Năm 2007 đã chứng kiến một cuộc bùng nổ trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên giai đoạn 8 năm từ năm 2008 đến năm 2016 đã bộc lộ các yếu kém của việc bùng nổ quá mức thể hiện thông qua hàng loạt ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng hoặc xáp nhập,.... Có những ngân hàng đổi tên, thành lập pháp nhân mới, cũng có những ngân hàng hoàn toàn biến mất. Do đó, để đảm bảo tính khách quan của mẫu, nghiên cứu đã tập trung vào đối tượng là rủi ro tín dụng tại 20 NHTM Việt Nam thành lập trước năm 2007. Đây là các ngân hàng không bị xáp nhập hoặc mua lại trong giai đoạn 2007-2015 (theo dữ liệu của NHNN thời điểm 31/12/2016) bao gồm:
Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Bản Việt)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (Bắc Á)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (EAB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải (MSB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (Seabank)
Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SGB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế (VIB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Viettin)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Đồng thời để đảm bảo tính chính xác, đáng tin cậy của dữ liệu, nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp tổng hợp dạng bảng được thu thập từ các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên giai đoạn 2008 - 2016 của 20 NHTM Việt Nam nêu trên để phân tích các nhân tố đặc trưng của ngân hàng ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng. Cụ thể, về khía cạnh dư nợ của NHTM, nghiên cứu thu thập số liệu về nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn và tổng dư nợ cấp tín dụng. Về lợi nhuận của NHTM, nghiên cứu sử dụng số liệu lợi nhuận từ hoạt động cho vay và lợi nhuận sau thuế. Ở khía cạnh tác động của chi phí, nghiên cứu lấy số liệu về chi phí dự phòng và chi phí cho hoạt động tín dụng. Về khía cạnh quy mô ngân hàng và nguồn tài trợ cho hoạt động cho vay, nghiên cứu sử dụng số liệu về tổng tài sản, tổng tiền gửi và vốn điều lệ.