- Đối với người dân thuộc các xã trong khu vực nghiên cứu
3.2.1. Lược sử hình thành BQL rừng phòng hộ Hướng Hoá-Đakrông
BQL rừng phòng hộ Hướng Hoá-Đakrông được hình thành từ tiền thân là đội thanh niên tình nguyện đi xây dựng tỉnh Quảng Trị năm 1973 của Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1976 Lâm trường Hướng Hoá được thành lập theo Quyết định số 1869/QĐ-UB ngày 26 tháng 10 năm 1976 của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên.
Tháng 7 năm 1989 tỉnh Quảng Trị được được tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên, Lâm trường Hướng Hoá vẫn giữ nguyên và tiếp tục nhiệm vụ của mình. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển đổi các Lâm trường quốc doanh thành doanh nghiệp Nhà nước, ngày 03/11/1992 UBND tỉnh Quảng Trị đã ký ban hành Quyết định số 668/QĐ-UB về việc thành lập Doanh nghiệp Nhà nước lâm trường Hướng Hoá thuộc UBND Tỉnh Quảng Trị với chức năng nhiệm vụ là: Quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển vốn rừng, sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp, khai thác gỗ và lâm sản. Từ cơ chế bao cấp chuyển sang hoạch toán kinh doanh, Lâm trường đã có những bước đi thích hợp, thực hiện tốt các dự án phát triển Nông - Lâm - Công nghiệp và định canh định cư, với nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng, xây dựng trường học, trạm xá, đường giao thông liên thôn, khai thác ruộng nước góp phần định canh định cư một số địa phương trên hai địa bàn huyện Hướng hoá và Đakrông.
Từ năm 1998 Nhà nước chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Hết nhiệm vụ khai thác gỗ, Lâm trường tập trung trồng rừng và thực hiện dự án 327, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, triển khai trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, bảo vệ rừng tự nhiên và làm dịch vụ cung cấp cây giống lâm nghiệp trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình của đồng bào các dân tộc trong vùng dự án, tạo điều kiện để họ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và trồng rừng.
Ngày 12 tháng 12 năm 2006 Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị ký ban hành quyết định số 2378/QĐ-UB về việc thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá - Đakrông, theo đó trụ sở làm việc Ban quản lý rừng phòng hộ đóng tại xã Tân hợp, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Có các chức năng nhiệm vụ sau :
* Chức năng
- Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá - Đakrông có chức năng tổ chức quản lý, xây dựng và phát triển rừng nhằm bảo vệ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu bảo đảm cân bằng
sinh thái và an ninh môi trường trong phạm vi đất và rừng được giao.
- Ban quản lý rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động trực thuộc Sở NN&PTNT, có tư cách pháp nhân, có trụ sở làm việc, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch và hoạt động.
* Nhiệm vụ
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Sở NN&PTNT về quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng rừng phòng hộ theo đúng các quy định của pháp luật.
- Căn cứ vào dự án đầu tư xây dựng và phát triển rừng phòng hộ do cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban quản lý rừng phòng hộ xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn và hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư của Nhà nước, các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế và tổ chức khác để xây dựng và phát triển rừng phòng hộ;
- Được sử dụng quỹ lương của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hoặc tiền công bảo vệ rừng mà Nhà nước quy định trong các dự án được duyệt để khoán việc bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ở địa phương. Hợp tác hoặc liên kết trong việc bảo vệ rừng giữa các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ở địa phương. Được thuê các lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ rừng.
- Được tổ chức bảo vệ rừng phòng hộ, tổ chức sản xuất kinh doanh trên đất rừng sản xuất xen kẽ trong khu rừng phòng hộ, tổ chức khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong rừng phòng hộ, sản xuất cây giống đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để phục vụ trồng rừng và cung cấp cho người dân trên địa bàn, tổ chức các hoạt động khác trong rừng phòng hộ theo Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ - TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tuyên truyền, giáo dục nhân dân trên địa bàn tham gia bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ.
- Định kỳ báo cáo cấp trên về tình hình diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động quản lý, bảo vệ, xây dựng phát triển khu rừng phòng hộ theo quy định.
- Quản lý cán bộ, viên chức, biên chế, tài sản và trang thiết bị theo đúng chế độ Nhà nước quy định.[29]