực hiện quản lý giám sát khoản vay
NHTM cần thực hiện rà soát, giám sát các khoản vay hiện hữu của mình để cũng cố chất lượng tín dụng và thu thập các báo cáo tài chính mới nhất của khách hàng cũng như các thông tin về tình hình tài chính, các thông tin cần thiết có liên quan khác của khách hàng để có thể giám sát khoản vay một cách chặt chẽ, tình hình người vay có dấu hiệu tiến triển tốt hơn không. Nếu thấy xu thế bất lợi của khách hàng, ngân hàng phải yêu cầu khách hàng cung cấp các báo cáo tài chính thường kỳ hơn nữa và phải kiểm tra chi tiết các báo cáo đó để giám sát chặt tình hình; ngay cả khi dấu hiệu bất lợi chưa rõ ràng thì vẫn phải cần nghiên cứu và phân tích.
CBTD phải theo sát quá trình sử dụng vốn của khách hàng có đúng mục đích không và để kiểm tra việc bảo quản vật tư hàng hóa hình thành từ vốn vay, tình hình tài sản bảo đảm tiến độ thực hiện dự án... có thực hiện đúng theo hợp đồng tín dụng. Hơn nữa, mục đích của việc giám sát cho vay là phát hiện được những rủi ro tiềm ẩn, giúp ngân hàng phát hiện và xử lý kịp thời những khoản nợ có vấn đề, thông qua đó, NH có thể hạn chế được những rủi ro không cần thiết.
Thứ hai, Rà soát và xem xét lại tài sản đảm bảo nợ vay của khách hàng
Trong trường hợp khoản vay bị đánh giá tiềm ẩn rủi ro tín dụng, ngân hàng phải rà soát và đánh giá lại tài sản đảm bảo của khách hàng; việc đánh giá lại tài sản đảm bảo của khách hàng phải đảm bảo tính thực tế và thận trọng. Ngân hàng cần xem xét, đánh giá: liệu tài sản này trong điều kiện kinh doanh bình thường thì bán như thế nào và bán trong điều kiện kinh doanh không bình thường thì như thế nào?
Mặc khác, trong các quyết định cấp tín dụng mới phải thực hiện đầy đủ và chính xác các biện pháp bảo đảm tiền vay. Các hình thức bảo đảm tiền vay bao
gồm: thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo đảm tài sản hình thành từ vốn vay và bảo đảm bằng hình thức bảo lãnh… Do sự biến động giá trị TSBĐ khó lường (phụ thuộc vào đặc tính của tài sản và thị trường giao dịch của tài sản đó) nên yêu cầu đối với các TSBĐ là: tài sản dễ được định giá; dễ quản lý, bảo quản; tài sản dễ chuyển nhượng và không có tranh chấp.
Thứ ba, xây dựng chính sách tín dụng hợp lý
Chính sách tín dụng là hệ thống các biện pháp liên quan đến việc khuếch trương hay hạn chế tín dụng để đạt được mục tiêu đã hoạch định và hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Chính sách tín dụng giúp ngân hàng hướng đến danh mục tín dụng có hiệu quả, đồng thời hướng dẫn cho cán bộ tín dụng các thủ tục cần thiết, các bước công việc cần làm để thực hiện hoạt động tín dụng trong giới hạn trách nhiệm của họ.
Định hướng tín dụng và chính sách tín dụng ngân hàng là hệ thống các quy định của ngân hàng về điều kiện, tiêu chuẩn cho vay đối với khách hàng vay; đặc điểm sản phẩm cho vay; TSBĐ và tỷ lệ cho vay; quy trình cho vay và cấp phê duyệt; cơ cấu đầu tư tín dụng theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh hay theo đối tượng khách hàng; cách xác định lãi suất cho vay và các khoản phí trong từng thời kì cụ thể, đảm bảo kiểm soát các rủi ro cho vay mang lại hiệu quả hoạt động kinh doanh, từ đó giúp nâng cao uy tín và vị thế cạnh tranh cho ngân hàng.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác phân tích và thẩm định cho vay
Cán bộ thẩm định phải bố trí sao cho hợp lý, tránh sự chồng chéo, đảm bảo sắp xếp cán bộ có đủ trình độ, năng lực, chuyên môn, trách nhiệm làm công tác này. Phân công cán bộ thẩm định cũng phải căn cứ vào trình độ, kinh nghiệm, thế mạnh của từng người.
Phân tích và thẩm định cho vay là hai khâu rất quan trọng trong toàn bộ quy trình cấp tín dụng. Ngân hàng tổ chức thẩm định về các mặt tài chính, phi tài chính, sự khả thi phương án SXKD của khách hàng; phân tích các yếu tố vĩ mô, khả năng hiện tại của khách hàng về sử dụng vốn cho vay, khả năng hoàn trả và khả năng thu hồi vốn vay cả gốc và lãi. Mục tiêu là tìm những tình huống có thể dẫn đến rủi ro
cho ngân hàng, tiên lượng khả năng kiểm soát những loại rủi ro đó và dự kiến các biện pháp phòng ngừa và hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Mặt khác, hai khâu này còn quan tâm đến việc kiểm tra tính chân thực của hồ sơ vay vốn mà khách hàng cung cấp, từ đó nhận định thái độ trả nợ của khách hàng làm cơ sở quyết định cho vay. Hai khâu này nếu thực hiện tốt sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho vay trong ngân hàng.
Thứ năm, hoàn thiện tính pháp lý của hồ sơ tín dụng
Ngân hàng cần rà soát, cũng cố tính pháp lý của hồ sơ tín dụng, trong trường hợp chưa đầy đủ tính pháp lý, chưa chặt chẽ hoặc cần phải bổ sung, ngân hàng cần phải bổ sung đầy đủ nhất.
Thứ sáu, thực hiện xếp hạng tín dụng
Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là hệ thống gồm các bộ chỉ tiêu tài chính và phi tài chính, các quy trình đánh giá khách hàng trên cơ sở định tính và định lượng về mặt tài chính, tình hình kinh doanh, quản trị, uy tín của khách hàng. Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phải được xây dựng cho từng đối tượng khách hàng khác nhau, kể cả các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng và những người có liên quan của đối tượng này.
Như vậy, Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là một công cụ hỗ trợ cho NHTM nhận biết được mức độ rủi ro tín dụng của khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho việc quyết định cấp tín dụng, thực hiện chính sách khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng.
Khâu thu thập thông tin về khách hàng là khâu rất quan trọng trong việc xếp hạng tín dụng. Nó quyết định sự chính xác của việc xếp hạng tín dụng đối với một khách hàng. Vì vậy, người thu thập thông tin cần phải có nghiệp vụ, kinh nghiệm, năng lực chuyện môn, đạo đức nghề nghiệp để có thông tin đầu vào một cách tốt nhất.
Thứ bảy, thực hiện phân loại nợ trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ
Các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng tín dụng để hoạt động lành mạnh, an toàn, phân loại nợ đúng bản chất của khoản vay. Xây dựng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đảm bảo khả năng bù đắp các khoản nợ xấu, các khoản vay xảy ra rủi ro tín dụng nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả mà rủi ro tín dụng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Qua đó, giúp ngân hàng tránh được trường hợp khó khăn về tài chính khi rủi ro xảy ra.
Vì vậy, NHTM cần hết sức quan tâm đến việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (trích lập dự phòng cụ thể và dự phòng chung). Đây được xem như phao cứu sinh của các NHTM khi rủi ro tín dụng xảy ra mà khó có khả năng thu hồi hay thời gian thu hồi kéo dài rất lâu.