Phân tích kết quả và so sánh với các nghiên cứu trước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố đặc trưng của ngân hàng ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 63 - 68)

Kết quả phân tích hồi quy dữ liệu thu thập từ năm 2008 đến năm 2016 của 20 NHTM Việt Nam trình bày tại Bảng 4.8 cho thấy với mức ý nghĩa 1%, chi phí ngân hàng sử dụng trong hoạt động cho vay tỷ lệ thuận với rủi ro tín dụng. Cụ thể khi các biến khác không thay đổi, chi phí ngân hàng sử dụng tăng thêm 1% sẽ làm cho rủi ro tín dụng tăng thêm 0,42%. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng ban đầu của nghiên cứu và giống với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Hữu Thạch (2015). Khi chi phí tăng cao chứng tỏ các ngân hàng quản lý hoạt động cho vay kém hiệu quả dẫn đến rủi ro tín dụng tăng cao. Kết quả của nghiên cứu có ý nghĩa thống kê trong khi nghiên cứu của Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Hữu Thạch (2015) chưa cho ra ý nghĩa thống kê đối với mối quan hệ này.

Cũng với mức ý nghĩa 1%, nghiên cứu cho thấy đòn bẩy tài chính ngân hàng sử dụng tác động cùng chiều với rủi ro tín dụng. Khi ngân hàng gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính thêm 1% trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi thì rủi ro tín

dụng tăng thêm 2,09%. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng ban đầu của nghiên cứu cũng như của Fisher, Gueyie và Ortiz (2000). Đây cũng là kết quả hợp lý có thể lý giải được vì khi ngân hàng đi vay, họ phải trả tiền lãi, phần tiền lãi này ngân hàng tính vào lãi suất áp dụng khi cho vay nhằm tạo ra một khoản chênh lệch đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng. Đòn bẩy tài chính càng lớn có nghĩa ngân hàng đi vay càng nhiều, tiền lãi ngân hàng phải trả càng tăng khiến cho lãi suất và quy mô các khoản ngân hàng cho vay cũng tăng theo. Một mặt lãi suất cho vay của ngân hàng quá cao khiến người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ. Mặt khác, khi mở rộng quy mô cho vay quá mức ngân hàng có khả năng nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay và thẩm định khách hàng quá dễ dãi dẫn đến rủi ro tín dụng cũng gia tăng.

Một trong những nguồn vốn ngân hàng dùng để tài trợ hoạt động cho vay là vốn điều lệ – nguồn vốn của chủ ngân hàng - nguồn vốn ngân hàng sử dụng mà không cần phải trả lãi. Chính vì vậy, đôi khi ngân hàng có tâm lý ỷ lại, sẵn sàng mạo hiểm khi đồng ý cho vay các dự án có rủi ro cao hi vọng sẽ thu lại lợi nhuận đáng kể. Chính điều này cũng làm cho rủi ro tín dụng tăng cao. Kết quả của nghiên cứu trình bảy tại Bảng 4.8 cũng ủng hộ cho ý kiến trên. Với mức ý nghĩa 1%, khi các điều kiện khác không đổi, vốn điều lệ của ngân hàng tăng 1% sẽ làm cho rủi ro tín dụng tăng thêm 3,05%. Kết quả cũng đồng quan điểm với nghiên cứu của Cummins và Sommer (1996).

Nghiên cứu của Trương Đông Lộc và Nguyễn Văn Thép (2015) về các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của các quỹ tín dụng nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu của Lê Thanh Ngọc, Đặng Trí Dũng, Lê Nguyễn Minh Phương (2015) đều cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản tỷ lệ nghịch đến rủi ro tín dụng. Khi tỷ suất lợi nhuận cao có nghĩa ngân hàng hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận cao thường là các tổ chức quản lý tốt việc đánh giá chất lượng tín dụng, có hệ thống thẩm định tốt và quy định cho vay chặt chẽ. Ủng hộ quan điểm trên, kết quả của nghiên cứu cho thấy với mức ý nghĩa

1%, với các yếu tố khác không đổi, khi tỷ suất lợi nhuận ROA tăng 1% sẽ làm cho rủi ro tín dụng giảm 42,87%. Đây là mức tác động không nhỏ, đáng để các nhà quản lý ngân hàng chú ý trong quá trình điều hành và quản lý nhằm đạt được mục tiêu hạn chế rủi ro tín dụng xảy ra.

Ở mức ý nghĩa 5%, nghiên cứu chỉ có một biến độc lập tác động đến rủi ro tín dụng là LD – tỷ lệ Tổng dư nợ/Tổng tiền gửi – tỷ lệ này cho biết với một đồng tiền gửi huy động được, ngân hàng sử dụng để cho vay bao nhiêu. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi tỷ lệ này tăng 1% trong khi các yếu tố khác không đổi thì rủi ro tín dụng sẽ giảm 1,09%. Lý giải cho vấn đề này, có thể là khi ngân hàng cho vay nhiều hơn khiến tổng dư nợ tăng dẫn đến chỉ số rủi ro tín dụng tính bằng tỷ lệ giữa các khoàn nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn trên tổng dư nợ sẽ giảm trong trường hợp các ngân hàng quản lý nợ hiệu quả. Nghiên cứu có cùng kết quả với nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu Ahmad và Ariff (2007) đối với 4 quốc gia: Mexico, Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản khi tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu dựa trên dữ liệu của 23.499 ngân hàng ở 2 nhóm quốc gia: phát triển và đang phát triển từ năm 1996 đến năm 2002.

Với mức ý nghĩa 10%, nghiên cứu tìm ra có 2 biến độc lập tác động đến rủi ro tín dụng, đó là LLP và MGT.

Xét về biến LLP, Bảng 4.8 cho thấy khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 1% với các yếu tố khác không thay đổi thì rủi ro tín dụng tăng 27,07%. Đây là mức tác động không nhỏ và phù hợp với kỳ vọng ban đầu. Mặc dù kết quả trái ngược với nghiên cứu của Amad (2003) và Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Hữu Thạch (2015) nhưng lại đồng quan điểm với nghiên cứu của Ahmed và ctg (1998) cũng như của Ahmad và Ariff (2007). Khi ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng có nghĩa là khoản vay có nguy cơ rủi ro cao hơn hay nói cách khác, chi phí dự phòng phản ánh chất lượng danh mục cho vay của ngân hàng.

Đối với biến MGT, Bảng 4.8 cho thấy khi thu nhập từ hoạt động tín dụng tăng 1% trong điều kiện các yếu tố khác không đổi thì rủi ro tín dụng sẽ tăng 5,03%. Tác động này ngược với kỳ vọng ban đầu và với nghiên cứu của Ahmad và Ariff (2007). Đối với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, ngân hàng chú trọng vào việc tạo lợi nhuận thông qua việc cải cách hệ thống quản lý hoạt động tín dụng nhằm mục tiêu tăng lợi nhuận gắn liền với an toàn tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các ngân hàng Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống thẩm định chất lượng tín dụng tốt. Lợi nhuận hoạt động cho vay của ngân hàng tăng cao nhưng chưa hẳn là do khâu thẩm định tốt hơn mà phần lớn là do ngân hàng mở rộng tín dụng, chính điều này làm cho nguy cơ rủi ro tín dụng tăng cao hơn. Hơn thế nữa, các số liệu về thu nhập của ngân hàng thường không thực sự phản ánh đúng như thực tế do các ngân hàng thường cố gắng làm đẹp bảng báo cáo tài chính của mình nhằm thu hút nhà đầu tư và tạo niềm tin cho người gửi tiền.

Nghiên cứu cũng tìm thấy mối quan hệ đồng biến giữa quy mô ngân hàng và rủi ro tín dụng, trái với kỳ vọng ban đầu tuy nhiên giống với kết quả của Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Hữu Thạch (2015). Kết quả ủng hộ cho lý thuyết “quá lớn để sụp đổ” khi các ngân hàng có quy mô lớn tin rằng họ không thể bị sụp đổ, từ đó dễ dàng hơn trong khâu thẩm định cho vay dẫn đến rủi ro tín dụng dễ xảy ra hơn. Đặc biệt ở Việt Nam, khi một ngân hàng gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản, Ngân hàng nhà nước sẽ tìm cách hạn chế tối đa hậu quả nhằm tránh “hiệu ứng domino” lan truyền làm đỗ vỡ cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong mẫu nghiên cứu chưa tìm được ý nghĩa thống kê cho mối quan hệ này.

Kết luận Chương 4

Bằng phương pháp định lượng với sự hỗ trợ của phần mềm Eview, nghiên cứu phân tích 180 quan sát từ mẫu dữ liệu của 20 NHTM Việt Nam giai đoạn 2008 – 2016 đã cho thấy mô hình hiệu ứng ngẫn nhiên REM là mô hình phù hợp khi nghiên cứu tác động của các nhân tố đặc trưng của NHTM Việt Nam đến rủi ro tín dụng. Chương 4 cũng so sánh kết quả phân tích với các nghiên cứu trước đây, từ đó rút ra kết luận rủi ro tín dụng của các NHTM Việt Nam chịu tác động cùng chiều từ các nhân tố: chi phí hoạt động tín dụng, đòn bẩy tài chính, nguồn vốn của ngân hàng, chi phí dự phòng, thu nhập từ hoạt động tín dụng. Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ tổng dư nợ/tổng tiền gửi tỷ lệ nghịch với rủi ro tín dụng. Nội dung tiếp theo trong Chương 5 sẽ trình bày một số kiến nghị và giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng cũng như ưu nhược điểm của nghiên cứu.

CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố đặc trưng của ngân hàng ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)