3.1. Điều kiện tự nhiên của Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Vượn Cao Vít
3.1.2. Địa hình, địa chất, thổ nhưỡng
Địa hình Khu bảo tồn gồm một loạt các dãy núi đá vôi xen lẫn các thung lũng. Các dãy núi đá vôi bị chia cắt mạnh hình thành các dốc đứng và tháp nhọn riêng biệt nằm rải rác ở một số nơi tại các thung lũng bằng và nhỏ. Độ cao so với mặt nước biển trung bình của khu vực từ 500 đến 800m, cao nhất là 921m.
Địa chất Khu bảo tồn bao gồm các loại đất chính sau:
- Đất phù sa không bồi đắp
- Đất Các bon nát
- Đất đỏ nâu trên núi đá vôi
- Đất thung lũng
- Đất đỏ nâu vàng trên núi đá vôi
- Đất đỏ vàng trên phiến sét
- Đất vàng nhạt trên sa thạch
Cảnh quan đặc biệt nhất của vùng là các dãy núi đá vôi cổ, cứng, kiểu đá nham thạch bị bào mòn mạnh, chủ yếu tuổi Paleozone muộn và Meozoi sớm. Đó là kết quả của sự bào mòn sâu đến hơn 900m của lớp đất bồi tích, lắng đọng phủ lên các khối đá vôi. Cảnh quan này chiếm một diện tích rất lớn của vùng và về mặt địa lý là phần kéo dài của Cao nguyên Quý Châu, Trung Quốc. Cảnh quan hiện đại của vùng được hình thành bởi nhiều đợt nâng địa chất mạnh mẽ vào kỷ Trung sinh (Meozoi), kết quả đã nâng các lớp bồi tích biển cổ biến chất lên đến độ cao lớn so với mực nước biển. Khối đá cứng đã bị xẻ do quá trình bào mòn thành nhiều đỉnh và đường đỉnh biệt lập. Những dãy núi đá vôi đó có nhiều vách dựng đứng và sườn dốc. Các đỉnh và đường đỉnh núi đá vôi cao nhất của vùng thường có độ cao 800 – 900m.