9. Bố cục của luận văn:
1.3.5. Sự cần thiết phải phát triển tín dụng đối với DNNVV
Mặc dù có quy mô kinh doanh “khiêm tốn” nhưng các DNNVV lại chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp, có đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước, tạo phần lớn việc làm và là động lực phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, các DNNVV còn nhiều rủi ro trong kinh doanh vì phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo thống kê, có đến 90% doanh nghiệp khởi nghiệp không có lãi trong vòng 3 năm đầu. Theo số liệu thống kê năm 2017, có đến 70% DNNVV, tương đương với khoảng gần 400.000 doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng.
Việc hỗ trợ tín dụng Ngân hàng đối với các DNNVV là rất cần thiết vì các lý do sau:
Thứ nhất, bảo đảm DNNVV có nguồn vốn cần thiết cho phát triển. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, DNNVV thường có tiềm lực tài chính yếu. Do đó, DNNVV thường khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Để triển khai được kế hoạch phát triển kinh doanh hiệu quả, DNNVV cần phải huy động vốn.
Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thường các DNNVV không đủ điều kiện để phát hành chứng khoán, tiếp cận nguồn vốn trên thị trường chứng khoán vì các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc tạo niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, tín dụng là một kênh chủ yếu mà DNNVV tiếp cận để huy động vốn.
Thứ ba, DNNVV thường không có đủ nguồn tài sản để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Vì lẽ đó, cần những chính sách hỗ trợ tín dụng cho DNNVV sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu vốn của DNNVV nhưng cũng không làm gia tăng rủi ro tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Do vậy, chính sách hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV rất cần có sự tham gia của các NHTM.