7. Cấu trúc của luận văn
1.1.1. Phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học
1.1.1.1. Phương pháp dạy học
Có nhiều quan niệm khác nhau về phương pháp dạy học. Theo giáo trình “Các phương pháp dạy học Địa lí”, có các định nghĩa như sau:
- Theo I. K. Babanski - 1983: “Phương pháp dạy học là cách thức tương tác giữa thầy và trò nhằm giải quyết các nghiệp vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển trong quá trình dạy học”.
- Theo I. Ia. Lecne - 1981: “Phương pháp dạy học là một hệ thống những hành động có mục đích của GV nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và thực hành của HS, đảm bảo HS lĩnh hội nội dung học vấn”.
- Theo I. D. Dverev - 1989: “Phương pháp dạy học là cách thức hoạt động tương hỗ giữa thầy và trò nhằm đạt được mục đích dạy học. Hoạt động này được thực hiện trong việc sử dụng các nguồn nhận thức, các thủ thuật logic, các dạng hoạt động của HS và cách thức điều khiển qua quá trình nhận thức của GV”[10].
Các khái niệm trên đều hiện quan điểm dạy học khác nhau trong mỗi thời kì. Trước đây trong dạy học quan niệm thầy giáo chủ động truyền thụ tri thức, còn trò là lĩnh hội tri thức. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu về lý luận dạy học, về khả năng nhận thức HS, cho thấy việc dạy học thực sự hiệu quả khi biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Bởi vậy để đạt được hiệu quả GV phải là người đưa ra những gợi mở cho một vấn đề và cùng HS
bàn luận, tìm ra mấu chốt vấn đề cũng như những vấn đề liên quan. Phải lấy sự chủ động tìm tòi, sáng tạo, tư duy của HS làm nền tảng, GV, chỉ là người dẫn dắt và gợi mở vấn đề.
Vậy, hiểu một cách chung nhất: Phương pháp dạy học là cách thức hướng dẫn và chỉ đạo của GV nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và hoạt động thực hành của HS dẫn tới việc HS lĩnh hội vững chắc nội dung học vấn, hình thành thế giới quan và năng lực nhận thức.
1.1.1.2. Hình thức tổ chức dạy học
Hình thức tổ chức dạy học là hình thức tổ chức quá trình dạy học chuyên nghiệp trong các cơ sở giáo dục chuyên trách, trong đó diễn ra sự liên kết một cách thống nhất giũa hoạt động dạy và hoạt động học và sự tương tác đa chiều giữa những chủ thể dạy và học. Mỗi hình thức tổ chức dạy học thực hiện một nội dung nhất định, với một chế độ học tập và trong một không gian, thời gian nhất định nhằm đạt được mục tiêu dạy và học đã đặt ra.
Vận dụng vào hoạt động giáo dục có thể nói hình thức tổ chức dạy học là cách sắp xếp, tổ chức các biện pháp sư phạm. Từ đây ta có thể định nghĩa: “Hình thức tổ chức dạy học là cách thức tổ chức, sắp xếp và tiến hành các buổi dạy học”.
Hình thức tổ chức dạy học thay đổi tùy theo mục đích, nhiệm vụ dạy học, theo số lượng người học. Các nhiệm vụ dạy học, nội dung dạy học, phương pháp dạy học đều được tiến hành trong các hình thức tổ chức dạy học [10].