Chương 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.2. Đánh giá tiềm năng đồng quản lý rừng tại khu BTTN Bắc Hướng Hóa
4.2.6. Kiến thức và thể chế bản địa trong quản lý tài nguyên
4.2.6.1. Những vấn đề chung về kiến thức và thể chế bản địa
Theo Louise Grenier thì kiến thức bản địa là những hiểu biết truyền thống đặc trưng tồn tại trong một điều kiện riêng biệt của cả giới nam và nữ trong một vùng địa lý riêng biệt nào đó. Sự phát triển của hệ thống kiến thức bản địa bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống, trong đó bao gồm cả lĩnh vực sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên, nó là vấn đề tồn tại của con người ở từng địa phương.
Fisher, 1993 cho rằng thể chế (thiết chế) bản địa là tổng hợp những tiêu chuẩn và ứng xử tồn tại qua thời gian nhằm phục vụ những mục tiêu có giá trị tập thể.
Theo Ulrich Apel thì thể chế truyền thống quản lý tài nguyên là những cơ chế do dân địa phương tự tổ chức để bảo vệ hoặc phát triển các nguồn tài nguyên.
Thực tế ở Việt Nam thể chế địa phương được hiểu là luật lệ (hay luật tục), quy định tại địa phương được hình thành từ hệ thống kiến thức bản địa, nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Thông thường thể chế thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của cộng đồng hoặc của những người có uy tín trong cộng đồng. Nó được các thành viên trong cộng đồng chấp nhận và tuân thủ một cách có ý thức. Nó có sức mạnh vô hình, đôi khi vượt ra khỏi luật pháp nhà nước dưới dạng “Phép vua thua lệ làng”.
4.2.6.2. Kiến thức và thể chế trong hoạt động sản xuất nương rẫy
Người dân ở đây có cuộc sống chủ yếu dựa vào hoạt động canh tác nương rẫy. Trước đây do cuộc sống du canh du cư nên nương rẫy không cố định. Hiện nay, nhờ những chính sách của Đảng và nhà nước nên đa số người dân đã sống định cư và canh tác trên các nương rẫy cố định. Nương rẫy tốt là có tầng đất dày có màu nâu xẫm, dày, xốp, ít đá, đất gần nhà, gần nước tưới, gần đường giao thông. Trước khi vào mùa đốt nương làm rẫy họ thường tổ chức lễ cúng thần rừng để cầu may cho mùa màng được mùa.
4.2.6.3. Kiến thức và thể chế trong hoạt động hái lượm
Tập quán hái lượm vẫn được duy trì cho tới nay. Trong vườn và trên nương rẫy, người dân biết trồng một số những loại rau quả như bí, đu đủ, khoai lang, mít. Rau rừng được lựa chọn qua nhiều thế hệ và được sử dụng hàng ngày như lá tàu bay, lá bét, môn suối, măng các loại,...và nhiều loài rau khác.
4.2.6.4. Kiến thức và thể chế trong săn bắt
Trước đây do cuộc sống tự cung, tự cấp nên nguồn thực phẩm hàng ngày kiếm được của người dân là dùng cung tên để săn bắn.
Sau này do nhu cầu của thị trường ngày càng cao người dân không những ở đia phương mà còn có người ngoài đia phương vào săn bắt bẫy bắt các loài động vật hoãng dã trên địa bàn vì mục đích thương mại. Họ thường dùng nhiều loại bẫy khác nhau như bẫy thò, bẫy tròng chân, bẫy kẹp để săn bắt các loài động vật hơng dã. Vì vậy đã dẫn tới nguy cơ nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng.