Kết quả nghiên cứu ở Chương 4 đã cho thấy trong số các nhân tố đặc trưng của ngân hàng ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng, tỷ suất lợi nhuận có tác động rất lớn, cụ thể khi tỷ suất lợi nhuận ROA tăng 1% sẽ làm cho rủi ro tín dụng giảm 42,87%. Chính vì vậy, các nhà quản lý ngân hàng cần đặc biết chú ý đến việc tăng tỷ suất lợi nhuận trong quá trình điều hành và quản lý nhằm đạt được mục tiêu hạn chế rủi ro tín dụng xảy ra. Trước đây lợi nhuận ngân hàng thu được chủ yếu do chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Chênh lệch này càng lớn khiến biên sinh lời của ngân hàng càng cao. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, mức chênh lệch này ngày càng giảm một phần do chính sách của Ngân hàng nhà nước, một phần do sự cạnh tranh gay gắt của các NHTM khi tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn nhàn rỗi và giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Thực tế đó đòi hỏi các ngân hàng cần tìm ra biện pháp mới ngoài lãi suất để tăng tỷ suất lợi nhuận.
Thứ nhất, ngân hàng cần chú trọng đến các khoản thu nhập từ hoạt động phi tín dụng thông qua các dịch vụ cung cấp kèm theo như dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thu hộ, dịch vụ trích tự động lương để thu nợ, dịch vụ thẻ tín dụng cấp dựa trên phần dư của tài sản đảm bảo từ khoản cấp tín dụng....Ngoài ra, ngân hàng có thể xem xét kết hợp với các công ty cung cấp dịch vụ như công ty bảo hiểm, các trung tâm mua sắm,...vừa tăng tiện ích cho khách hàng, tận dụng được nguồn vốn không kỳ hạn của các công ty liên kết khi ngân hàng là đại lý thanh toán vừa có thể tăng thu nhập cho ngân hàng dựa trên hoa hồng của công ty liên kết.
Thứ hai, ngân hàng cần cắt giảm chi phí đặc biệt là các chi phí tín dụng như chi phí thẩm định, chi phí quản lý tài sản,....Để thực hiện được điều này, các ngân hàng cần chủ động trong khâu thẩm định và quản lý tài sản, có sự phân bổ hợp lý. Các ngân
hàng cần đào tạo và thành lập bộ phận thẩm định và quản lý tài sản riêng của ngân hàng, vừa tiết kiệm được chi phí thuê công ty định giá vừa chủ động hơn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp tài sản đảm bảo ở xa, ngân hàng cần tận dụng mạng lưới chi nhánh của mình để hỗ trợ công tác thẩm định, cắt giảm chi phí vận chuyển và các chi phí khác có liên quan. Ngân hàng cũng cần tuyên truyền thực hiện tiết kiệm chi phí vận hành như chi phí điện, chi phí máy móc, bảo quản các thiết bị,...Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tổ chức phân bổ nguồn lao động hợp lý, đào tạo nhân viên có trình độ cao, kỹ năng giỏi và có thể hỗ trợ các vị trí khác nếu cần. Đặc biệt, ngân hàng nên chú trọng khâu công nghệ, thực hiện tự động hóa vừa tiết kiệm chi phí vận hành vừa đảm bảo tính an toàn và bảo mật thông tin.