Theo Ghosh (2012), có sự đan xem giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của ngân hàng. Các yếu tố bên ngoài bắt nguồn từ sự suy yếu của nền kinh tế vĩ mô, tình trạng xấu đi của các điều kiện kinh tế và sự kém phát triển của thị trường. Các yếu tố bên trong liên quan đến hoạt động ngân hàng nên còn được gọi là các nhân tố đặc trưng của ngân hàng bao gồm rủi ro trong quản trị tài chính, thiếu sót trong quản trị ngân hàng, sự thiếu hiệu quả trong hoạt động
kinh doanh.
- Nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro tín dụng xuất phát từ môi trường bên ngoài
Nghiên cứu của Sofoklis và Eftychia (2011) về các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng Bulgari theo hướng tiếp cận dữ liệu chuỗi thời gian từ tháng 01/2001 đến tháng 12/2010 cho thấy khủng hoảng tài chính thế giới có tác động đến rủi ro tín dụng ở các ngân hàng Hy Lạp. Bên cạnh đó, các biến số vĩ mô của chính sách tiền tệ và các biến của thị trường tài chính đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp, các chỉ số công nghiệp và xây dựng, tỷ giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Nghiên cứu của Castro (2012) cũng chỉ ra mối liên kết giữa các yếu tố vĩ mô vả rủi ro tín dụng ngân hàng tại 5 quốc gia: Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia. Thông qua việc phân tích các dữ liệu thu thập từ năm 1997 đến năm 2011
và sử dụng mô hình dữ liệu bảng động, nghiên cứu đã cho thấy rủi ro tín dụng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi môi trường vĩ mô, cụ thể : rủi ro tín dụng sẽ tăng khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, tỷ giá tăng và khi giá chứng khoán giảm.
Nhìn chung, phần lớn các nghiên cứu về nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro tín dụng đều cho thấy biến động của thị trường quốc tế và các yếu tố vĩ mô đều gây ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của các ngân hàng.
Vệt Nam cũng không ngoại lệ, môi trường kinh tế quốc tế cũng là một trong những nhân tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đến rủi ro tín dụng của các ngân hàng Việt Nam. Thực vậy, trong nền kinh tế thị trường, sự biến động quá nhanh và không dự đoán được của thị trường thế giới ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong nền kinh tế của quốc gia nói chung và hoạt động kinh doanh của người đi vay nói riêng. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào sản xuất nông nghiệp và việc nhập khẩu, xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng, chế biến thực phẩm và nguyên liệu, dệt may,….nên rất nhạy cảm với giá cả thế giới, dễ bị tổn thương khi thị trường thế giới bị biến động. Ví dụ, những vụ kiện bán phá giá, quy định về hạn ngạch trong ngành dệt may… làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng và ngân hàng cho các doanh nghiệp này vay nói chung. Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thế giới. Chẳng hạn đối với mặt hàng thép, xăng dầu…., việc tăng giá phôi thép, xăng dầu làm cho một số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do chi phí giá thành nhập khẩu tăng cao trong khi không tiêu thụ được sản phẩm. Từ đó, khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ cho ngân hàng dẫn đến rủi ro tín dụng tăng cao. Bên cạnh các ưu điểm, quá trình tự do hóa và hội nhập quốc tế cũng tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt khiến các doanh nghiệp đi vay phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ nếu phương án kinh doanh không hiệu quả hoặc khả năng quản lý kém.
Bên cạnh đó, dưới áp lực cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng trong nước cũng đối mặt với nguy cơ rủi ro tín dụng tăng cao do các khách hàng tiềm lực đã bị ngân hàng nước ngoài thu hút bằng các sản phẩm, dịch vụ tiên tiến, nhiều tiện ích dẫn đến thị phần cho vay của ngân hàng thương mại bị thu hẹp lại với các khách hàng có rủi ro cao hơn.
Xét về môi trường vĩ mô, môi trường pháp lý của Việt Nam chưa được chặt chẽ, các quy định chồng chéo đôi khi mâu thuẫn với nhau, các chính sách kinh tế thường xuyên thay đổi đột ngột khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoạch định phương án kinh doanh. Ví dụ năm 2001, hoạt động kinh doanh xe máy nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp bỏ vốn vào lĩnh vực kinh doanh này. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, nhà nước ban hành quy định mỗi người chỉ được đứng tên sở hữu một xe máy khiến cho sức mua giảm xuống. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho lượng xe đã nhập khẩu về với số lượng lớn dẫn đến ảnh hưởng lớn trong hiệu quả kinh doanh và kéo theo khó khăn trong việc trả nợ vay cho ngân hàng.
Xét về môi trường kinh tế, các hoạt động kinh tế có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, bất kỳ một sự biến động của một hoạt động kinh tế nào cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực còn lại. Hoạt động của ngân hàng thương mại có thể được xem là cầu nối giữa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Do đó, sự ổn định hay bất ổn của bất kỳ lĩnh vực nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng đặc biệt là hoạt động tín dụng. Các biến số vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp,…sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng. Một nền kinh tế ổn định với mức độ lạm phát vừa phải, lãi suất hợp lý, tỷ lệ thất nghiệp thấp….giúp các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, từ đó có thể trả vốn và lãi cho ngân hàng. Ngược lại, khi nền kinh tế biến động thì các doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thu nợ của ngân hàng hay nói khác hơn rủi ro tín dụng có nguy cơ gia tăng.
Ngoài ra, ngân hàng còn đối mặt với các rủi ro khách quan do thiên tai, hỏa hoạn,…làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh doanh thủy hải sản, nông nghiệp.
Một nguyên nhân khách quan nữa dẫn đến rủi ro tín dụng ở các ngân hàng xuất phát từ người đi vay. Khi tình hình kinh doanh của người đi vay không ổn định do khả năng quản lý kinh doanh kém, sử dụng vốn sai mục đích, sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều dẫn đến mất khả năng thanh toán,….cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hồi vốn vay của ngân hàng hay nói khác hơn làm tăng nguy cơ rủi ro tín dụng phát sinh. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp Việt Nam là tình hình tài chính kém minh bạch, vốn chủ sở hữu ít, cơ cấu tài chính thiếu cân đối, công tác quản lý tài chính kế toán chưa đồng bộ, chủ yếu mang tính đối phó,….khiến cho các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập và kiểm tra tính chính xác của thông tin, chưa kể đến việc ngân hàng dựa trên các số liệu do doanh nghiệp cung cấp khiến cho việc đánh giá cho vay thiếu chính xác và hậu quả rủi ro tín dụng xảy ra là
tất yếu.
- Nguyên nhân chủ quan dẫn đến rủi ro tín dụng xuất phát từ các nhân tố đặc trưng của ngân hàng
Đây là các rủi ro xuất phát từ chính sách, quan điểm quản lý, hiệu quả kinh doanh của bản thân các ngân hàng thể hiện thông qua các chỉ số chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, đòn bẩy tài chính, thu nhập, chi phí, quy mô ngân hàng, tỷ suất sinh lời…. Các chỉ số này phản ánh phần nào chính sách, quan điểm quản lý và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng cũng như phần nào phản ánh nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng. Chẳng hạn, tỷ suất lợi nhuận ngân hàng thấp, thu nhập ít, chi phí cao phản ánh năng lực quản lý kém. Quy mô ngân hàng cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng. Các ngân hàng lớn thường có quan điểm được nhà nước bảo hộ trong trường hợp ngân hàng có nguy cơ phá sản, do đó, họ thường gia tăng đòn bẩy
tài chính và mở rộng tín dụng quá mức dẫn đến rủi ro tín dụng có nguy cơ tăng cao. Mục 2 của chương này sẽ cho thấy nhân tố đặc trưng nào của ngân hàng tác động đến rủi ro tín dụng và tác động như thế nào thông qua các nghiên cứu thực nghiệm trong và ngoài nước.