Một trong những nguyên nhân chủ quan từ Sacombank dẫn đến rủi ro tín dụng là các đơn vị kinh doanh không tuân thủ nguyên tắc và quy trình cấp tín dụng (xem mục 2.4.3 Chương 2). Thực tế này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng của Sacombank chưa hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng góp phần hạn chế tối đa việc vi phạm tính tuân thủ của các đơn vị kinh doanh trong toàn hệ thống, Sacombank cần thực hiện 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng tần suất kiểm tra hoạt động cấp tín dụng tại các Chi nhánh của Tổ Kiểm tra Khu vực/Kiểm toán Nội bộ Hội sở. Kiểm toán Nội bộ và Tổ Kiểm tra Khu vực cần phối hợp tổ chức kiểm tra, đảm bảo 1 năm các Chi nhánh phải được kiểm tra ít nhất 2 lần. Hiện nay, công tác kiểm tra thường được thực hiện 1 lần/năm (có năm không có) hoặc khi có dấu hiệu bất thường xảy ra. Việc vi phạm tính tuân thủ trong hoạt động cấp tín dụng có thể xảy ra do các đơn vị cố ý hoặc do hiểu sai các quy định của Sacombank. Với tần suất kiểm tra như thế sẽ dẫn đến tình trạng không phát hiện sớm các sai phạm để có những biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế rủi ro có thể xảy ra cho Ngân hàng.
Thứ hai, Phòng Kiểm soát rủi ro Chi nhánh cần có cơ chế hoạt động tách bạch với Chi nhánh nhằm tăng tính độc lập trong kiểm soát, tránh được tình trạng làm việc dựa trên quan điểm rủi ro của Lãnh đạo đơn vị. Bên cạnh đó, ngoài các yêu cầu cần thiết khác Sacombank cần đặt ra yêu cầu đối với vị trí Chuyên viên kiểm soát rủi ro và Chuyên viên quản lý tín dụng phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong hoạt động cấp tín dụng.