Chương 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.4. Đề xuất một số giải pháp thực hiện đồng quản lý rừng tại khu BTTN
4.4.4. Nhóm giải pháp khoa học-công nghệ
4.4.4.1. Nghiên cứu xây dựng mô hình trình diễn và kinh doanh rừng có hiệu quả cao
Hiện nay đa số đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng phương thức sản xuất quảng canh, năng suất canh tác thấp. Điều này không những ảnh hưởng đến đời sống người dân, gia tăng nhu cầu diện tích đất canh tác mà còn hướng người dân vào rừng để bổ sung nguồn thu nhập cho mình. Cần nghiên cứu những biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trong hệ canh tác nông nghiệp và coi đó như một nhân tố làm giảm sức ép của đời sống cộng đồng vào tài nguyên
rừng. Những biện pháp kỹ thuật đó có thể hướng vào cải tiến kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lương thực sang cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cải thiện tập đoàn vật nuôi mà trước hết là đàn gia súc,…
4.4.4.2. Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm
Đời sống kinh tế thấp một phần do khả năng thâm canh và chưa ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm để hổ trợ cho đồng bào có điều kiện để phát triển sản xuất, phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong hoạt động khuyến nông, khuyên lâm cần hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ thích hợp, có tổ chức khuyến nông, khuyến lâm đủ năng lực hoạt động thường xuyên tại các thôn để hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài việc phổ biển, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cần chú ý các hoạt động bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế cho các hộ gia đình, cung cấp thông tin về thị trường giá cả để cho các hộ có quyết định chính xác trong sản xuất kinh doanh.
Hệ thống kiến thức bản địa liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng cần phải được gìn giữ và phổ biến sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc. Nghiên cứu xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả.
4.4.4.3. Giải pháp về đồng đánh giá các giá trị bảo tồn thiên nhiên
Giá trị cần phải bảo tồn ở đây là những giá trị về tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu là đa dạng sinh học. Việc đánh giá mang tính khoa học chủ yếu sẽ do các nhà khoa học thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá cần thiết phải có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng dân cư nhằm thu hút người dân ngay từ đầu tham gia các hoạt động bảo tồn.
Thông qua đánh giá các giá trị bảo tồn, người dân sẽ có cơ hội đóng góp những hiểu biết và kinh nghiệm như phân bố, tập tính của các loài động thực vật. Những kiến thức này bổ sung cho việc đề xuất giải pháp quản lý khu
bảo tồn. Đồng thời thông qua các hoạt động đánh giá, có thể so sánh các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học với mục tiêu quan tâm của người dân đối với tài nguyên rừng. Để thấy rõ điều này, người dân đã làm phép so sánh giữa mục tiêu bảo tồn và mối quan tâm của cộng đồng dân cư.
Bảng 4.9: So sánh một số mục tiêu bảo tồn và mối quan tâm của người dân
Mục tiêu bảo tồn Mối quan tâm của cộng đồng
Các kiểu thảm thực vật rừng Phá rừng làm nương rẫy
Động vật: Hổ, Gấu ngựa, Voọc, Vượn, Khỉ, Heo rừng, Gà lôi, Khứơu,…
Săn bắt: Vooc, Heo rừng, Gà lôi, Khỉ, Khướu,…
Thực vật: Thông nàng, Thông tre lá ngắn,Thông tre lá , Dó trầm, Lát hoa, Lim, Song mây…
Khai thác, sử dụng: Thông nàng, Thông tre lá ngắn,Thông tre lá , Dó trầm, Lát hoa, Lim, Song mây… Như vậy, đối tượng của công tác bảo tồn hầu hết trùng với mục tiêu sử dụng của người dân. Đó cũng chính là một trong những mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo tồn và mục tiêu phát triển. Thông qua đó người dân tham gia phân tích lý do suy giảm hoặc bị diệt chủng của những loài quý hiếm, chủ yếu là do sử dụng quá mức và thay đổi sinh cảnh. Từ đó, phân tích mục tiêu cuối cùng của bảo tồn chính là bảo vệ và phục hồi những loài động thực vật quý hiếm và sinh cảnh của chúng.
4.4.4.4. Giải pháp về giám sát sinh học có sự tham gia
Giám sát đa dạng sinh học là nội dung quan trọng trong các hoạt động của khu bảo tồn, vì nó có thể trả lời được phần nào về hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên rừng.
Đồng quản lý tài nguyên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát đa dạng sinh học có sự tham gia của người dân và các bên liên quan. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia thì đối tượng và phương pháp giám sát cần đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn tập trung được vào một số đối tượng ưu tiên bảo tồn.
* Thành phần tham gia giám sát
- Phòng khoa học kỹ thuật khu bảo tồn trực tiếp chỉ đạo và thực hiện công tác giám sát đa dạng sinh học trên địa bàn xã.
- Ban đồng quản lý rừng cử thành viên tham gia.
- Lựa chọn những nguời có kinh nghiệm, hiểu biết về các đối tượng giám sát để tham gia, ví dụ như thợ săn giỏi có thể tham gia giám sát thú, người khai thác gỗ giỏi có thể tham gia giám sát thực vật,…
* Đối tượng giám sát
Tập trung vào đối tượng giám sát chính:
- Giám sát thực vật rừng: Diện tích rừng và cấu trúc rừng, trạng thái. - Giám sát động vật: Thành phần, số lượng các loài động vật trong khu bảo tồn.
* Phương pháp giám sát
- Đối với diện tích thảm thực vật rừng, dùng phương pháp thống kê trên mặt đất có người dân cùng tham gia, nhằm giúp Ban quản lý khu bảo tồn theo dõi sự biến động và cập nhật diện tích rừng hàng năm. Những loại biến động cần phải thống kê là: Diện tích rừng được phục hồi; Diện tích rừng mất đi do khai thác, cháy, làm rẫy, khai thác,...
- Đối với cấu trúc rừng và thực vật rừng: Lập 01 ô định vị để theo dõi. Ô định vị có diện tích 01ha trên trạng thái rừng trung bình (IIIA1 hoặc IIIA2) có khả năng bị tác động để theo dõi mức độ tác động hoặc mức độ phục hồi của rừng. Xác định ô trên bản đồ và ngoài thực địa, ghi rõ vị trí, toạ độ địa lý. Trên ô, điều tra toàn bộ số cây và đeo biển để theo dõi chúng trong các lần
điều tra tiếp theo. Các ô tái sinh cũng phải được cắm mốc và đo đếm toàn bộ các cây tái sinh cao dưới 3m. Định kỳ mỗi năm đo đếm 01 lần, vào thời điểm giống nhau trong năm. Để tránh sai số, không nên thay đổi người đo đếm.
Người dân tham gia sẽ giúp xác định tên loài địa phương, công dụng ở địa phương, thông tin thêm về vùng phân bố và tình hình khai thác, sử dụng của các loài.
- Đối với giám sát động vật: Xác định xu hướng biến đổi của quần thể động vật bằng phương pháp điều tra theo tuyến. Lập 3 tuyến điều tra cố định trên các đường đi bộ qua các trạng thái rừng già, rừng thứ sinh để kết hợp quan sát các loài thú là Voọc vá chân nâu, Voọc Hà Tĩnh, Vượn đen má trắng, Gấu ngựa, Sao la, Bò tót, Thỏ vằn. Xác định và đánh dấu điểm đầu, điểm giữa và điểm cuối của tuyến quan sát sử dụng cho điều tra nhiều lần. Điều tra theo mùa, mỗi mùa điều tra 3 lần vào một thời điểm ban ngày hoặc ban đêm được xác định trước. Trên tuyến, quan sát sự xuất hiện của các loài, tiếng kêu, dấu vết, phân, để xác định độ phong phú quần thể theo từng loài.
- Giám sát thú nên có sự phối hợp của các thợ săn giỏi có kinh nghiệm đi rừng trong các thôn. Họ phải được coi là thành viên chính của nhóm giám sát, cùng xác định các tuyến điều tra, cùng tham gia giám sát ngoài thực địa.
4.4.4.5. Giải pháp về đồng quy hoạch sử dụng đất, quản lý tài nguyên
Công tác quy hoạch ở đây phải đạt 2 nội dung lớn:
- Thứ nhất là quy hoạch sử dụng đất đai nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
- Thứ hai là quy hoạch quản lý tài nguyên nhằm đạt được mục đích bảo tồn thiên nhiên của khu bảo tồn.
Nội dung và các bước cụ thể được tiến hành như sau:
- Làm việc với chính quyền các cấp tỉnh, huyện và xã để xác định các bên liên quan tới quy hoạch sử dụng đất và quản lý tài nguyên.
- Thành lập nhóm công tác liên ngành gồm các bên Kiểm lâm, Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp, chính quyền xã, chính quyền thôn.
- Sử dụng bản đồ ảnh vệ tinh để tiến hành xác định hiện trạng các loại đất. Sau khi giải đoán ảnh vệ tinh chuyển họa lên bản đồ tỷ lệ 1/25.000, tổ công tác tiến hành kiểm tra hiện trạng các loại đất và kết hợp dự kiến quy hoạch ngoài thực địa. Các loại đất được xác định như sau:
+ Đất nông nghiệp: Kết hợp ảnh vệ tinh và bản đồ giải thửa của địa chính để vừa kết hợp kiểm tra ranh giới các loại đất vừa dự kiến quy hoạch. Dựa vào nhu cầu lương thực và các loại nông sản khác để xác định diện tích các loại đất nông nghiệp cần quy hoạch. Dựa vào địa hình, đặc điểm đất và khả năng cung cấp thuỷ lợi để dự kiến quy hoạch các loại đất nông nghiệp ngoài thực địa.
+ Đất lâm nghiệp: Rút mẫu kiểm tra các trạng thái trên bản đồ để hoàn thành bản đồ hiện trạng. Trong quá trình kiểm tra dự kiến quy hoạch diện tích bảo vệ rừng, tái sinh phục hồi rừng và trồng rừng.
+ Các loại đất khác như đất ở, đất chuyên dùng và đất chưa sử dụng cũng được kết hợp kiểm tra khoanh vẽ trên thực địa.
- Xác định phạm vi ranh giới khu bảo tồn và các phân khu chức năng (gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái) kết hợp với việc kiểm tra các trạng thái. Ranh giới khu bảo tồn phải đảm bảo mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tới mục tiêu sử dụng đất và tài nguyên cho phát triển kinh tế -xã hội. Ranh giới phải dễ nhận biết ngoài thực địa và phải có cột mốc xác định ngoài thực địa. Ranh giới các phân khu chức năng dựa vào phân bố sinh cảnh và phân bố các loài quý hiếm.
- Xây dựng sa bàn, dự kiến quy hoạch đất, giao đất và quản lý tài nguyên. Sa bàn được toàn dân tham gia thảo luận và xây dựng.
4.4.4.6. Giải pháp về phục hồi sinh thái - Nuôi dưỡng rừng:
+ Mục đích nhằm phục hồi các hệ sinh thái rừng đã ít nhiều bị tác động, cấu trúc tầng tán bị phá vỡ.
+ Các giải pháp: Điều tra xác minh, đóng bảng, mốc, lập hồ sơ giao khoán cho hộ gia đình chăm sóc, bảo vệ.
+ Biên pháp kỹ thuật: Chủ yếu là khoanh nuôi, phát dây leo cậy bụi để rừng phát triển tự nhiên trách những tác dộng xấu của con người
- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên:
+ Mục đích nhằm tận dụng khả năng tái sinh và diến thế tự nhiên để phục hồi rừng.
+ Đối tượng gồm toàn bộ diện tích đất trống IB, IC có khả năng tái sinh để phục hồi rừng.
+ Giải pháp thiết kế khoanh nuôi phục hồi rừng cho từng lô, khoảnh, tiểu khu. + Biện pháp kỹ thuật chủ yếu là khoanh nuôi để tận dụng khả năng tái sinh và diễn thế tự nhiên để phục hồi rừng thông qua các biện pháp ngăn chặn sự phá hoại của con người, gia súc và lửa rừng.
- Trồng rừng:
+ Mục đích góp phần làm tăng diện tích rừng trong khu bảo tồn, đồng thời tạo công ăn việc làm cho cộng đồng nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống nhân dân.
+ Đối tượng gồm diện tích đất trống và nương rẫy không cố định. + Giải pháp: Chọn loại cây trồng chủ yếu là cây bản địa lấy từ rừng tự nhiên.
- Làm giàu rừng:
+ Mục đích nhằm nâng cao chất lượng rừng nghèo kiệt, rừng khoanh nuôi tái sinh bằng cách trồng bổ sung một số loài cây có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học.
+ Đối tượng là một bộ phận rừng nghèo kiệt không có khả năng phục hồi và một số diện tích khoanh nuôi tái sinh.
- Khoanh nuôi bãi cỏ tự nhiên:
+ Mục đích nhằm giữ nguyên hiện trạng sẵn có làm bãi cỏ tự nhiên cung cấp thức ăn cho một số loài chim, thú trong khu bảo tồn.
+ Đối tượng là bãi cỏ tự nhiên trạng thái IA, IB thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái bằng các giải pháp như khoanh giữ tự nhiên, ngăn chặn đốt nương làm rẫy, lửa rừng.