Yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rèn luyện kỹ năng thiết kế bài giảng theo hướng dạy học tích hợp cho sinh viên trường cao đẳng sư phạm thái nguyên​ (Trang 43 - 46)

a. Đổi mới giáo dục phổ thông

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông hiện nay đang là một yêu cầu khách quan và cấp bách trong giai đoạn CNH – HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới mục tiêu đào tạo, hệ thống tổ chức các loại hình giáo dục đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện khác trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt đổi mới dạy học theo hướng TH ở các cấp học.

Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đã nêu rõ: “…thực hiện đổi mới chương trình SGK từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh”. Chương trình hướng tới mục tiêu phát triển năng lực không chỉ dựa vào tính hệ thống, logic của khoa học tương ứng khi xác định nội dung học tập mà còn gắn với các tình huống thực tiễn, chú ý đến khả năng học tập và nhu cầu, phong cách học của mỗi cá nhân học sinh. Các yêu cầu này đòi hỏi chương trình cần được phát triển theo định hướng tích hợp nhằm tạo điều kiện cho người học liên tục huy động kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực môn học và hoạt động giáo dục khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ học tập. Qua đó, các năng lực chung cơ bản cũng như năng lực chuyên biệt của người học được phát triển.

Trên cơ sở định hướng đó, đổi mới dạy học theo hướng TH ở phổ thông phải tăng cường rèn luyện KNDHTH từ những KN chung đến các KN cụ thể đặc biệt trong các khâu, bước của DHTH, trong đó chú trọng việc RLKN thiết kế bài giảng theo hướng DHTH. Công cuộc đổi mới vừa tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân phát triển nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách đối với giáo viên. Bởi, người giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi người giáo viên phải đảm bảo được vai trò chủ đạo của mình trong dạy học và giáo dục. Người giáo viên đóng vai trò tư vấn, kích thích, động viên để giúp học sinh trực tiếp tham gia vào các hoạt động, phát huy hết tiềm năng của mình và có ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt đến mục tiêu giáo dục. Vì vậy nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nói chung, chất lượng dạy học tích hợp nói riêng chính là yếu tố quyết định sự thành công trong công cuộc đổi mới.

b. Đổi mới trong nhà trường sư phạm

Để đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng được những yêu cầu đổi mới của xã hội, thích ứng tốt trước những đòi hỏi ngày càng cao của giáo dục phổ thông, nhà trường

sư phạm cũng cần có những chuyển biến tích cực. Đó là chuyển từ đào tạo kiến thức là chủ yếu sang trọng tâm là đào tạo năng lực, gắn liền đào tạo chuyên môn với rèn luyện NVSP thành một kiểu thống nhất, phát triển toàn diện cả phẩm chất và năng lực sư phạm cho SV.

Định hướng đổi mới cơ bản trong nhà trường sư phạm là chuyển dần từng bước đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ tạo nên sự linh hoạt, chủ động trong chương trình đào tạo. Phương châm của đào tạo tín chỉ là tinh giản kiến thức, giảm bớt độ hàn lâm của kiến thức. Tăng cường năng lực thực hành, RLKN cho SV, tạo điều kiện cho sinh viên được vận dụng kiến thức vào trải nghiệm thực tế ngay trong quá trình đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn phổ thông, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông nói chung, đổi mới về DHTH nói riêng.

Đổi mới trong nhà trường sư phạm cần được tiến hành đồng bộ, từ việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, xây dựng nội dung chương trình đến đổi mới về phương pháp, hình thức đào tạo và kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giảng viên và các nhà quản lí giáo dục - những chủ thể của quá trình đào tạo - đóng vai trò quyết định trong nâng cao chất lượng của nhà trường. Ngoài ra cũng cần đến sự thay đổi trong chế độ, chính sách, trong chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình đào tạo. Cần đến sự phối hợp giữa các bộ phận, các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường sư phạm, đáp ứng yêu cầu của xã hội và thực tiễn giáo dục phổ thông.

c. Sự phối hợp giữa trường CĐSP và trường phổ thông trong hoạt động RLKN thiết kế bài giảng theo hướng DHTH

Mục tiêu đào tạo của trường CĐSP xác định sinh viên tốt nghiệp phải có đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông. Mục tiêu đào tạo của nhà trường chỉ rõ: “Để đạt được mục tiêu này, nhà trường có nhiệm vụ trang bị cho sinh viên cả kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp”. Muốn vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là cần rút ngắn khoảng cách giữa trường CĐSP và trường phổ thông, làm cho lí luận đào tạo nghề trong trường CĐSP gắn liền với thực tiễn giáo dục phổ thông.

Trong quá trình rèn luyện tay nghề nói chung, RLKN thiết kế bài giảng theo hướng DHTH nói riêng cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa trường CĐSP và trường phổ thông. Sự phối hợp chặt chẽ này sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, phát huy mọi nguồn lực cả về phía trường CĐSP và cả về phía trường phổ thông để nâng cao hiệu quả quá trình RLKN thiết kế bài giảng theo hướng DHTH cho sinh viên sư phạm.

d. Cơ sở vật chất

Bản chất của dạy học tích hợp là tổ chức dạy học kết hợp giữa dạy lý thuyết và dạy thực hành trong cùng không gian, thời gian và địa điểm. Điều này có nghĩa là khi dạy một kỹ năng nào đó thì phần kiến thức liên quan đến đâu sẽ được dạy đến đó và sẽ được thực hành ngay kỹ năng đó. Chính vì vậy, RLKN thiết kế bài giảng theo hướng DHTH cần có phòng dạy, cả phòng dạy lý thuyết, phòng chuyên dạy thực hành, tức là phải trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học, cũng như dụng cụ thực hành kỹ năng, cụ thể phải đáp ứng điều kiện dạy được cả lý thuyết và thực hành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rèn luyện kỹ năng thiết kế bài giảng theo hướng dạy học tích hợp cho sinh viên trường cao đẳng sư phạm thái nguyên​ (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)