8. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
1.2. Kiểm soát chi Ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước
1.2.3. Kiểm soát chi thường xuyên NSNN
1.2.3.1. Khái niệm kiểm soát chi thường xuyên NSNN
Kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN là quá trình xem xét các khoản chi NSNN đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN quyết định chi gửi đến cơ quan Kho bạc nhằm đảm bảo chi đúng theo các chính sách chế độ, định mức chi tiêu do Nhà nước quy định, đồng thời để phát hiện và ngăn chặn các khoản chi trái với quy định hiện hành.
1.2.3.2. Đặc điểm và vai trò của chi thường xuyên NSNN
Đặc điểm của chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước được thể hiện như sau: Các khoản chi thường xuyên phát sinh đều đặn, ổn định và có tính chu kỳ trong
một khoảng thời gian hàng tháng, hàng quý, hàng năm phù hợp với nhịp độ phát triển của nền kinh tế;
Kinh phí chi thường xuyên chủ yếu chi cho con người, sự kiện, sự việc; Chi thường xuyên của NSNN chủ yếu đáp ứng nhu cầu chi tiêu để thực hiện
nhiệm vụ Nhà nước về quản lý kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; Vài trò của chi thường xuyên được thể hiện như sau:
Chi thường xuyên có tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chức năng của Nhà nước về quản lý kinh tế, xã hội là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả của bộ máy QLNN;
Chi thường xuyên là công cụ để Nhà nước thực hiện mục tiêu ổn định, điều chỉnh thu nhập, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, các chính sách xã hội...góp phần thực hiện mục tiêu công bằng xã hội;
Thông qua chi thường xuyên, Nhà nước thực hiện điều tiết thị trường để thực hiện các mục tiêu của Nhà nước;
Là công cụ ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh.
1.2.3.3. Nội dung chi thường xuyên NSNN
Phân loại chi thường xuyên NSNN là việc sắp xếp các khoản chi theo các tiêu thức nhất định cụ thể như sau:
Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn, chi thường xuyên gồm các khoản sau:
Chi sự nghiệp kinh tế: hoạt động của các đơn vị sự nghiệp kinh tế nhằm phục vụ cho yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý KT-XH và tạo điều kiện cho các ngành kinh tế hoạt động và phát triển một cách thuận lợi;
Chi sự nghiệp văn hóa - xã hội: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo; y tế; văn hóa thể thao; truyền hình; khoa học, công nghệ và môi trường; xã hội, khác;
Chi quản lý hành chính: các khoản chi cho hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương;
Chi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; Chi trợ giá theo chính sách của Nhà nước;
Chi tài trợ tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp theo quy định pháp luật. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tính chất kinh tế, chi thường xuyên bao gồm 4 nhóm mục như sau:
Các khoản chi cho cá nhân gồm: tiền lương, tiền phụ cấp lương, học bổng học sinh, sinh viên, phúc lợi tập thể, chi về công tác, người có công với cách mạng và xã hội, chi lương hưu, trợ cấp xã hội và các khoản thanh toán cá nhân khác; Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn gồm: thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư
văn phòng; thông tin tuyên truyền, liên lạc; hội nghị; công tác phí; chi phí thuê mướn sửa chữa thường xuyên; nghiệp vụ chuyên môn từng ngành;
Các khoản chi mua sắm sửa chữa tài sản cố định và xây dựng nhỏ gồm: sửa chữa tài sản cố định phục vụ chuyên môn và các công trình cơ sở hạ tầng, chi mua sắm tài sản dùng cho công tác chuyên môn;
Các khoản chi khác gồm: chi phí chung duy trì sự hoạt động, quản lý, điều hành của mỗi đơn vị như thông tin, tuyên truyền, chi tiếp khách…
1.2.3.4. Nguyên tắc và thủ tục kiểm soát chi thường xuyên NSNN
Các khoản chi phải được kiểm tra trước, trong và sau thanh toán. Mọi khoản chi đều phải nằm trong dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí thì thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ và được thủ trưởng đơn vị sử dụng NSNN hoặc người có thẩm quyền phê duyệt.
Các đơn vị sử dụng NSNN phải mở tài khoản tại KBNN chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong quá trình lập dự toán, phân bổ dự toán, cấp phát, hạch toán, thanh toán, quyết toán NSNN… KBNN có trách nhiệm kiểm soát hồ sơ, chứng từ, điều kiện chi và cấp phát, thanh toán kịp thời các khoản chi NSNN theo đúng quy định. KBNN có quyền tạm đình chỉ, từ chối thanh toán các khoản chi đối với
các khoản chi không đủ điều kiện chi, không đúng đối tượng, không đúng dự toán được duyệt…
Mọi khoản chi được hạch toán bằng đồng Việt Nam theo niên độ Ngân sách, cấp Ngân sách và Mục lục Ngân sách Nhà nước. Các khoản chi bằng ngoại tệ, hiện vật, ngày công lao động quy đổi và hạch toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ, giá hiện vật, ngày công lao động do cơ quan Nhà nước thẩm quyền quy định. KBNN chỉ thực hiện thanh toán các khoản chi NSNN khi có đủ 4 điều kiện:
Thứ nhất, đã có trong dự toán chi NSNN được giao, trừ trường hợp tạm cấp ngân sách theo Điều 51 của Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/06/2015;
Thứ hai, chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Những khoản chi chưa có tiêu chuẩn định mức được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì KBNN căn cứ dự toán được cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị sử dụng Ngân sách phê duyệt làm căn cứ kiểm soát.
Thứ ba, đã được thủ trưởng đơn vị SDNS hoặc người được uỷ quyền quyết định
chi. Tất cả chủ tài khoản và kế toán phải đăng ký chữ ký, mẫu dấu cơ quan, đơn vị và các văn bản pháp lý chứng minh quyền lực (quyết định đề bạt, bổ nhiệm, văn bản uỷ quyền (nếu có)) với cơ quan KBNN nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch.
Thứ tư, có đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán hợp pháp, hợp lệ. Mỗi khoản chi đều phải lập chứng từ theo mẫu đã được Nhà nước quy định. Chứng từ phải ghi rõ ràng, đầy đủ các yếu tố theo đúng mẫu quy định, có bảng kê thanh toán. Đối với những khoản chi sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và các công việc khác thuộc phạm vi đấu thầu thì ngoài hợp đồng, nghiệm thu thanh lý hợp đồng đơn vị phải gửi KBNN quyết định trúng thầu hoặc quyết định phê duyệt kết quả nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Đối với các khoản chi được cơ quan Tài chính cấp trực tiếp bằng Lệnh chi tiền thì cơ quan Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát nội dung, tính chất của từng khoản chi đảm bảo đầy đủ các điều kiện chi NSNN theo quy định. KBNN không kiểm soát nữa mà thực hiện thanh toán, chi trả cho đơn vị sử dụng Ngân sách theo nội dung ghi trong lệnh chi tiền của cơ quan Tài chính.