Sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trên thị trường là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng có khả năng huy động tiền gửi có kỳ hạn càng làm cho thị phần trong miếng bánh vốn huy động của Sở giao dịch càng bị thu hẹp. Hơn nữa, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, mở cửa giao lưu thương mại quốc tế, các ngân hàng nước ngoài gia nhập vào thị trường ngân hàng tại Việt Nam ngày càng nhiều. Các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực tài chính vững mạnh, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, sản phẩm đa dạng, phong phú đã thu hút được một lượng vốn lớn từ các ngân hàng trong nước sang ngân hàng nước ngoài. Sự cạnh tranh trong hoạt động huy động vốn diễn ra vô cùng gay gắt trong giai đoạn những năm 2011- 2012, làm cho cơ cấu vốn huy động của một số ngân hàng có sự biến động lớn, trong đó có Ngân hàng MHB - Sở giao dịch thành phố Hồ Chí Minh.
- Tình hình kinh tế có nhiều biến động mạnh
Giai đoạn những năm 2011-2012, tình hình kinh tế có nhiều biến động lớn. Tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao làm cho tình hình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Trong giai đoạn này, thu nhập của dân cư trong nền kinh tế bị giảm sút, chi phí thì tăng cao, dẫn đến nguồn tiền tích lũy không nhiều. Chính điều này làm cho hoạt động huy động vốn bị giảm sút phần nào.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, đánh dấu những thay đổi lớn trong cơ cấu tổ chức ngành ngân hàng. Một số ngân hàng tiến hành hợp nhất, sáp nhập để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Trong năm 2012, xảy ra một sự biến động lớn tại Ngân hàng TMCP Á Châu, một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam. Tuy sau biến động này, rủi ro mất thanh khoản không lớn lắm nhưng đã gây một sự mất lòng tin trong tâm lý người dân về hoạt động ngân hàng. Do đó, hoạt động huy động vốn ngày càng khó khăn hơn.
- Hệ thống trần lãi suất huy động chưa có chế tài áp dụng nghiêm minh
Việc Ngân hàng nhà nước áp dụng trần lãi suất huy động được phổ biến rộng rãi trong hệ thống hoạt động ngân hàng và thông báo cho người gửi tiền được biết. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện việc áp dụng trần lãi suất, một số ngân hàng vẫn không tuân thủ một cách nghiêm minh. Vẫn còn hiện tượng lách trần lãi suất tiền gửi. Việc nâng lãi suất huy động cao hơn lãi suất trần đã tạo nên một cơn sốt cạnh tranh lãi suất, thu hút phần lớn nguồn vốn từ các ngân hàng áp dụng đúng theo mức lãi suất trần quy định. Ngân hàng nhà nước cũng chưa hình thành những biện pháp chế tài chặt chẽ để xử lý các vi phạm này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các ngân hàng cố tình huy động vượt trần, và là một trở ngại rất lớn trong việc huy động vốn đối với các ngân hàng khác.