8. TỔNG QUAN VỀ LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU
1.6 Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động Bancassurance
1.6.1 Nhân tố khách quan
Điều kiện kinh tế xã hội
Điều kiện kinh tế – xã hội được cải thiện đồng nghĩa với việc thị trường tài chính sẽ phát triển, mức sống và thu nhập của người dân được nâng cao. Bancassurance là một loại hình dịch vụ mới do các ngân hàng và các công ty bảo hiểm phát triển, dịch vụ này chỉ phát triển khi có một nền tảng nhất định. Nền tảng đấy trước hết chính là sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Một thị trường tài chính phát triển sẽ kéo theo sự cạnh tranh gay gắt và phát triển dịch vụ Bancassurance chính là một trong những giải pháp nhằm làm tăng ưu thế cạnh tranh của các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Mặt khác, một nước có nền kinh tế – xã hội phát triển có nghĩa là người dân có sự hiểu biết cao đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng đồng thời cũng là những khách hàng có thu nhập cao, đòi hỏi những dịch vụ tài chính hoàn hảo do đó sẽ thúc đẩy dịch vụ Bancassurance ra đời và phát triển.
Môi trường pháp lý
Kinh nghiệm từ các nước đã triển khai thành công Bancassurance trên thế giới cho thấy các quy định về pháp lý đóng vai trò quan trọng và có tác động trực tiếp đến hoạt động Bancassurance. Các nước càng có ít rào cản gia nhập đối với các công ty bảo hiểm thì nghiệp vụ Bancassurance càng phát triển. Một số chính phủ các nước cho phép bảo hiểm nước ngoài tham gia đầu tư khiến cho thị trường bảo hiểm các nước này thêm tính cạnh tranh và ngày một phát triển. Có thể nói, mở cửa thương mại, đa phương hoá các mối quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới nhằm hút vốn và công nghệ từ các nước phát triển, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc phát triển ngành bảo hiểm nói chung và hoạt động Bancassurance nói riêng.
Đối thủ cạnh tranh
Đã là thương mại thì sẽ có cạnh tranh. Bancassurance cũng vậy, chính các đối thủ cạnh tranh cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy hoạt động Bancassurance phát triển. Bởi trong một thị trường tài chính, khi mà Bancassurance đã trở nên phổ biến thì ngân hàng nào không muốn tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh cũng đều phải mở rộng và phát triển dịch vụ này theo xu thế chung. Đặc biệt, nếu các đối thủ cạnh tranh đã phát triển thành công thì càng tạo động lực cho các ngân hàng chú trọng phát triển hơn nữa dịch vụ này một mặt vì những lợi ích mà nó đem lại, mặt khác để gia tăng ưu thế cạnh tranh đối với các đối thủ khác trên thị trường.
Văn hóa tiêu dùng
Khi một nền kinh tế tăng trưởng thì đi kèm với nó là văn hóa tiêu dùng cũng được nhìn nhận một cách tích cực hơn. Ở các nước phát triển, người dân hiểu rõ về các sản phẩm dịch vụ tài chính và rất ưa chuộng tham gia các sản phẩm bảo hiểm. Chính điều này đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển của ngành bảo hiểm cũng như Bancassurance của những nước này. Như vậy, có thể thấy văn hóa tiêu dùng có tác động lớn đến mức cầu của thị trường và ảnh hưởng đến việc phát triển kênh phân phối Bancassurance. Đây là yếu tố khách quan, sự phát triển nền kinh tế xã hội của một quốc gia sẽ làm thay đổi văn hóa tiêu dùng của người dân ở quốc gia đó.
1.6.2 Nhân tố chủ quan
Đối tác
Việc lựa chọn đối tác có uy tín, thương hiệu tốt giúp các bên có thể phát huy và bổ sung cho uy tín và thương hiệu của chính bản thân công ty mình và đem lại sự thành công của sản phẩm Bancassurance. Khi tìm kiếm đối tác, các bên như ngân hàng và công ty bảo hiểm cần phải xác định rõ khả năng và điểm mạnh yếu của từng bên, sử dụng tốt nguồn lực sẵn có như con người, khả năng tài chính, cơ sở dữ liệu, địa điểm kinh doanh tốt để việc triển khai Bancassurance được diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, việc thực hiện kinh doanh
Bancassurance không tốt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh của các bên tham gia.
Các bên cần phải xử lý tốt các mối quan hệ và mâu thuẫn trong hợp tác vì khi hợp tác, môi trường văn hoá kinh doanh các bên sẽ có sự thay đổi, cũng như mục tiêu kinh doanh và đối tượng khách hàng của từng đối tác sẽ có nhiều tác động. Việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm có thể thay thế các sản phẩm ngân hàng ở mức độ nhất định và ngược lại.
Thị trường mục tiêu
Với việc tiến hành phân đoạn thị trường tức là chia khách hàng ra thành các nhóm có đặc điểm tương đồng (thu nhập, sở thích, thói quen,…), ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ đề ra được chiến lược phát triển kinh doanh hợp lý, chọn được thị trường mục tiêu nhắm tới trong từng giai đoạn phát triển sản phẩm. Phân đoạn thị trường hợp lý sẽ giúp các đối tác đưa ra các gói sản phẩm phù hợp, thỏa mãn nhu cầu thị trường qua đó làm tăng doanh thu và lợi nhuận.
Xác định được thị trường mục tiêu, ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ cắt giảm được chi phí từ những sản phẩm không phát triển được đồng thời tập trung nguồn lực vào một số sản phẩm thế mạnh sẽ đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn
Sản phẩm và công nghệ
Để hoạt động Bancassurance thành công cần phải có chiến lược sản phẩm, sự hỗ trợ của công nghệ và mô hình kinh doanh hợp lý. Đặc biệt, khi mới triển khai nên bắt đầu với các sản phẩm đơn giản, sau khi đã có kết quả nhất định mới nên mở rộng ra các sản phẩm mang nhiều đặc tính phức tạp hơn và đem lại doanh thu cao hơn. Việc áp dụng chiến lược này sẽ giúp cập nhật thông tin khách hàng, phân đoạn cơ sở dữ liệu khách hàng để thực hiện marketing hiệu quả hơn nhằm thu được lợi nhuận với việc đầu tư ít, rủi ro thấp. Các sản phẩm ra đời, cần phải có sự lựa chọn đánh giá thật kỹ càng, tập trung hướng
tới việc phục vụ khách hàng trọn gói và phải có sự đồng thuận của hai bên cùng tham gia là ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Việc bán các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng giống như việc Công ty bảo hiểm bán sản phẩm của mình qua kênh khác nên cũng đòi hỏi việc đào tạo, marketing với các biện pháp khuyến khích, chính sách thù lao, quy trình đánh giá rủi ro… phải phù hợp. Bên cạnh đó, để phát triển bancassurance thành công cũng đòi hòi hệ thống công nghệ phát triển đồng bộ. Điều này đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng phải đảm bảo cơ sở dữ liệu khách hàng rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho việc marketing đồng thời cũng phải là công cụ có thể quản lý được doanh thu bán sản phẩm và đánh giá được chất lượng nhân viên.
Chất lượng nguồn nhân lực
Nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mọi hoạt động. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, cụ thể hơn là bancassurance, sản phẩm có đến tay người tiêu dùng hay không có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ nhân viên kinh doanh. Một khi thông tin sản phẩm Bancassurance tới được khách hàng thì có nghĩa các đối tác đã thành công một phần, sau đó cần có những chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để tiếp cận, tư vấn và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm phù hợp với chính nhu cầu của khách hàng. Có như vậy, mới thực sự đưa Bancassurance phát triên bền vững trong tương lai.
Chính vì vậy, công tác đào tạo phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm của cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm. Hai bên cần cung cấp cho nhân viên kinh doanh đủ kiến thức chuyên môn về ngân hàng và bảo hiểm, kỹ năng bán hàng cũng như đưa ra các chính sách khích lệ để tạo thêm động lực cho chính nhân viên.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1, luận văn đã hệ thống được cơ sở lý luận về bảo hiểm – kinh doanh bảo hiểm và đi sâu vào lý thuyết về Bancassurance bao gồm: khái niệm, các loại hình, lợi ích của Bancassurance. Trên cơ sở lý thuyết, tác giả đưa ra các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển hoạt động Bancassurance (bao gồm chỉ tiêu định tính, định lượng) và các nhân tố (nhân tố chủ quan, khách quan) tác động đến sự phát triển này. Mục đích nhằm làm khung đánh giá cho thực trạng phát triển hoạt động Bancassurance tại BIDV ở chương 2.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG
BANCASSURANCE TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
2.1 Thị trường Bancassurance tại Việt Nam
Trước năm 1993 (khi chưa có Luật Kinh doanh bảo hiểm), ở Việt Nam chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bảo hiểm đó là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong điều kiện bao cấp nên vai trò của hoạt động bảo hiểm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, mối liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm hầu như chưa có gì đáng kể. Sau khi Nghị định số 100/CP của Chính phủ ra đời ngày 18 tháng 12 năm 1993, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như quy mô từ doanh thu phí bảo hiểm. Vì thế, vấn đề quản lý thị trường bằng luật chuyên ngành và hệ thống các quy phạm pháp luật khác được đặt ra. Do đó, tháng 12 năm 2000, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được ban hành thay thế Nghị định 100/CP của Chính phủ để quản lý thị trường bảo hiểm Việt Nam. Cho đến nay, hệ thống các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã được xây dựng và ban hành ở các cấp độ quản lý từ Chính phủ đến Bộ Tài chính. Hệ thống các văn bản pháp quy phần nào đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm và là công cụ quan trọng giúp cho việc quản lý thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, hiệu quả. Ðồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để các công ty bảo hiểm chủ động liên kết với các ngân hàng thông qua thỏa thuận hợp tác để phân phối các sản phẩm bảo hiểm truyền thống đến các khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Luật Các tổ chức tín dụng 2004 (sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng số 1997) và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cho phép các tổ chức tín dụng được cung ứng các dịch vụ bảo hiểm hoặc thành lập các công ty độc lập để kinh doanh bảo hiểm, do vậy sự liên kết hoạt động giữa bảo hiểm và ngân hàng này đã có cơ sở để phát triển chính thức, thêm nhiều hình thức chặt chẽ hơn.
Từ năm 2000, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm như sau:
Ngân hàng làm đại lý khai thác bảo hiểm: Vietinbank và Bảo Việt (2001);
Techcombank và Bảo Việt (năm 2006); ABBank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prévoir Việt Nam (2008); ACB và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prévoir Việt Nam (2009); Maritime Bank và Prudential (2010); ACB đã liên kết với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (2010); Sacombank phối hợp Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (2012), cuối năm 2017 Sacombnak và Dai-ichi life ký cam kết hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền kéo dài 20 năm. Đây được xem là thỏa thuận dài nhất thị trường bảo hiểm Việt Nam; Techcombank và Manulife Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền (9/2017); Tháng 10/2017, SHB và Dai-ichi Việt Nam, VPBank và AIA Việt Nam cũng lần lượt ký các thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền cùng kéo dài trong 15 năm.
Ngân hàng góp vốn thành lập công ty bảo hiểm dưới hình thức liên doanh
hoặc cổ phần: Vietinbank đã cùng Công ty bảo hiểm châu Á Singapore thành lập
Công ty liên doanh bảo hiểm châu Á - Ngân hàng Công thương (gọi tắt IAI) chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (2002); Agribank đã cùng Tổng công ty cổ phần Tái Bảo hiểm quốc gia Việt Nam và hai Công ty cho thuê Tài chính I, II thuộc NHNo&PTNT Việt Nam góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp ABIC (2006); Vietcombank và SeAbank cùng Cardif thành lập Công ty liên doanh bảo hiểm VCLI (2008); cũng trong năm 2008, SHB và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng một số cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty cổ phần bảo hiểm SHB - VINACOMIN (gọi tắt là Bảo hiểm SVIC); Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life ra đời dựa trên sự hợp tác liên doanh giữa Tập đoàn bảo hiểm Ageas đến từ Vương quốc Bỉ, Muang Thai Life Assurance (MTL) của Thái Lan và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) (07/2016);
Ngân hàng thành lập công ty bảo hiểm trực thuộc hoặc Tập đoàn Bảo
hiểm thành lập ngân hàng trực thuộc để hình thành tập đoàn dịch vụ tài chính:
BIDV đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của công ty Bảo hiểm quốc tế QBE trong liên doanh Bảo hiểm Việt Úc để thành lập công ty con trực thuộc BIDV (BIC) chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm Phi Nhân thọ (2005); Vietinbank mua lại phần vốn góp của Công ty bảo hiểm châu Á Singapore, do đó Liên doanh bảo hiểm châu Á IAI cũng chính thức trở thành công ty con trực thuộc Vietinbank (2008); Tập đoàn Bảo Việt cũng chính thức ra mắt Ngân hàng TMCP Bảo Việt với phần vốn chi phối của Tập đoàn Bảo Việt để hình thành Tập đoàn Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm (2008).
Bên cạnh đó, việc hợp tác với các công ty fintech (các tổ chức áp dụng công nghệ vào tất cả các hoạt động tài chính nhằm mang tới cho khách hàng các sản phẩm tài chính dựa trên công nghệ) cũng là một những yếu tố mới của thị trường bảo hiểm. 78,9% doanh nghiệp bảo hiểm phản hồi cho biết có kế hoạch mở rộng hợp tác với các công ty fintech, với dự định liên kết phát triển kênh phân phối, hợp tác về dịch vụ bảo hiểm trên internet và trong lĩnh vực thanh toán.
2.2 Giới thiệu về ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC)
2.2.1 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Lịch sử hình thành
Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (tiền thân của BIDV) - được thành lập ngày 26/4/1957 theo Nghị định số 177/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 60 năm phát triển, BIDV đã mang ba tên gọi và nhiệm vụ khác nhau để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước: Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (từ ngày 26/4/1957); Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (từ ngày 24/6/1981); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (từ ngày 14/11/1990).
Ngày 28/12/2011, BIDV đã thực hiện thành công việc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động. Kết quả IPO của BIDV
một lần nữa minh chứng bản lĩnh, sức mạnh nội tại của BIDV. Việc IPO thành công còn thể hiện sự quan tâm rất lớn của đông đảo các nhà đầu tư đối với cổ phiếu BIDV và rộng hơn là sự tin tưởng vào uy tín, thương hiệu và hoạt động kinh doanh của một ngân hàng hàng đầu trên thị trường. BIDV chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu với kết quả 84,7 triệu cổ phiếu được bán ra với giá chào sàn là 18.500 đồng thu về 1.575 tỷ đồng tương ứng với giá bình quân 18.583 đồng/cổ phiếu. Và từ 27/04/2012 đến nay BIDV chính thức trở thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngày 24/01/2014, cổ phiếu BIDV niêm yết thành công trên sàn chứng khoán đánh dấu mốc chính thức thành ngân hàng đại chúng. Quá trình cổ phần hóa sẽ tạo cho BIDV một mô hình mới, năng động và hiệu quả; Tạo điều kiện