8. Cấu trúc luận văn
1.3.4. Phương pháp đánh giá
1.3.4.1. Phương pháp quan sát
a) Mục đích quan sát: để thu thập thông tin một cách có hệ thống nhằm giúp GV và HS cải thiện kết quả giáo dục, dạy học; có những thông tin đánh giá về HS đã thực sự hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ hay chưa và biết được những ưu điểm cần phát huy, nhược điểm cần giúp đỡ khắc phục; các hoạt động của HS/nhóm HS trong tương tác với bạn/nhóm bạn để tăng cường và cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên.
b) Nội dung quan sát:
- Hành vi của HS: Quan sát về sắc thái, nét mặt, lời nói, hành động, cử chỉ, tương tác… để đưa ra những những nhận định về việc HS như: đã hiểu nhiệm vụ chưa? Có chú tâm vào việc thực hiện nhiệm vụ không? Hoàn thành hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập? Có chăm chú lắng nghe khi thảo luận không? Phản ứng khi nghe ý kiến nhận xét đánh giá của cô giáo, của các bạn, sự hợp tác với các bạn trong nhóm…
- Sản phẩm của HS: Mức độ hoàn thành theo yêu cầu của bài học.
- Thời điểm quan sát: Quan sát nhóm HS hoặc cá nhân HS có thể thực hiện trong mọi thời điểm ở những địa điểm khác nhau, trong mọi hoạt động của HS.
- Vị trí quan sát: Vị trí quan sát thích hợp, kiểm soát được toàn bộ, không ảnh hưởng đến học tập của HS.
- Ví dụ nhận định qua quan sát:
+ Quan sát thấy nét mặt biểu lộ hoài nghi, ngơ ngác hoặc tư thế không bình thường, người lắc lư bất ổn, có thể là dấu hiệu HS chưa thực sự hiểu nhiệm vụ.
+ Khi HS nhìn thẳng, dõi theo GV, có cử chỉ muốn nói điều gì đó thì tùy từng tình huống có thể suy đoán là HS đã thực hiện xong nhiệm vụ và muốn được chuyển hoạt động tiếp theo hoặc muốn hỏi GV.
+ HS nào chưa sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, chưa hợp tác với nhóm. + HS đã thực hiện xong, thực hiện đúng nhiệm vụ hoặc những điều HS còn cảm thấy chưa rõ, chưa yên tâm…
- Ví dụ thực hiện kĩ thuật quan sát: Để theo dõi một/nhóm HS thường bị chậm tiến độ khi thực hiện một hoạt động. Cách quan sát như sau:
+ Khi giao nhiệm vụ cho cả lớp, GV quan sát xem HS đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ học tập (tài liệu, dụng cụ học tập,...) chưa?
+ Đứng gần quan sát xem HS này đang tập trung vào việc học hay chưa? Có thể em đang làm việc riêng, hoặc còn chưa hiểu nhiệm vụ được giao.
+ Đến tận nhóm HS đang học để quan sát chung cả nhóm, xem HS nào đang gặp khó khăn hoặc cần sự giúp đỡ gì.
- Sử dụng kết quả và phản hồi sau khi quan sát:
Các thông tin quan sát là cơ sở để GV đưa ra các quyết định tác động, động viên, giúp đỡ kịp thời HS trong học tập. Sự can thiệp giúp đỡ có thể tiến hành ngay sau khi thu được thông tin quan sát, hoặc ghi lại trong Nhật kí đánh giá của GV để đưa ra quyết định giúp đỡ, can thiệp sau.
1.3.4.2. Kiểm tra nhanh
- Kiểm tra nhanh nhằm xác định kịp thời hiện trạng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ bài học hoặc những ý tưởng sáng tạo của HS,...
- Nội dung câu hỏi kiểm tra nhanh tập trung vào các kiến thức có trong bài hoặc các kiến thức cũ có liên quan. Số lượng câu hỏi tối đa là 5 câu. Kiểm tra nhanh một nội dung nhỏ thì dùng 1-2 câu hỏi.
- Ví dụ:
i) Diện tích hình chữ nhật có chiều dài 3cm và chiều rộng 2cm là bao nhiêu cm2?
ii) Yếu tố nào được nêu ra dưới đây có thể làm ô nhiễm nước? A. Không khí. B. Nhiệt độ. C. Chất thải. D. Ánh sáng mặt trời.
1.3.4.3. Phỏng vấn nhanh
- Giúp GV khẳng định những nhận xét ban đầu qua quan sát về mức độ đạt được theo tiến độ bài học của HS. Nếu HS thực hiện nhiệm vụ chậm hơn tiến độ chung thì cần có ngay biện pháp can thiệp như hỗ trợ trực tiếp, nhờ nhóm bạn hỗ trợ để HS có thể đẩy nhanh tốc độ học. Nội dung câu hỏi phỏng vấn không chỉ hỏi về kiến thức mà còn hỏi về hướng xử lí một tình huống cụ thể, về thái độ của HS trước tình huống,…
- Ví dụ: Khi thấy HS pha màu vẽ chưa đúng, GV có thể hỏi: Em cho cô và các bạn biết màu trắng pha với màu đỏ thì ta được màu gì?
Khi thấy HS đang loay hoay mà chưa thể làm xong bài toán GV có thể hỏi: Em thấy khó ở chỗ nào? Em có biết bạn nào có thể giúp em không?
1.3.4.4. Phương pháp đánh giá sản phẩm của HS
- Đánh giá mức độ hoàn thành của HS so với yêu cầu của mục tiêu của nhiệm vụ đặt ra và đưa ra các tình huống xử lí thích hợp.
- Ví dụ: HS nặn xong một vật theo mẫu khi cả lớp vẫn chưa xong. Có hai cách GV có thể xử lí trong tình huống này:
+ GV cần đến gần và đưa nhận xét là em nặn rất đẹp, nhưng theo em thì có thể trang trí thêm gì nữa không. HS sẽ suy nghĩ và thêm những họa tiết mới
cho hình nặn theo ý thích của mình. Sau khi cả lớp thực hiện xong, GV có thể đề nghị HS nói tại sao lại có ý tưởng đó và đưa ra ý kiến khen ngợi thì HS sẽ phấn khởi và hứng thú hơn;
+ Cho HS chuyển sang hoạt động tiếp theo.
1.3.4.5. Phương pháp sử dụng kết quả tự đánh giá và đánh giá của nhóm HS
- Dựa vào những nhận xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của chính HS hoặc nhóm bạn học để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của HS. Tùy từng trường hợp mà GV có thể đánh giá để đưa ra giải pháp thích hợp.
- Ví dụ: Khi HS phát biểu về một vấn đề, GV có thể đề nghị nhóm bạn cùng học hoặc bạn của nhóm khác có nhận xét về phát biểu đó. HS có thể đưa ra ý kiến bảo vệ quan điểm và cuối cùng GV gợi ý để HS tự thống nhất những quan điểm chung về vấn đề đó hoặc để các em được bảo lưu các ý kiến khác nhau và coi đó là những nhiệm vụ cần tiếp tục tìm hiểu, giải quyết sau.
1.3.4.6. Tham khảo ý kiến đánh giá của phụ huynh
- Ý kiến của phụ huynh luôn là nguồn thông tin để GV tham khảo trong đánh giá thường xuyên kết quả giáo dục của HS. Một số đặc điểm riêng của HS được phụ huynh cung cấp sẽ giúp cho GV đánh giá đầy đủ, chính xác và phối hợp tốt hơn với gia đình trong giáo dục HS.
- Ví dụ: Dựa vào thông tin phụ huynh cung cấp về vận động tay của HS thỉnh thoảng bị run nhẹ, GV sẽ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ vẽ các đường viền trong bức tranh của HS (dù chưa được chuẩn xác) và không đề nghị HS sửa lại vẫn cho chuyển hoạt động tiếp theo.