Chi phí huy động vốn bình quân của Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh được tính trên cơ sở chi phí bình quân. Phương pháp này dựa trên cơ cấu hỗn hợp các nguồn vốn mà ngân hàng đã huy động và chi phí lãi phải trả cho mỗi nguồn vốn huy động. Cách tính trên cũng tương tự đối với chi phí cho vay, theo đó:
Bảng 2.7: Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay
Đơn vị tính: %/năm
STT CHỈ TIÊU NĂM
2011 2012 30/06/2013
1 Lãi suất huy động vốn bình quân (1) 13.46 8.66 8.00
2 Lãi suất cho vay bình quân (1) 20.89 16.30 13.85
3 Chênh lệch (2) - (1) 7.43 7.64 5.85
Nguồn:Báo cáo quản lý điều hành – Ngân hàng MHB – SGD[8].
Qua bảng 2.7, cho thấy chi phí huy động vốn bình quân có xu hướng giảm qua các năm, phù hợp với xu hướng giảm lãi suất chung của thị trường và theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước. Lãi suất cho vay bình quân theo đó cũng có xu hướng giảm theo. Qua quá trình hoạt động, tính đến thời điểm nửa đầu năm 2013, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn dương, điều này chứng tỏ, Sở giao dịch vẫn đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả, chi phí đầu ra luôn cao hơn chi phí huy động vào. Năm 2012, chênh lệch lãi suất bình quân giữa huy động và cho vay giảm so với năm 2011 và tiếp tục giảm xuống trong nửa đầu năm 2013. Điều này là do tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, lãi suất trên thị trường biến động không ngừng, đặc biệt là lãi suất huy động vốn. Trong giai đoạn này, lãi suất có sự thay đổi và biến động nhiều do việc áp dụng chính sách trần lãi suất của Ngân hàng nhà nước. Tuy Ngân hàng nhà nước áp dụng trần lãi suất rất chặt chẽ, nhưng cũng có rất nhiều NHTM lách trần và huy động với lãi suất thỏa thuận rất cao nhằm thu hút nguồn vốn huy động. Ngoài ra, trong thời gian này, xảy ra một số hiện tượng, vốn từ thị trường II chuyển sang các cá nhân đứng tên và chuyển thành vốn huy động từ thị trường I. Với số vốn lớn từ thị trường II
chuyển qua, cộng với việc thỏa thuận lãi suất, làm cho chi phí huy động vốn ở một số ngân hàng giai đoạn cuối năm 2011, đầu năm 2012 rất cao. Tuy nhiên, theo số liệu đã đưa ra ở trên, có thể thấy Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ mức chi phí huy động ở mức ổn định, đạt mức 13,06%/năm năm 2011 trong khi mức trần lãi suất năm 2011 là 14%/năm. Năm 2012 và nửa đầu năm 2013, lãi suất huy động cũng giảm theo chiều hướng ổn định. Đây là những số liệu chứng tỏ trong giai đoạn biến động lãi suất này, Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh luôn tuân thủ các thông tư về trần lãi suất, không tiến hành huy động vốn vượt trần lãi suất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động huy động vốn của Sở giao dịch chưa đạt được những kỳ vọng như mong muốn. Nửa đầu năm 2012, do được cân đối nguồn vốn để quyết định lãi suất các món huy động với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cộng với việc tăng trưởng nhiều ở các món vốn huy động kỳ hạn dài, làm cho lãi suất huy động vốn bình quân có tăng hơn so với mức trần lãi suất nhưng vẫn nằm ở mức độ chấp nhận được. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trong giai đoạn này vẫn còn khá cao so với các NHTM khác. Sang đến nửa đầu năm 2013, lại suất cho vay bình quân đã có phần giảm xuống nhằm đảm bảo sự cạnh tranh với các NHTM khác, đặc biệt là các NHTM khối nhà nước. Việc cân đối hài hòa giữa chi phí vốn huy động với cho vay làm tiền đề để hoạt động kinh doanh tại Sở giao dịch phát sinh lợi nhuận và từng bước phát triển hài hòa, ổn định.