- Công nghệ ngân hàng chưa kịp đổi mới với nhu cầu kinh doanh hiện đại
Công nghệ ngân hàng lõi (Core Banking) của Ngân hàng MHB chỉ mới được đưa vào ứng dụng. Các tính năng và hệ thống còn nhiều thiếu sót cần phải chỉnh sửa, bổ sung dần qua quá trình hoạt động. Hơn nữa, hệ thống core này mua từ Ấn Độ, phải mất thêm một thời gian để hoàn thiện những tính năng và sản phẩm cho phù hợp với hoạt động tại Ngân hàng MHB. Ngoài ra, hệ thống này nhiều lúc còn bị lỗi, dẫn đến chậm trễ trong các quy trình giao dịch với khách hàng, gây ảnh hưởng đến khách hàng. Hệ thống core chưa được nghiên cứu chuyên sâu để thực hiện các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại, linh hoạt. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc Ngân hàng MHB bị tụt lại phía sau trong quá trình huy động vốn, thu hút khách hàng.
- Cơ cấu tổ chức, nhân sự chưa ổn định trong giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu giao dịch, quy mô hoạt động còn nhỏ nên nhu cầu nhân sự chưa được phép tuyển thêm nhiều người. Dẫn đến tình trạng thiếu hụt cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý, làm cho một số hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu không phát triển. Nhân sự trong hoạt động huy động vốn, giao dịch khách hàng chưa
được đào tạo bài bản về kỹ năng giao tiếp, tiếp xúc khách hàng, kinh nghiệm thực tế còn quá ít dẫn đến tình trạng trong quá trình ban đầu khi giao dịch, ngân hàng gặp tình trạng bị động trong việc tìm kiếm khách hàng.
- Chiến lược kinh doanh của ngân hàng chưa phù hợp trong cơ chế cạnh tranh
Chiến lược kinh doanh của Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh chưa chú trọng đến đối tượng khách hàng cá nhân, khách hàng nhỏ lẻ. Trong khi định hướng của Ngân hàng MHB nói riêng và các NHTM khác nói chung là phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Sau này, khi đã nhận ra tiềm năng của đối tượng khách hàng này, Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh mới bắt đầu tập trung để phát triển thì đã mất đi một khoảng thời gian so với các ngân hàng khác.
- Chính sách cạnh tranh, thu hút khách hàng chưa hiệu quả
Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh do trong giai đoạn đầu mới thực hiện kinh doanh, chi phí còn rất hạn chế. Chính vì vậy, các hoạt động quảng cáo, thu hút khách hàng qua các kênh truyền thông hầu như không có đủ kinh phí để thực hiện. Ngoài ra, do lực lượng nhân sự còn quá ít ỏi, nên chưa thiết lập được bộ phận nghiên cứu thị trường, phân tích và phát triển sản phẩm. Điều này là nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong các chính sách cạnh tranh, sản phẩm chưa đa dạng để thu hút khách hàng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011-2013 tuy kết quả không cao nhưng cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tổng nguồn vốn huy động luôn tăng trưởng ổn định qua các năm. Các nghiệp vụ về huy động vốn dần dần được hoàn thiện, các sản phẩm có phần đa dạng hơn trước, các chương trình khuyến mại được coi trọng áp dụng nhiều hơn qua từng năm. Cơ cấu tổ chức và nhân sự dần hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng ngày càng cao của Sở giao dịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở giao dịch cũng vấp phải rất nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Các hạn chế bao gồm: sản phẩm tiết kiệm chưa đa dạng và linh hoạt, vị trí hoạt động chưa thuận lợi, nền tảng công nghệ chưa hiện đại hóa, cơ cấu nhân sự chưa hoàn thiện trong giai đoạn đầu hoạt động, hoạt động marketing chưa được quan tâm đúng mức…
Chương 2 sẽ là bức tranh về thực trạng huy động vốn tại Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh và sẽ phân tích những điểm mạnh, điểm yếu mà Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh đang có. Từ đó sẽ là cơ sở để chương 3 đưa ra các giải pháp khắc phục, giúp cho hoạt động huy động vốn tăng trưởng nhiều hơn ở các năm sau.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG MHB - SỞ GIAO DỊCH TP.HCM