Sau khi đã lựa chọn được mô hình phù hợp nhất, cần tiến hành tiếp các bước kiểm định đánh giá mức độ phù hợp của mô hình: xem mô hình có thống nhất với cơ sở lý
thuyết, dấu của các hệ số hồi quy có phản ánh đúng quan hệ của các biến độc lập và phụ thuộc trong thực tế, cũng như đúng với nền tảng lý thuyết, kiểm tra các hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê hay không?
Ngay cả khi mô hình đã phù hợp với thực tế và lý thuyết thì mô hình này vẫn chưa hẳn là mô hình hiệu quả nhất, bởi vì nó có thể vi phạm các giả thuyết của hồi quy mà đề tài chưa xem xét tới. Chính vì vậy, việc kiểm định các khuyết tật của mô hình là rất cần thiết. Các khuyết tật có thể mắc phải là: đa cộng tuyến, phương sai thay đổi và tự tương quan. Đối với dữ liệu bảng đề tài sẽ tiến hành các kiểm định sau:
- Đa cộng tuyến: sẽ kiểm định bằng ma trận tương quan và nhân tử phóng đại phương sai (VIF) đối với các biến được chọn đưa vào mô hình xem có hiện tượng đa cộng tuyến hay không?
- Phương sai thay đổi: nếu mô hình mắc phải khuyết tật này có thể làm cho các kết quả kiểm định hệ số hồi quy không còn đáng tin cậy (nó làm cho các biến độc lập có ý nghĩa hơn trong mô hình), các ước lượng thu được trong mô hình là các ước lượng không hiệu quả (Badi, 2008). Để phát hiện hiện tượng phương sai thay đổi đề tài sử dụng kiểm định Wald, với giả định Ho: chưa phát hiện hiện tượng phương sai thay đổi. Nếu P-value của kiểm định < 0.05 chứng tỏ có hiện tượng phương sai thay đổi.
- Tự tương quan: khi giả thiết về sự không tương quan giữa các sai số trong mô hình bị vi phạm sẽ dẫn đến hiện tượng tự tương quan. Và khi mô hình mắc phải khuyết tật này có thể dẫn đến hậu quả kiểm định về hệ số hồi quy không đáng tin cậy, làm cho các ước lượng hồi quy không còn hiệu quả (Badi, 2008). Đề tài thực hiện kiểm định bằng phương pháp Wooldridge test trên cở sở giả định Ho: không có tự tương quan bậc nhất, với kết quả P-value của kiểm định < 0.05 sẽ chứng minh có hiện tượng tự tương quan.
Sau khi thực hiện kiểm định các khuyết tật mô hình, đề tài sẽ sử dụng phương pháp ước lượng hồi quy với sai số chuẩn của Driscoll và Kraay (1998) (D&K) để khắc các khuyết tật nhằm đảm bảo ước lượng thu được là hiệu quả.
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Trong chương 3 đề tài đã trình bày phương pháp nghiên cứu, trên cở sở đó đưa ra các kết quả nghiên cứu. Trong chương 4 đề tài tiến hành phân tích kết quả nghiên cứu thông qua các bảng thống kê mô tả, ma trận tương quan, kết quả hồi quy, và các kết quả kiểm định.