Về phương thức quản lý rủi ro tín dụng
Hoạt động cấp tín dụng tại Sacombank được thực hiện phân quyền phán quyết cấp tín dụng đến các Chi nhánh/Phòng giao dịch, chỉ những khoản cấp tín dụng vượt mức phán quyết mới trình về Khu vực/Hội sở. Mô hình quản lý này tạo ra một số hạn chế, điển hình như:
Chuyên viên khách hàng vừa tiếp thị vừa thẩm định, phân tích tín dụng nên khó có đánh giá khách quan, độc lập về khách hàng, tạo điều kiện phát sinh rủi ro đạo đức do Chuyên viên khách hàng thông đồng với khách hàng.
Do tính chất công việc và không được chuyên môn hóa, kiến thức không chuyên sâu nên chất lượng thẩm định của Chuyên viên khách hàng yếu kém, kết quả thẩm định không phản ánh đúng thực trạng khách hàng.
Chuyên viên khách hàng thực hiện quá nhiều công việc, cùng với áp lực chạy chỉ tiêu kinh doanh nên không có đủ thời gian bám sát tính hình của khách hàng, không thực hiện tốt việc kiểm tra sử dụng vốn vay của khách hàng.
Về mô hình phê duyệt tín dụng
Hiện nay, Sacombank thực hiện phê duyệt tín dụng theo 2 mô hình là mô hình phê duyệt tập thể và mô hình phê duyệt theo phân quyền. Tổ chức phán quyết tín dụng của Sacombank tồn tại một số hạn chế sau:
Tổ chức phán quyết theo phân quyền dẫn đến việc thiếu khách quan trong phán quyết, phát sinh một số trường hợp phán quyết theo ý chí chủ quan của người được phân quyền.
Phân quyền phán quyết cấp tín dụng cho Chi nhánh cao dễ dẫn đến rủi ro cho ngân hàng. Rủi ro có thể phát sinh từ năng lực yếu kém của đơn vị hoặc rủi ro đạo đức của các cá nhân tham gia phê duyệt cấp tín dụng.
Về quản lý và xử lý thu hồi nợ
Tại Sacombank công tác xử lý thu hồi nợ do Chi nhánh chịu trách nhiệm thực hiện. Văn phòng Khu vực, Phòng Xử lý nợ và các đơn vị chuyên trách có nhiệm vụ tham mưu, giám sát công tác xử lý, thu hồi nợ của Chi nhánh. Tổ chức quản lý thu hồi nợ theo hình thức này tồn tại một số vấn đề sau:
Với áp lực chỉ tiêu kinh doanh nên các Chi nhánh chưa tập trung quyết liệt vào công tác xử lý thu hồi nợ dẫn đến việc thu hồi nợ còn chậm.
Chuyên viên thu hồi nợ tại Chi nhánh chưa chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm trong công tác thu hồi nợ nên nhận định tình hình khách hàng không chính xác dẫn đến đề xuất biện pháp xử lý thu hồi nợ không hợp lý.
Về định giá tài sản đảm bảo
Tại Sacombank, việc định giá và quản lý tài sản đảm bảo được quy định cụ thể, rõ ràng bằng văn bản. Trong đó có giao quyền tự định giá tài sản đảm bảo cho Chi nhánh. Việc giao quyền tự định giá tài sản đảm bảo cho Chi nhánh như trên của Sacombank có thể làm phát sinh 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, Chuyên viên khách hàng cố tình đẩy giá tài sản đảm bảo lên cao hơn giá trị thực tế để có thể cấp tín dụng cho khách hàng. Hành vi này có thể xuất phát từ áp lực chỉ tiêu, thành tích, áp lực khác hoặc có tiêu cực trong cấp tín dụng cho khách hàng.
Thứ hai, Chuyên viên khách hàng không đủ năng lực, trình độ trong định giá tài sản đảm bảo dẫn đến việc xác định giá trị tài sản không phù hợp thực tế. Định giá tài sản quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu tín dụng của khách hàng làm cho ngân hàng mất khách hàng. Định giá tài sản quá cao so thực tế gây ra tổn thất cho ngân hàng khi rủi ro tín dụng xảy ra.