Phần này sẽ cho thấy tác động của các chỉ tiêu tài chính lên quyết định nắm giữ tiền mặt của doanh nghiệp thông qua ba phương pháp hồi quy POOL OLS sử dụng biến giả ngành, FEM và REM. Phương pháp thứ nhất bỏ qua tác động của thời gian và không gian của dữ liệu bảng (pool model), phương pháp thứ hai là mô hình hồi quy với các tác động cố định (fixed effects model) và phương pháp cuối cùng là mô hình hồi quy với các tác động ngẫu nhiên (random effects model). Dữ liệu của 444 công ty niêm yết trên sàn HOSE và HNX trong giai đoạn từ 2011 – 2016. Trong đó, CASH đo bằng tỷ lệ tiền và tương đương tiền trên tổng tài sản, CASHi,t-1 là tỷ lệ tiền mặt năm trước, CF là tỷ lệ dòng tiền trên tổng tài sản, LIQ là tỷ lệ tài sản thanh khoản không bao gồm tiền trên tổng tài sản, LEV là tỷ lệ nợ trên tổng tài sản, GRT là tốc độ tăng trưởng doanh thu, SIZE là logarith tự nhiên của tổng tài sản, INV là thay đổi trong đầu tư vào tài sản cố định trên tổng tài sản, DIV đại diện tỷ lệ chi trả cổ tức nhận giá trị 1 nếu công ty có chi trả cổ tức và nhận giá trị 0 trong trường hợp ngược lại.
Trong quá trình ước lượng bằng ba phương pháp hồi quy trên, tác giả sẽ đưa thêm biến trễ CASHi,t-1, tỷ lệ tiền mặt năm trước vào mô hình. Trong nghiên cứu của Đinh Phạm Anh Thiều sử dụng hai phương pháp hồi quy Pooled OLS và hồi quy theo hiệu ứng cố định tiến hành trên dữ liệu tại thị trường Việt Nam đã cho thấy kết quả ước lượng yếu khi tác giả không sử dụng biến trễ CASHi,t-1 vào mô hình. Như vậy, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, biến trễ CASHi,t-1 sẽ được sử dụng đưa vào các mô hình hồi quy.