Hậu quả của rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố đặc trưng của ngân hàng ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 30 - 31)

Rủi ro tín dụng gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với hoạt động của ngân hàng nói riêng mà còn đến toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia nói

chung.

-Hậu quả của rủi ro tín dụng đến hoạt động của ngân hàng thương mại

Rủi ro tín dụng làm giảm uy tín của ngân hàng thương mại. Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ chủ yếu dựa trên uy tín của ngân hàng. Trong xu thế cạnh tranh gay gắt, thông tin xấu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nếu ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu quá cao hoặc không thu hồi được nợ sẽ khó thu hút được nguồn vốn gửi tiền của người dân cũng như vốn đầu tư của các nhà đầu tư vì họ lo sợ đồng vốn họ bỏ vào ngân hàng đó sẽ không an toàn và khả năng sinh lời thấp.

Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng cũng làm giảm khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại. Nguồn vốn cho vay của ngân hàng phần lớn là huy động từ các tổ chức và dân cư. Ngân hàng trả tiền lãi cho người gửi tiền và cho vay lại với lãi suất cao hơn nhằm hưởng lợi nhuận chênh lệch. Khi rủi ro tín dụng xảy ra, ngân hàng không thu hồi được nợ nhưng vẫn phải trả lãi tiền gửi. Điều này khiến cho ngân hàng đối mặt với nguy cơ giảm khả năng thanh toán.

Hơn nữa, rủi ro tín dụng còn làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Theo quy định của ngân hàng nhà nước, các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu. Đối với các khoản nợ xấu ở mức độ cao thì tỷ lệ trích lập dự phòng càng lớn khiến

cho chi phí của ngân hàng tăng cao, đồng nghĩa với lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm. Thậm chí, rủi ro tín dụng còn dẫn đến nguy cơ phá sản ngân hàng nếu tỷ lệ này tiếp

tục kéo dài và ăn mòn vào vốn riêng của ngân hàng.

- Hậu quả của rủi ro tín dụng đến nền kinh tế

Các tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng được xem là cầu nối giúp “bôi trơn” nền kinh tế, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia. Do đó, khi rủi ro tín dụng xảy ra ảnh hưởng đến uy tín, khả năng thanh toán của ngân hàng, người gửi tiền sẽ mất lòng tin vào ngân hàng, đổ xô đi rút tiền gây nên hỗn loạn và bất ổn cho nền kinh tế. Việc khách hàng của Ngân hàng TMCP Á Châu kéo đến rút tiền ào ạt tại các điểm giao dịch của ngân hàng này vào năm 2003 khi có thông tin Tổng Giám Đốc ngân hàng này bỏ trốn là một minh chứng rõ ràng nhất. Hơn thế nữa, những ảnh hưởng này lại mang tính dây chuyền. Khi một ngân hàng thương mại để xảy ra tình trạng mất tính thanh khoản sẽ gây ra những tác động dây chuyền cho nền kinh tế. Thực vậy, khi khả năng thanh khoản của ngân hàng bị giảm sút, ngân hàng sẽ không còn khả năng tiếp tục tài trợ vốn cho các pháp nhân, thể nhân và phải thu hồi vốn trước hạn. Như vậy, các đối tượng nhận tài trợ vốn bị ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của họ. Mặt khác, khi ngân hàng mất thanh khoản sẽ khiến niềm tin của công chúng đối với ngân hàng đó nói riêng và toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung giảm sút, từ đó gây ra phản ứng dây chuyền rút vốn tại các ngân hàng khác. Hơn nữa, ngân hàng đổ vỡ ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác khiến cho nền kinh tế suy thoái, sức mua giảm, thất nghiệp tăng, xã hội mất ổn định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố đặc trưng của ngân hàng ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)