7. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Tổng quan về tỉnh Điện Biên
1.2.1.1. Về tự nhiên, Kinh tế - Xã hội * Vị trí địa lí
Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc Việt Nam. Điện Biên có tọa độ địa lí từ 20°54’ đến 22°33’ vĩ độ Bắc và từ 102°10' đến 103°36' kinh độ Đông, cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài hơn 400 km.
* Địa hình
Điện Biên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200 m đến hơn 1800 m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Ở phía Bắc có các điểm cao 1085 m, 1162 m và 1856 m (thuộc huyện Mường Nhé), cao nhất là đỉnh Pu Đen Đinh (1886 m). Ở phía Tây có các điểm cao 1127 m, 1649 m, 1860 m và dãy điểm cao Mường Phăng kéo xuống Tuần Giáo. Xen lẫn với các dãy núi cao là những thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc phân bổ khắp nơi trong cả tỉnh.
* Địa chất, địa mạo
Điện Biên có lịch sử phát triển địa chất lâu dài và cấu trúc kiến tạo phức tạp. Sau pha ổn định về địa chất kiến tạo tương đối vào thế Pliocen và kỷ Đệ Tứ, địa hình núi phân cách được thiết lập. Do nâng cao các dòng chảy diễn ra quá trình đào xẻ lòng làm cho các thung lũng sông ngày càng sâu với các sườn dốc từ 300 - 400 m và các vách dốc đứng, nhiều thác ghềnh.
Điện Biên là nơi giao nhau của một số đứt gãy sâu phân đới: Đứt gãy sông Đà, đứt gãy sông Mã, đứt gãy Điện Biên - Lai Châu và đứt gãy Sơn La. Trong đó đứt gãy Lai Châu - Điện Biên hoạt động tách giãn mạnh, tạo ra sụt
lún dạng địa hào và nâng mạnh ở hai bờ đông tây, mật độ dập vỡ vỏ Trái Đất cũng tăng cực đại. Những yếu tố trên đã tạo ra các khu vực trượt lở và lũ bùn đá điển hình, là nguyên nhân gây ra các hiện tượng như lũ lụt, động đất.
* Khí hậu
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường; chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nét đặc trưng khí hậu ở tỉnh là sự phân hóa đa dạng theo dạng địa hình và theo mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 °C đến 23 °C, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (từ 14 °C đến 18 °C). Các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất từ tháng 4 đến tháng 9 (25 °C) chỉ xảy ra các khu vực có độ cao thấp hơn 500 m. Lượng mưa hàng năm trung bình từ 1500 mm đến 2500 mm, thường tập trung theo mùa, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Độ ẩm trung bình hàng năm từ 76 đến 84%. Điện Biên có nhiều nắng, khoảng từ 1820 đến 2035 giờ/năm và từ 115 đến 215 giờ/tháng. Các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6 và tháng 7; các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8 và tháng 9.
* Thủy văn
Nguồn nước ở Điện Biên rất phong phú với ba hệ thống sông lớn đi qua tỉnh là hệ thống sông Hồng (sông Đà), sông Mã và sông Mê Công. Sông ngòi trong tỉnh thường có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh - đặc biệt là các sông thuộc hệ thống sông Đà và sông Nậm Rốm - nên có tiềm năng phát triển thủy điện. Toàn tỉnh có hơn 10 hồ và hơn 1000 sông, suối lớn nhỏ phân bố tương đối đồng đều. Nguồn nước ngầm của tỉnh được tập trung chủ yếu ở các thung lũng lớn như huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Dù có trữ lượng nước ngầm khá lớn.
* Dân cư, dân tộc
Dân số của tỉnh Điện Biên là 598.856 người (thống kê 1/4/2019) với mật độ dân số là 63 người/km². Trong đó, dân số nam là 303.436 người và dân số nữ là 295.420 người; dân số thành thị đạt 85,779 người, chiếm 14,3% dân số toàn tỉnh và dân số nông thôn đạt 513.077 người, chiếm 85,7% dân số toàn tỉnh.
Điện Biên có 33 dân tộc sinh sống bao gồm: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Giáy, La Hủ, Lự, Hoa, Kháng, Mảng, Tày, Nùng, Mường,... Trong đó, dân tộc Thái là dân tộc có dân số đông nhất với 186.270 người, chiếm 38,4% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Mông xếp thứ hai với 170.648 người, chiếm 34,8% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Kinh có dân số đông thứ ba với 90.323 người, chiếm khoảng 20% dân số tỉnh.
* Giáo dục
Toàn tỉnh Điện Biên có tổng cộng 517 trường học. Trong đó có 333 trường phổ thông, bao gồm: 176 trường tiểu học, 124 trường trung học cơ sở, 21 trường THPT, 1 trường phổ thông cơ sở và 1 trường trung học. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Phương pháp dạy học tiếp tục được đổi mới theo hướng tích cực hóa, phát huy khả năng sáng tạo, hứng thú học tập, tạo điều kiện để mọi HS bộc lộ khả năng và năng lực của bản thân. Tỷ lệ GV và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh.
Tỉ lệ dân số biết chữ ở Điện Biên là 73,1%; số nam biết chữ nhiều hơn số nữ và ở thành thị nhiều hơn nông thôn [34].
1.2.1.2. Về thiên tai những năm gần đây đối với tỉnh Điện Biên
Trong 2 năm 2018, 2019, Điện Biên đã hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt do lũ ống, lũ quét, trượt lở đất, dông lốc,…như:
1) Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục 20 - 23 độ Vĩ Bắc đi qua Bắc Bộ hoạt động mạnh từ đêm 27 - 28/8/2018, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có mưa vừa, mưa to và dông. Ở một số nơi đã xuất hiện lũ, lũ quét gây nhiều thiệt hại về tài sản, đặc biệt là tại các huyện: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Tuần Giáo và Mường Chà. Mưa lũ đã khiến 70 nhà dân bị thiệt hại, trong đó huyện Nậm Pồ có 41 nhà bị sạt lở, ngập lụt, 2 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; huyện Mường Chà có 14 nhà bị sạt lở ngập lụt; huyện Tuần Giáo có 12 nhà bị sạt lở, ngập
lụt. Tuyến đường Quốc lộ 4H từ huyện Mường Chà đi Mường Nhé đến thời điểm 18 giờ ngày 28/8 vẫn chưa thể thông xe do xảy ra nhiều điểm sạt lở, chưa san gạt hết. Các tuyến đường tỉnh lộ, liên xã cũng bị ách tắc nghiêm trọng. Tại huyện Tủa Chùa, các tuyến đường từ thị trấn Tủa Chùa đi xã Mường Báng, thị trấn - Sính Phình, Mường Đun - Đun Nưa, Lao Xả Phình - Lầu Câu Phình, huyện Nậm Pồ, đường Km45 - Nà Hỳ, Chà Tở - Mường Tùng bị sạt nhiều điểm, các phương tiện không thể lưu thông được. Tuyến đường Chà Cang đi trung tâm huyện Nậm Pồ bị trôi 1 cầu bê tông và 150m đường; nhiều tuyến đường liên xã, liên bản bị sạt lở...
Mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại về nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. Cụ thể: hơn 130ha lúa bị ngập, vùi lấp; hơn 30ha ao cá bị cuốn trôi, tràn bờ, hơn 40 con gia súc và 50 con gia cầm bị cuốn trôi, vùi lấp.
Trường mầm non xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) bị ngập khoảng 40cm, sập đổ 30m tường bao; 3 trường học ở xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) bị ngập khiến hàng trăm HS phải sơ tán, nghỉ học.
Mưa lũ cũng khiến nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện Tủa Chùa và Nậm Pồ bị hư hỏng; 3 cột điện hạ thế bị đổ;... Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 4,6 tỷ đồng”.
Năm 2018 tỉnh Điện Biên bị thiệt hại khá lớn về thiên tai: 3 người chết, 7 người bị thương; thiên tai làm hư hỏng 1.081 nhà ở; 2.781 ha nông nghiệp, 100 ha ao hồ bị ảnh hưởng; 4.064 con gia súc, gia cầm bị chết; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 247 tỷ đồng.
2) Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 thiên tai trên địa bàn tỉnh Điện biên tiếp tục có những diễn biến phức tạp bất thường. Thiên tai đã làm 5 người chết, 2 người bị thương; một số công trình hư hỏng nặng; ước thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng [34].
Hình 1.1. Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét tỉnh Điện Biên