Đặc điểm tâm sinh lý và trình độ nhận thức của học sinh lớp 12-THPT

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tích Hợp Nội Dung Giáo Dục Biến Đổi Khí Hậu, Phòng Tránh Và Giảm Nhẹ Thiên Tai Trong Dạy Học Địa Lý 12 Trung Học Phổ Thông Ở Tỉnh Điện Biên​ (Trang 50 - 53)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Đặc điểm tâm sinh lý và trình độ nhận thức của học sinh lớp 12-THPT

1.2.3.1. Đặc điểm tâm sinh lý và khả năng nhận thức

Học sinh lớp 12-THPT ở độ tuổi 18, đây là lứa tuổi có một vị trí đặc biệt quan trọng trong các thời kì phát triển của HS. Có thể nói, hầu hết các thanh niên HS đã phát triển khá hoàn thiện về mọi mặt: thái độ học tập, động cơ học tập, trí tuệ, đời sống tình cảm,...

Về thái độ học tập: một mặt, HS có tính tự giác cao hơn, tích cực hơn so với các lứa tuổi trước, do HS ý thức được tầm quan trọng của việc học tập đối với nghề nghiệp trong tương lai. Mặt khác, thái độ học tập của HS đã có sự phân hóa cao. Việc học tập có tính lựa chọn rõ ràng. HS tập trung học nhiều hơn đối với các môn học liên quan tới nghề, trường đại học và cao đẳng mà bản thân và gia đình mong muốn. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm là một phương pháp học tập đầy sinh động, mới mẻ, phạm vi học tập không chỉ bó gọn trong lớp học tạo cho HS sự hứng thú tìm tòi, phát huy được năng lực của bản thân.

Về động cơ học tập: có tính hiện thực, gắn liền với nhu cầu và xu hướng nghề nghiệp.

Đặc điểm về sự phát triển trí tuệ của thanh niên HS là tính chủ động, tính tích cực, tính tự giác,... được thể hiện rõ nhất ở các quá trình nhận thức. Năng lực tư duy, năng lực tưởng tượng và các khả năng khác ở thanh niên được hoàn thiện nhanh chóng, có chất lượng cao. Năng lực suy luận, khả năng phân tích, trìu tượng hóa, khái quát hóa và tổng hợp tài liệu lí luận cũng phát triển mạnh.

Sự phát triển đời sống tình cảm của thanh niên đã đạt tới mức trưởng thành và ổn định. Các lĩnh vực như: đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ, tình bạn, tình yêu của lứa tuổi này đã có sự gắn kết hài hòa giữa nhận thức - xúc cảm - hành động ý chí và đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy thanh niên hành động. Nói cách khác, tình cảm ở thanh niên phát triển và đã thực sự trở thành các phẩm chất, các thuộc tính tâm lí ổn định và bễn vững trong cấu trúc nhân cách tuổi vị thành niên. HS luôn mong muốn mở mang tri thức, nâng cao tầm hiểu biết và vận dụng tri thức vào cuộc sống, đặc biệt là nhu cầu muốn chứng tỏ bản thân.

Tuy nhiên ở lứa tuổi này do còn bồng bột, sốc nổi, dễ bị sa vào những cám dỗ của xã hội, dễ thay đổi và sự hạn chế về tư duy lí luận nên thái độ và nhận thức học tập, hành động còn nhiều sai lệch, chủ quan. Chính vì vậy, khi đề xuất các chủ đề dạy tích hợp, GV cần chú ý đề xuất những chủ đề gần gũi, bám sát vào cuộc sống, vào các hoạt động và sự việc diễn ra xung quanh HS.

1.2.3.2. Tác động của tâm sinh lý, trình độ nhận thức của học sinh đến việc tích hợp giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai ở Điện Biên

Chất lượng giáo dục phổ thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có năng lực hiểu HS (một thành tố của năng lực sư phạm của nhà giáo dục) có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ, trên cơ sở hiểu được đặc điểm tâm lý của HS, nhà giáo dục sẽ lựa chọn được những biện pháp giáo dục và dạy học phù hợp, có hiệu quả.

Tỉnh Điện Biên là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như: Thái, H’Mông, Dao,… Do có những đặc điểm khác nhau về điều kiện sống, môi trường văn hóa, giao tiếp,…, HS dân tộc thiểu số có những nét riêng về tâm lý (về nhận thức, tình cảm, tính cách…). Những điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và thiết lập các mối quan hệ của các em với nhà trường. Thực tế cho thấy, vì không xác định được mục tiêu học tập, nhận thức chưa đúng mức về tầm quan trọng của học tập.

Đối với HS ở tỉnh Điện Biên với tính cách thẳng thắn, thật thà và tự trọng. Các em HS miền núi nếu có điều gì không vừa ý thường sẽ tỏ thái độ ngay. Học sinh luôn có niềm tin sâu sắc vào GV, các em thường dễ dàng nghe những người mình đã tin cậy, đặc biệt là GV. Thực tiễn có tác dụng thuyết phục rất lớn đối với các em. Trong các tiết lên lớp những vấn đề kiến thức có liên hệ thực tế đến bản thân HS thì rất sôi nổi và hiệu quả. Chính vì thế GV cần lưu ý dạy học trải nghiệm thực tế,… Đó là những minh chứng cụ thể nhằm dần dần hình thành cho các em những biểu tượng và khái niệm về phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời khắc phục dần những tàn dư lạc hậu còn rơi rớt trong nhận thức của một số em. GV phải rất quan tâm đến việc tổ chức những nhóm bạn học tập cho các em.

Đa số HS ở tỉnh Điện Biên đến trường với lòng ham học hỏi, niềm tin sâu sắc về tương lai phía trước. Xong các em đều là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện kinh tế còn thiếu thốn. Ngoài việc đến trường học tập ở độ tuổi này các em còn là lao động chính trong gia đình còn phải đi rừng, đi rẫy để phụ giúp việc với gia đình. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và việc duy trì sĩ số HS trên lớp. Tuy nhiên mỗi GV nếu nắm vững một số đặc điểm tâm lí của HS miền núi, con em đồng bào ở dân tộc ở vùng sâu, vùng xa thì việc giáo dục sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.

1.2.4. Thực trạng việc tích hợp kiến thức về giáo dục BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai trong dạy học Địa lí 12- THPT ở tỉnh Điện Biên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tích Hợp Nội Dung Giáo Dục Biến Đổi Khí Hậu, Phòng Tránh Và Giảm Nhẹ Thiên Tai Trong Dạy Học Địa Lý 12 Trung Học Phổ Thông Ở Tỉnh Điện Biên​ (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)