Nguyên nhân hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh thành phố hồ chí minh (Trang 70 - 75)

- Hệ thống pháp lý cho hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và chưa đồng bộ. Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay là khá đồ sộ nhưng khung pháp luật cho hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng còn bị đánh giá là thiếu và yếu, nhiều khi chồng chéo và khó hiểu. Tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định mới, đặc biệt phải kể đến luật các tổ chức tín dụng và luật NHNN được chính phủ phê duyệt năm 2010 và Thông tư 13 về các tỷ lệ an toàn tối thiểu mới cho các tổ chức tín dụng hướng tới chuẩn quốc tế Basel II, song thực tế hành làng pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ và chưa chuẩn với các thông lệ quốc tế đã làm tăng tính rủi ro của nền kinh tế và hoạt động của các NHTM.

- Hoạt động thanh tra giám sát. Hiện tại, nhiều tổ chức thanh tra giám sát tồn tại như thanh tra nhà nước, thanh tra của NHNN, kiểm toán, cơ quan thuế, kiểm soát của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan này lại không có sự phối hợp cần thiết, nên công tác giám sát bị chồng chéo gây khó khăn cho NHTM và công tác giám sát không hiệu quả. Chức năng của thanh tra giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn chỉ dừng lại ở hoạt động kiểm toán, chưa chú ý tới công tác cảnh báo, dự đoán. Hệ thống tiêu chuẩn thanh tra giám sát tuy có đổi mới nhưng còn nhiều sai khác với thông lệ quốc tế.

- Vì là NHTM mặc dù mới chuyển sang mô hình cổ phần hóa, tuy nhiên, BIDV vẫn mang bản chất là NHTM nhà nước. Là một trong tốp những ngân hàng lớn, vừa mang tính chất kinh tế lẫn chính trị, nên việc chạy đua cạnh tranh trong hoạt động

kinh doanh tại BIDV nằm trong một mức độ nhất định. Điều này dẫn đến việc khó khăn cho Chi nhánh trong việc linh hoạt các chính sáchcơ chế nhằm thu hút khách hàng, đặc biệt là thu hút nguồntiền gửi vốn đang là hoạt động có sự cạnh tranh lớn từ các ngân hàng khác tại cùng địa bàn.

- Thị trường tài chính chưa phát triển, thị trường tiền tệ rối loạn. Thị trường tài chính kém phát triển đồng nghĩa với việc ngân hàng khó tiếp cận với nguồn vốn nhàn rỗi thông qua các kênh huy động vốn khác. Hiện nay, do thị trường tiền tệ ở Việt Nam còn phát triển ở mức độ thấp, dễ rối loạn khi có biến động. Vì vậy, khi phát sinh nhu cầu vay vốn để bổ sung khả năng thanh khoản tạm thời, các NHTM Việt Nam vẫn chủ yếu là vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hoặc vay tái cấp vốn NHNN, và đặc biệt là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đẩy lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng đến dòng tiền của các ngân hàng.Trường hợp đầu tư ủy thác của NHTM cổ phần Á Châu tháng 09/2012 là một minh chứng rõ nét nhất. 

- Nguyên nhân từ môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn. Trong nhưng năm gần đây nền kinh tế có nhưng biến động xấu như tăng trưởng tín dụng quá nóng vào năm 2007 dẫn đến căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, suy thoái kinh tế năm 2008 kéo dài, sự leo thang của chỉ số giá tiêu dùng, lãi suất và giá USD đã ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng và tiết kiệm của dân chúng khiến hoạt động huy động và cho vay gặp nhiều khó khăn, dòng tiền vào cũng như dòng tiền ra bị hạn chế và bất ổn gây khó khăn trong việc theo dõi và dự đoán trạng thái dòng tiền.

- Sự thiếu minh bạch hóa, công khai hóa thông tin. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa minh bạch, công khai hóa các thông tin tài chính một cách chính xác cho ngân hàng hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một tổ chức định mức tín dụng nào hoạt động thực sự chuyên nghiệp cung cấp các dịch vụ điều tra, phân tích dự báo tài chính, định mức tín nhiệm và xếp hạng các doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ ngân hàng trong quá trình thẩm định khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay. Chính việc thiếu những nguồn thông tin chính xác về tình hình tài chính doanh nghiệp đã khiến ngân hàng gặp phải rủi ro tín dụng và có thể sẽ kéo theo rủi ro về thanh khoản khi

các khoản tín dụng đến hạn không thu hồi được do khách hàng không đủ năng lực tài chính để hoàn trả.

- Nguyên nhân từ phía các ngân hàng khác. Hiện nay tính liên kết hệ thống giữa các NHTM còn yếu, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, đẩy lãi suất lên cao tạo khe hở cho khách hàng gửi tiền “làm giá, tăng lãi suất” hoặc rút tiền chuyển sang các NHTM khác, làm suy yếu khả năng chống đỡ thiếu hụt thanh khoản của hệ thống. Trong năm qua các NHTM liên tục chạy đua tăng lãi suất, lặp lại tình hình lãi suất năm 2008. Để cạnh tranh được trên thị trường, nhiều ngân hàng bất chấp rủi ro, đưa ra các hình thức khuyến mãi, thưởng để huy động với lãi suất cao hơn, gây náo loạn thị trường. Gần đây, hành vi đảo tiền cũng đã tạo áp lực gây ra căng thẳng về vốn trên thị trường. Có những thời điểm lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp hơn thị trường huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế, không ít ngân hàng có hạn mức hoạt động trên liên ngân hàng đã lấy vốn đem về thông qua các công ty con của mình gửi vào các ngân hàng khác để lấy chênh lệch. Nhiều ngân hàng thường cung vốn trên liên ngân hàng gặp phải tình trạng oái oăm: vốn của mình, bị ngân hàng khác lấy với giá thấp, sau đó gửi ngược vào chính mình với giá cao tạo nên một lượng vốn không an toàn và không hiệu quả.

- Nguyên nhân từ tình trạng nợ xấu leo thang. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tỷ lệ nợ xấu Việt Nam đang ở mức 13-15%.Trước tình hình nợ xấu đang gia tăng, NHNN khẳng định sẽ tập trung xử lý nợ xấu và giảm tối đa nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, khi bàn về giải pháp giải quyết nợ xấu thì vẫn còn nhiều khó khăn để thực hiện.Vì muốn giải quyết nợ xấu tồn đọng đòi hỏi phải rót hàng tỷ đô la trong khi nợ xấu thì ngày càng gia tăng, nguồn lực lại rất khan hiếm. NHTM thì có các biện pháp hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ... nhưng hầu như các ngân hàng đều không có động lực để thực hiện việc này. Với dư nợ cho vay không thu hồi được sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cân bằng nguồn của các ngân hàng và rủi ro thanh khoản là điều khó có thể tránh khỏi.

- Nguyên nhân từ phía khách hàng. Trong điều kiện thông tin bất cân xứng, lại chưa minh bạch, với kiến thức tài chính không chuyên sâu, dân cư thường có xu

hướng hành động theo phong trào và có những phản ứng đột ngột như rút tiền ra khỏi ngân hàng này và chuyển sang ngân hàng khác, rút tiền để mua vàng, mua đô la Mỹ để tích trữ… trước những thông tin xấu làm tăng sự bất ổn của thị trường. Điều này cũng là dễ hiểu, nhưng lại gây ra rủi ro lớn về biến động dòng tiền, gây khó khăn cho các NHTM nói chung và cho Chi nhánh nói riêng.

- Chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho quản trị rủi ro thanh khoản. Tình hình chung hiện nay trong hệ thống ngân hàng là quản trị rủi ro thanh khoản cũng như quản trị rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, tuy đã được triển khai nhưng còn chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các nguồn lực mới chỉ chú trọng vào vận hành và phát triển hệ thống quản lý rủi ro tín dụng. Điều này bắt nguồn từ nhận thức của các cấp lãnh đạo, đánh giá tầm quan trọng của rủi ro thanh khoản chưa cao và chưa gắn kết được rủi ro này với các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường…, sau đó là đến văn hóa rủi ro thanh khoản trong ngân hàng còn thiếu dẫn đến việc thiếu ý thức và hiểu biết về khái niệm và quy trình quản trị rủi ro thanh khoản trong nhân viên.

- Trình độ cán bộ công nhân viên còn chưa tương xứng. Rủi ro thanh khoản và quản trị rủi ro thanh khoản là những khái niệm tuy không mới nhưng chỉ được quan tâm nghiên cứu chuyên sâu và đổi mới theo tình hình thế giới từ năm 2008, sau khủng hoảng tài chính. Việc tiếp cận các bài nghiên cứu, hướng dẫn và thông lệ mới trên thế giới còn hạn chế đối với các nhân viên ngân hàng. Hơn nữa, một phần không nhỏ cán bộ công nhân viên tại Chi nhánh có tuổi đời còn rất trẻ (tuổi đời bình quân 32 tuổi - năm 2011), thiếu kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên sâu (chỉ có 14% có trình độ trên đại học - năm 2011) để có thể thực hiện quản trị rủi ro với hiệu quả tối đa, nhất là đối với một vấn đề khó như rủi ro thanh khoản.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Áp dụng khoa học công nghệ và trang thiết bị tiên tiến vào hoạt động quản trị ngân hàng là một điều tất yếu. Tuy nhiên trên thực tế, cơ sở vật chất của Chi nhánh còn một số hạn chế, nhất là cơ sở dữ liệu còn thiếu, đường truyền thông tin còn chậm, thậm chí đôi lúc còn bị tắc nghẽn, cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro thanh khoản.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong chương 2, người viết đã đưa ra phân tích các nội dung bao gồm: Hoạt động kinh doanh, Thực trạng rủi ro thanh khoản vàThực trạng quản trị rủi ro thanh khoản tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Những phân tích trên là cơ sở để đề xuất các giải pháp ở chương tiếp theo của đề tài.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM TĂNG CƯỜNG QUẢN TRỊ RỦI RO THANH KHOẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh thành phố hồ chí minh (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)