Chương 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Phân tích cơ sở khoa học thực hiện đồng quản lý rừng tại khu BTTN
BTTN Bắc Hướng Hóa
4.1.1. Cơ sở lý luận
4.1.1.1. Tính đa dạng về chủ thể và hình thức quản lý tài nguyên rừng
Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, có 4 chủ thể chính tham gia quản lý rừng là Nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
- Các tổ chức và doanh nghiệp quản lý tài nguyên thiên nhiên với nhiều hình thức khác nhau và hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau.
+ Các tổ chức là lực lượng vũ trang quản lý rừng với mục tiêu quốc phòng và quân sự là chủ đạo.
+ Các tổ chức là BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với mục tiêu chính là bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
+ Các doanh nghiệp quản lý, sử dụng tài nguyên lại có mục tiêu chủ đạo là kinh doanh.
- Hộ gia đình và cá nhân quản lý tài nguyên rừng (TNR) là thành phần được nhà nước giao rừng để quản lý, bảo vệ. Mục tiêu chính của đối tượng này là tạo điều kiện về tư liệu để người dân gắn bó với rừng, bảo vệ rừng, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và xã hội.
- Quản lý TNR cộng đồng là một hình thức quản lý truyền thống, xuất phát từ tính cộng đồng của con người từ thời nguyên thủy. Trải qua nhiều thay đổi của xã hội, hình thức quản lý cộng đồng được điều chỉnh để thích hợp với hoàn cảnh mới. Nó được đúc rút thành những hiểu biết, kinh nghiệm, hình thành nên các luật lệ và còn tiếp tục phát triển, hoàn chỉnh. Tuy nhiên, do tính đa dạng của các cộng đồng dân cư dẫn đến sự đa dạng về văn hoá. Sự
đa dạng này cũng dẫn đến sự đa dạng về cách thức quản lý TNR cộng đồng. Mục tiêu chính của hình thức quản lý này là nhằm đáp ứng những yêu cầu của các thành viên nhưng không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.
Thông thường, trên một đơn vị tài nguyên rừng không chỉ tồn tại một hình thức quản lý mà tồn tại song song nhiều hình thức. Vấn đề đặt ra là các hình thức này nên hợp tác, liên kết với nhau như thế nào?. Để đạt được sự công bằng đối với các chủ thể quản lý, đạt được các mục tiêu tổng thể cũng như cụ thể của từng đối tượng thì đồng quản lý rừng sẽ là một phương thức thích hợp. Trong thực tế, nhà nước không đủ khả năng để quản lý toàn bộ tài nguyên trên lãnh thổ quốc gia. Gánh nặng này cần phải được chia sẻ với các chủ thể quản lý tài nguyên khác trong xã hội. Hợp tác trong quản lý sẽ phát huy được những thế mạnh của các chủ thể, đặc biệt cộng đồng dân cư là những người trực tiếp tiếp cận với nguồn tài nguyên rừng và có những hiểu biết sâu sắc về chúng. Trên cơ sở đó, hợp tác quản lý sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho sự thành công của công tác quản lý tài nguyên rừng.
4.1.1.2. Đồng quản lý trong kết hợp bảo tồn tài nguyên rừng và phát triển bền vững
- Bảo tồn và phát triển là hai mặt đối lập nhưng thống nhất. Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên rừng nói riêng là nguồn nguyên liệu cần thiết đối với phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Để phục vụ cho mục tiêu phát triển, con người đã không ngừng khai thác các nguồn tài nguyên hữu hạn này. Bảo tồn tài nguyên rừng sẽ mâu thuẫn với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu khai thác một cách quá mức, bữa bãi không theo kế hoạch làm cạn kiệt tài nguyên rừng, hệ quả không bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường. Chính vì vậy, cần phải bảo tồn, duy trì khả năng tái tạo các tài nguyên cho sự phát triển ổn định lâu dài. Đồng quản lý tài nguyên khu bảo tồn sẽ là phương thức hiệu quả cho tiến trình bảo tồn và phát triển.
- Đồng quản lý giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Nhà nước có chiến lược, chính sách bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và thường nảy sinh mâu thuẫn với các cộng đồng địa phương đang sử dụng tài nguyên (đối tượng bảo tồn) phục vụ đời sống. Giữa cộng đồng và quốc gia sẽ đạt được đồng nhất trong các mục tiêu bảo tồn và phát triển nếu như tiến tới thỏa thuận về một phương thức đồng quản lý.
4.1.2. Cơ sở thực tiễn
4.1.2.1. Đồng quản lý dựa trên cơ sở tiến bộ khoa học và kiến thức bản địa
- Người dân sống quanh rừng có trình độ hiểu biết không cao, song họ có rất nhiều kinh nghiệm thực tế về tài nguyên rừng. Đồng quản lý sẽ ứng dụng kết hợp sự hiểu biết về đa dạng sinh học của khoa học với những kiến thức sinh thái bản địa. Những nghiên cứu đánh giá các giá trị đa dạng sinh học cần phải bảo tồn là cơ sở thiết lập khu bảo tồn thiên nhiên. Kiến thức sinh thái bản địa về đặc tính của các tài nguyên là cơ sở kinh nghiệm giúp cho công tác bảo tồn phát triển tài nguyên rừng. Đồng quản lý dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa các thành tựu của khoa học quản lý và kinh nghiệm về quản lý tài nguyên rừng của cộng đồng địa phương. Khoa học quản lý sử dụng các biện pháp quản lý tiên tiến khu bảo tồn, kinh nghiệm quản lý tài nguyên rừng của cộng đồng sẽ là cơ sở để ứng dụng khoa học quản lý cho phù hợp với địa phương.
- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa khoa học và kiến thức bản địa không những đảm bảo cho công tác bảo tồn tài nguyên rừng mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá trong quản lý và sử dụng tài nguyên rừng của cộng đồng dân cư trong khu vực.
4.1.2.2. Đồng quản lý dựa trên cơ sở phối hợp lợi ích quốc gia và cộng đồng
- Khi đặt vấn đề quản lý một khu bảo tồn nào đó, nhà nước tính đến lợi ích mang tính toàn cục. Mục tiêu chung là bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phòng hộ cho các ngành sản xuất và đời sống xã hội trong khu vực.
- Đối với cộng đồng, đời sống của họ phụ thuộc trực tiếp vào nguồn tài nguyên rừng. Lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của người dân là đảm bảo
sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cho nhiều thế hệ. Chính vì vậy, bảo tồn thiên nhiên phải dựa trên cơ sở đảm bảo các lợi ích của cộng đồng dân cư.
- Các bên quan tâm khác về du lịch, khai khoáng,... lợi ích của họ cũng dựa trên các nguồn tài nguyên vốn có của khu bảo tồn. Mục tiêu của họ là khai thác một cách bền vững các nguồn tài nguyên này.
- Đồng quản lý phải không làm ảnh hưởng quá mức hoặc làm mất đi lợi ích của các bên liên quan mà phải gắn lợi ích của họ với trách nhiệm quản lý, bảo vệ các nguồn tài nguyên rừng mà họ đang quan tâm.
4.1.2.3. Đồng quản lý với việc bảo tồn bản sắc văn hoá cộng đồng và chiến lược xoá đói giảm nghèo
Cùng với sự phát triển của xã hội, sự hoà nhập về văn hoá cũng càng ngày càng tăng. Điều này đã làm mai một không ít những bản sắc văn hoá độc đáo của cộng đồng người địa phương.
Bởi vậy, bảo tồn bản sắc văn hoá, kiến thức bản địa cũng là một trong những chiến lược lâu dài của đất nước. Đồng quản lý tài nguyên rừng sẽ khuyến khích người dân sử dụng những kiến thức, sáng kiến và thể chế cộng đồng cho công tác bảo tồn và phát triển. Chu trình sử dụng và bảo tồn kiến thức bản địa được thể hiện qua sơ đồ 4.1.
Sơ đồ 4.1: Chu trình sử dụng và bảo tồn kiến thức bản địa
Kiến thức Sử dụng Bảo tồn Phát triển Kiến thức mới Sáng kiến
Những hỗ trợ của kiến thức mới, của cơ chế tài chính trong quản lý rừng đặc dụng kết hợp với việc sử dụng kiến thức và sáng kiến sẽ giúp cộng đồng phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo bằng con đường tự vận động với sự hỗ trợ tích cực từ các bên liên quan.
4.1.3. Cơ sở pháp lý về đồng quản lý
4.1.3.1. Căn cứ pháp luật
Một số Luật có nội dung liên quan đến đồng quản lý:
- Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2001, sửa đổi năm 2004. - Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, sửa đổi năm 2005.
- Luật Đất đai năm 2003, sửa đổi năm 2009.
4.1.3.2. Các văn bản dưới luật
- Thông tư số 70/2007/TT-BNN-KL ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn.
- Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
- Công ước Đa dạng sinh học mà Việt Nam đã tham gia năm 1994, trong đó Điều 8 phần (j) ghi rõ “Tuỳ theo luật pháp quốc gia, sự tôn trọng và duy trì các tri thức, các sáng kiến và các thông lệ của cộng đồng bản xứ và địa phương, biểu hiện bằng lối sống truyền thống phù hợp với bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, mà khuyến khích áp dụng rộng rãi các tri thức, các sáng kiến và các thông lệ này, với sự đồng ý và cùng tham gia của những người sở hữu, cũng như khuyến khích sự chia sẻ công bằng những lợi ích có được từ các tri thức, các sáng kiến và các thông lệ đó”.
- Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng.
- Quyết định số 192/2003/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010. Trong nội dung của chiến lược nêu rõ “sử dụng cao độ sự tham gia của cộng đồng với những chính sách tham gia quản lý rõ ràng và mềm dẻo”.
- Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
- Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
- Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2006 của chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng.
Tóm lại:
Cơ sở khoa học và thực tiễn của đồng quản lý tài nguyên rừng cho thấy chìa khoá thành công trong quản lý tài nguyên rừng là hợp tác trong quản lý sẽ phát huy được những thế mạnh của các chủ thể, đặc biệt cộng đồng dân cư là những người trực tiếp tiếp cận với nguồn tài nguyên rừng. Trên cơ sở đó, hợp tác quản lý sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho sự thành công trong quản lý bền vững tài nguyên rừng.