Giải pháp về kiểm tra, giám sát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh thành phố hồ chí minh (Trang 85 - 99)

- Chú trọng công tác giám sát và báo cáo trong nội bộ

Việc kiểm tra, giám sát và báo cáo trong nội bộ Chi nhánh thường xuyên và kịp thời sẽ mang lại nguồn thông tin quan trọng và cần thiết cho việc quản trị rủi ro. Dòng thông tin giữa các bộ phận liên quan như phòng quan hệ khách hàng (kinh doanh), phòng kế hoạch nguồn vốn, phòng quản lý rủi ro phải được lưu thông, trôi chảy và không đứt đoạn. Đặc biệt là khi xảy ra rủi ro thanh khoản, tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình hình, tần suất và mức độ chi tiết của việc kiểm tra, báo cáo phải được tăng lên đảm bảo các phòng có trách nhiệm nắm được tình hình và đưa ra giải pháp kịp thời.

- Nâng cao vai trò và sự tham gia của kiểm soát nội bộ

Bộ phận kiểm soát đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị rủi ro nói chung và rủi ro thanh khoản nói riêng. Bộ phận kiểm soát cần thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên và toàn diện về tính hiệu quả của khung hoạt động quản trị rủi ro thanh khoản và tính tuân thủ các chính sách quản trị rủi ro thanh khoản. Từ đó, kịp thời đề ra các biện pháp chỉnh đốn và sửa chữa thích hợp cho khung quản trị, các chính sách và các quy trình quản trị rủi ro thanh khoản. Đặc biệt là khi xảy ra rủi ro thanh khoản, tần suất thực hiện kiểm soát và đánh giá các báo cáo nội bộ phải được tăng lên tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình hình.

- Tuân thủ quy định về báo cáo lên NHNN và Hội sở chính

Thực hiện tốt việc báo cáo lên NHNN và Hội sở chính khi có sửa đổi về chính sách hay ngay khi có căng thẳng thanh khoản để nâng cao khả năng quản lý của NHNN và Hội sở chính đối với Chi nhánh cũng như đảm bảo nhận được hỗ trợ kịp thời từ phía NHNN và Hội sở chính trong trường hợp xấu nhất có thể.

3.2.4. Giải pháp về nhân sự

- Chi nhánh cần liên tục hướng dẫn và đào tạo đội ngũ nhân viên trực tiếp tham gia vào quá trình quản trị rủi ro thanh khoản về tầm quan trọng cũng như các quy trình quản trị theo các chuẩn mực và thông lệ mới nhất.

- Yêu cầu Ban quản lý lãnh đạo tự nâng cao kiến thức của bản thân về quản trị rủi ro thanh khoản qua khóa đào tạo và các hội thảo về quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro thanh khoản ngân hàng nói riêng.

3.2.5. Giải pháp về công nghệ

- Đề cao tầm quan trọng của hệ thống công nghệ thông tin phù hợp trong quản trị ngân hàng nói chung và quản trị rủi ro thanh khoản nói riêng, đặt ra các tiêu chuẩn về hệ thống công nghệ thông tin theo sự phát triển của hoạt động hệ thống ngân hàng nói chung và của Chi nhánh nói riêng, từ đó có sự đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng về máy móc, trang thiết bị phụ trợ việc truyền tin và thường xuyên theo dõi, nâng cấp theo yêu cầu.

- Chú tâm vào việc phát triển công nghệ theo chiều sâu bằng việc mua ngoài hoặc đầu tư nghiên cứu phát triển các phần mềm, tiện ích phù hợp với yêu cầu của hoạt động theo dõi, đo lường và giám sát rủi ro thanh khoản, đặc biệt phải kể đến các phần mềm hỗ trợ hoạt động định giá chuyển nội bộ, tính toán chênh lệch dòng tiền và hoạt động xây dựng, phân tích kịch bản.

3.2.6. Giải pháp khác

- Đẩy mạnh công tác huy động vốn và tăng tính ổn định của nguồn vốn.

Việc đa dạng hóa các cách thức huy động vốn, kỳ hạn và đối tượng huy động vốn sẽ đem lại sự chủ động trong việc sử dụng nguồn, không bị phụ thuộc sâu vào một nhóm khách hàng hay một loại kỳ hạn nào và điều này cũng chính là điều kiện

góp phần làm giảm khả năng rủi ro thanh khoản có thể xảy ra khi có sự biến động tiền gửi của một nhóm khách hàng hay của kỳ hạn nào. Giải pháp cụ thể cho việc tăng cường đẩy mạnh công tác huy động vốn là:

Nguồn tiền gửi của các cá nhân được xem là nguồn vốn khá ổn định từ thì trường bán lẻ. Nguồn tiền gửi này chủ yếu là nguồn ngắn hạn, các kỳ hạn thường là gối đầu nhau, chi phí tương đối rẻ nhưng xét về bản chất thì ngân hàng có thể sử dụng vào mục đích cho vay trung dài hạn. Để huy động tối đa nguồn vốn này, điều kiện ngân hàng phải được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng, các kênh phân phối bằng điện tử như máy ATM, giao dịch qua điện thoại, giao dịch qua mạng internet tiện lợi, quy trình nghiệp vụ nhanh thuận tiện cho khách hàng.

Giảm độ tập trung vào một số khách hàng tổ chức kinh tế lớn. Nguồn vốn này có ưu điểm là chi phí thấp (chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn) nhưng tới một giới hạn nào đó sự phụ thuộc vào một số khách hàng lớn sẽ gây rủi ro cho ngân hàng (đặc biệt trong những thời kỳ cầu về vốn tăng mạnh, đây là đối tượng để các ngân hàng khác cạnh tranh lôi kéo, nên chi phí để giữ được những khách hàng này thực tế không phải là thấp). Ngân hàng cũng cần cân bằng mục tiêu lợi nhuận với mục tiêu thanh khoản, cần có chính sách hỗ trợ, chăm sóc khác hàng tốt, dựa trên tổng hòa lợi ích.

Tăng cường huy động vốn dài hạn bằng việc mở rộng các hình thức huy động đa dạng, lãi suất hấp dẫn. Chính những nguồn vốn dài hạn sẽ cân đối lại thời lượng của tài sản có - nợ do đó sẽ giảm rủi ro thanh khoản, kể cả rủi ro lãi suất.

- Xây dựng và hoàn thiện phân hệ định giá chuyển vốn để quản lý và điều hành tập trung vốn tại Hội sở chính.

- Định giá vốn (lãi suất) hợp lý đối với từng loại kỳ hạn, đảm bảo chi phí trả lãi tối thiểu.

- Duy trì dự trữ sơ cấp, thứ cấp ở mức hợp lý, đủ để đảm bảo tính thanh khoản. - Tính toán các rủi ro lãi suất, kỳ hạn và tỷ giá để tư vấn cho ALCO xét duyệt giới hạn chịu rủi ro của ngân hàng, làm cơ sở cho điều hành kinh doanh vốn và tiền tệ.

3.3. KIẾN NGHỊ

3.3.1. Kiến nghịđối với Nhà nước

- Tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Có thể nói, môi trường kinh tế vĩ mô luôn là yếu tố có tính quyết định đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Nếu môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn thì mọi bộ phận trong nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2012 được dự báo còn nhiều khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu, cầu tiêu dùng giảm gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng. Nói về tăng trưởng trong năm 2012, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, di sản năm 2011 để lại cho kinh tế Việt Nam là xu hướng giảm tốc tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại và ngân sách nặng nề, đồng tiền yếu kém vẫn chưa có dấu hiệu chặn lại một cách chắc chắn. Tiến Sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thì thừa nhận kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng vừa lạm phát vừa đình đốn, vì vậy mà khung phát huy chính sách rất hạn hẹp. Nếu kích thích tăng trưởng thì chịu lạm phát cao mà hạn chế thì đình đốn sản xuất, rất khó có chính sách vẹn toàn vừa giảm lạm phát vừa thúc đẩy sản xuất.

Hệ quả của sự bất ổn của nền kinh tế ắt hẳn ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cả hệ thống nói chung và của Chi nhánh nói riêng. Do vậy để giảm bớt nguy cơ rủi ro thanh khoản trong ngân hàng, Chính phủ cần tiếp tục đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế, cụ thể: Theo dõi và giám sát việc thực hiện nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác nếu cần thiết để bổ sung, hướng dẫn thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đã được nêu ra nhằm có những tác động tích cực và kiên quyết đưa nền kinh tế vĩ mô sớm trở về trạng thái ổn định.

- Tăng cường thanh tra, đảm bảo hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật.

Hoạt động của các ngân hàng trên toàn hệ thống ngân hàng có liên quan mật thiết với nhau. Chỉ cần một ngân hàng hoạt động không lành mạnh, không hiệu quả,

không tuân thủ luật pháp và có nhiều sai phạm dẫn đến rủi ro thanh khoản và lây lan dây chuyền ra cả hệ thống thì sẽ gây hệ quả khó lường. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, Chính Phủ nên yêu cầu Bộ Thanh tra thường xuyên và đột xuất thực hiện thanh tra các NHTM, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và có dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, chất lượng của việc thanh tra cũng cần phải quan tâm, cải cách một cách hiệu quả.

Trong thời gian gần đây, đã có sự sáp nhập một số ngân hàng nhỏ để đảm bảo thanh khoản và nâng cao quy mô, hiệu quả hoạt động cho thấy cải tổ trong ngành ngân hàng đã bước vào giai đoạn mới - giai đoạn thực thi - không còn chỉ trên lý thuyết như trước đây. Tuy nhiên, vẫn chỉ là giai đoạn đầu do đó, Nhà nước cần chú trọng hơn đến xu hướng sáp nhập mua bán ngân hàng, tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường này.

3.3.2. Kiến nghịđối với NHNN

- Tiếp tục hoàn thiện các quy chế về quản trị rủi ro mà cụ thể là quản trị rủi ro thanh khoản

Sự ra đời của thông tư 13/2010/TT-NHNN là một bước chuyển trong nỗ lực xây dựng hệ thống chính sách, văn bản hướng tới chuẩn hóa các tiêu chuẩn, quy trình an toàn trong hoạt động của các TCTD nói chung và các NHTM nói riêng tại Việt Nam trên cơ sở học hỏi và chọn lọc từ những thông lệ, chuẩn mực được sử dụng trên thế giới, cụ thể là Basel II. Trong thời gian gần đây, mối lo rủi ro thanh khoản đã trở nên thường trực trong hệ thống ngân hàng và là một trong những đề tài nóng được nhắc đến nhiều trên báo chí. Trước tình hình này, NHNN nên tiếp tục xem xét việc ban hành các thông tư mới liên quan đến việc hướng dẫn cụ thể thực hiện quản trị rủi ro thanh khoản tại các NHTM theo hướng học hỏi, tiếp thu các chuẩn mực, thông lệ quốc tế khác, điển hình như 17 quy tắc trong “Principles for Sound Liquidity Risk Management and Supervision” (2008); “Principles for sound stress testing practices and supervision” (2009) và “Basel III: International framework for liquidity risk measurement, standards and monitoring” (2010) do Uỷ ban Basel ban hành.

- Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và phát triển các hoạt động của thị trường tiền tệ một cách có hiệu quả, đặc biệt là công cụ thị trường mở, luôn là nhân tố tích cực cho quản trị rủi ro thanh khoản của NHTM. Cụ thể, NHNN nên:

+ Tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở để thực hiện cung cấp nguồn vốn ngắn hạn cho các ngân hàng, “chữa cháy” về thanh khoản trong thời gian hệ thống ngân hàng đang thiếu thanh khoản. Để tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn này, tránh tình trạng các ngân hàng nhỏ cần thanh khoản lại không vay được mà phải đi vay lại các khoản vốn này từ các ngân hàng lớn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao hơn, NHNN cần tăng số lượng các phiên giao dịch, tăng khối lượng giao dịch và mở rộng các loại giấy tờ có giá được thực hiện giao dịch.

+ Công cụ dự trữ bắt buộc cần được xem xét kĩ lưỡng trước khi được điều chỉnh. Công cụ này trực tiếp tác động tới thanh khoản của ngân hàng, một khi giảm dự trữ bắt buộc, tuy có thể tăng lượng tiền mặt tại ngân hàng nhưng sẽ làm cho quy mô nguồn vốn huy động được có khả năng cho vay cao hơn, đặc biệt là nguồn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, sẽ khiến cho khả năng thanh khoản ngân hàng rủi ro hơn. + Phát triển thị trường tiền tệ về quy mô và chiều sâu để có khả năng truyền tải cơ chế điều tiết của NHNN đối với nền kinh tế. Cần tiếp tục đa dạng và chuẩn hoá các công cụ nợ trên thị trường tiền tệ, nới lỏng hợp lý các điều kiện gia nhập thị trường, chuẩn hoá quy trình và phương thức giao dịch giúp các NHTM nâng cao hiệu quả mua bán vốn, nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro thanh khoản.

- Có các chính sách khuyến khích huy động vốn và các chính sách đảm bảo hoạt động trung thực và an toàn trong hoạt động này.

Công văn 9779/NHNN-CSTT ngày 14/12/2010 quy định mức lãi suất tối đa huy động ở mức 14% của Thống đốc NHNN nhằm ổn định lãi suất trên thị trường, chặn đứng cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng nhưng lại đem đến một mối lo mới. Trong tình hình lạm phát cao, cơn sốt vàng và USD vẫn chưa hoàn toàn nguôi hẳn, người dân và các doanh nghiệp không mấy mặn mà với chuyện gửi tiền, lại càng

không muốn gửi tiền ở những kỳ hạn dài. Để có thể thu hút được khách về gửi tiền tại ngân hàng mình, nhiều ngân hàng đã sử dụng các sản phẩm huy động cho phép rút tiền trước hạn với lãi suất cao, tạo nguồn vốn vô cùng bất ổn. Đã có đề xuất được đưa ra là “tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn không được rút trước hạn, trừ trường hợp đặc biệt khi khách hàng có thoả thuận trước với ngân hàng”, tuy nhiên theo TS Phạm Thế Anh, nên chọn cách phát triển hợp đồng huy động có lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát. Theo đó, NHNN nên xem xét, đánh giá tính hiệu quả các ý kiến được nêu để có giải pháp hợp lý nhất mà vẫn tạo điều kiện cho ngân hàng tăng huy động vốn.

Ngoài ra, cần tiếp tục có những chính sách như 04/2011/TT-NHNN ngày 10/03/2011 quy định áp lãi suất thấp nhất (không kỳ hạn) đối với các khoản tiền gửi rút trước hạn để hạn chế tối đa việc hình thành các nguồn vốn không ổn định này. Hiệp hội ngân hàng cũng nên kiến nghị NHNN xem xét việc linh hoạt trần lãi suất huy động, bởi với mức cố định như trên, trong tình trạng huy động vốn khó khăn, có thể sẽ dẫn đến các hoạt đông ngầm, không minh bạch chỉ để huy động các nguồn vốn nóng, tạo nên một hệ thống ngân hàng không lành mạnh, nhạy cảm với rủi ro thanh khoản.

3.3.3. Kiến nghịđối với Hội sở chính (BIDV)

- Nâng cao chất lượng quản trị rủi ro thanh khoản dưới sự giúp đỡ của các tổ chức tư vấn.BIDV đã thực hiện tốt việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ dưới sự tư vấn của Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam trong nỗ lực tăng cường quản trị rủi ro tín dụng. BIDV cần tiếp tục tìm kiếm đối tác tư vấn về quản trị rủi ro hoạt động trong đó có rủi ro thanh khoản. Điều này sẽ giúp BIDV xây dựng được hệ thống chính sách, quy trình BIDV hợp lý, an toàn, hiệu quả và nhanh chóng nhất. - Thắt chặt mối quan hệ tương tác giữa BIDV và khách hàng. BIDV cần tiếp tục đẩy mạnh việc marketing, xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm gây dựng niềm tin trong lòng dân chúng nói chung và các khách hàng nói riêng. Liên tục nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ và các sản phẩm tiện ích để thu hút khách hàng mới và thỏa mãn khách hàng hiện tại, tạo ra nhóm khách hàng trung thành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh thành phố hồ chí minh (Trang 85 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)