Chương 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.2. Đánh giá tiềm năng đồng quản lý rừng tại khu BTTN Bắc Hướng Hóa
4.2.2. Hiện trạng công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tại khu BTTN
BTTN Bắc Hướng Hóa qua các giai đoạn
Khu BTTN Bắc Hướng Hóa được thành lập theo Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Trị Về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch và đầu tư khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Tuy nhiên, Ban quản lý khu BTTN Bắc Hướng Hóa chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Hiện nay BQL khu BTTN Bắc Hướng Hóa có 10 cán bộ công chức (Trong đó có 01 giám đốc; 01 phó giám đốc) . Lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng của đơn vị chỉ có 05 người. Lực lượng thực thi công tác bảo vệ tài nguyên rừng và ĐDSH chủ yếu do Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa đảm nhiệm. Bộ phận 05 người còn lại của đơn vị thực hiện công việc quản lý, chuyên môn và nghiệp vụ khác.
Nhìn chung đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo tồn có tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn đạt yêu cầu nhưng chưa có kinh nghiệm, đồng thời cũng chưa được tập huấn nhiều hoặc chưa hệ thống đầy đủ các kỹ năng trong lĩnh vực này do chưa có kế hoạch đào tạo đồng bộ. Mặc dù lực lượng thực thi công tác bảo tồn chủ yếu do cán bộ Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa kiêm nhiệm nhưng trong quá trình công tác Hạt đã có sự sắp xếp, tổ chức phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ và yêu cầu công việc. (Báo cáo đánh giá hiện trạng bảo tồn thiên nhiên, MacArthur SPAMAP 2010).
Tình hình quản lý và bảo vệ TNR tại khu rừng đặc dụng Bắc Hướng Hóa qua các giai đoạn:
- Giai đoạn trước khi thành lập BQL khu BTTN Bắc Hướng Hóa
Trước chiến tranh chống Mỹ, Bắc Hướng Hóa là nơi rừng nguyên sinh chiếm ưu thế do mật độ dân cư thưa thớt. Trong chiến tranh, đây là vùng giới tuyến nên rừng đã bị tác động khá nhiều bởi bom đạn và chất độc hóa học. Sau khi đất nước thống nhất cho đến trước thời kỳ đổi mới thì người dân Vân Kiều bản địa nơi đây vẫn chủ yếu sống cô lập với chế độ tự cung tự cấp. Nguồn TNR tại khu vực bị tác động chủ yếu bởi tập quán phát rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật và khai thác lâm sản ngoài gỗ thiếu bền vững.
- Giai đoạn từ khi thành lập BQL khu BTTN Bắc Hướng Hóa đến nay
Ngày 14 tháng 3 năm 2007, KBTTN Bắc Hướng Hóa được UBND tỉnh Quảng Trị chính thức thành lập. Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa là đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động bảo tồn thiên nhiên đối với khu rừng đặc dụng. Ngày 7 tháng 7 năm 2010, Ban quản lý khu BTTN Bắc Hướng Hóa ra đời tiếp nối và phát triển các chương trình hoạt động bảo tồn, một số kết quả như sau:
- Chương trình bảo vệ: Xã hội hóa công tác bảo vệ rừng bằng việc thành lập 15 nhóm cộng đồng tham gia tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học (ĐDSH), thử nghiệm mô hình đồng quản lý rừng đặc dụng 200ha.
- Chương trình phục hồi sinh thái: Triển khai giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên 4.836,7 ha cho 3 cộng đồng dân cư thôn Cuôi, Cựp, Tri- xã Hướng Lập. Trồng rừng kết nối sinh thái bằng cây bản địa 133,4ha.
- Phát triển sinh kế vùng đệm: Trồng mới 167,4 ha rừng, cung cấp 18.000 cây phân tán, làm giàu 125,1 ha rừng tự nhiên, giao rừng tự nhiên 460 ha cho 2 cộng đồng Cuôi, Cựp- xã Hướng Lập sống trong vùng lõi và 02 cộng đồng dân cư thôn Trăng- Tà Puồng- xã Hướng Việt, Chênh Vênh xã Hướng Phùng sống tại vùng giáp ranh bảo vệ và hưởng lợi, hỗ trợ quỹ phát triển xã 322 triệu đồng. (Báo cáo đánh giá hiện trạng bảo tồn thiên nhiên, MacArthur SPAMAP, 2010).
4.2.3. Những thách thức trong công tác quản lý tài nguyên rừng tại khu BTTN Bắc Hướng Hóa
Giá trị hiện tại và tiềm năng khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa không thể nghi ngờ, tuy nhiên rừng và tài nguyên rừng ở đây đang đối mặt với những thách thức lớn. Qua kết quả điều tra, phỏng vấn cán bộ xã, Kiểm lâm và người dân thì những nguy cơ thách thức đó là :
Bảng 4.2: Nguy cơ và thách thức trong công tác quản lý rừng tại khu bảo tồn
Các mối đe doạ Mức độ Mô tả mối đe doạ
Trình độ dân trí
thấp 8
Do trình độ dân trí thấp và không đồng đều, nên việc nhận thức pháp luật về quản lý tài nguyên khu bảo tồn gặp nhiều khó khăn, do đó vẫn còn nhiều người dân tham gia chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép.
Gia tăng dân số 7
Tỷ lệ tăng dân số của huyện nói chung và các xã nằm trong khu bảo tồn nói riêng vẫn còn cao, sự gia tăng dân số gây sức ép lớn đến việc sử dụng đất và khai thác tài nguyên rừng trái phép, gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý tài nguyên.
Phạm vi, ranh giới 9
Khu bảo tồn nằm trên địa phận của 5 xã thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa giáp ranh với tỉnh Quảng Bình và một số huyện Vĩnh Linh, Đakrông của tỉnh Quảng Trị trong khi chỉ có 10 cán bộ khó có thể độc lập đảm đương nhiệm vụ.
Săn bắt động vật
hoang dã 10
Săn bẫy động vật hoang dã, đặc biệt ở diện rộng, không được kiểm soát. Những người săn bẫy trong rừng đến từ các địa phương của tỉnh Quảng Bình (Ròn), người dân địa phương cũng làm bẫy nhưng ở quy mô nhỏ;
Khai thác gỗ và lâm
sản khác 10
Ngoài khai thác gỗ làm nhà,Khai thác gỗ trái phép ở những nơi xa dân, xa sự giám sát của lực lượng kiểm lâm. Đặc biệt các tiểu khu rừng phía đông giáp với lâm trường Bến Hải;
Chưng cất dầu de do những người đến từ địa phương khác;
Mở đường dân sinh,
kinh tế 8
Đường Hồ Chí Minh (nhánh tây), ngoài những tồn thất rừng khi nâng cấp tuyến đường, hiện tại con đường tạo thuận lợi để vận chuyển gỗ trái phép
Thiếu lương thực và đốt nương làm rẫy
9
Theo điều tra năm 2010 tại xã Hướng Lập, số hộ gia đình nghèo đói là 135 hộ/188 hộ
Những tháng thiếu lương thực, các hộ này hầu hết đều sống dựa vào nguồn thu từ rừng. Mở rộng nương rẫy bằng cách chặt hạ rừng tự nhiên, rừng phục hồi để lấy đất sản xuát nương rẫy
Cháy rừng 8
Thu nhặt sắt phế liệu chiến tranh do người dân địa phương, đây là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng hàng năm;
Xử lý thực bì để lấy đất làm nương rẫy của bà con
Khai thác vàng, sa
khoáng 7
Khai thác vàng và sa khoáng gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, ủy diệt các loài thủy sinh vật;
Một số chính quyền địa phưong chưa thực sự quan tâm đến công tác BVR
8
Chính quyền một số xã chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn theo quyết định 245/TTg của Thủ tướng Chính phủ mà xem việc bảo vê rừng là của lực lựong Kiểm lâm
4.2.3.1. Sự phụ thuộc của người dân vào tài nguyên rừng
- Sử dụng đất rừng để sản xuất hàng hóa:
Đối với người dân vùng đệm sống gần rừng, đất đai để canh tác nương rẫy là không thể thiếu, đặc biệt là người dân tôc thiểu số.
Theo điều tra có tới 90/90 hộ (Chiếm 100%) có sử dụng đất rừng để sản xuất
Bảng 4.3: Hình thức sử dụng đất rừng
STT Hình thức sử dụng đất rừng Số hộ tham gia Tỷ trọng(%)
Không sử dụng 0 0
1 Trồng lúa rẫy 71 78,8
2 Trồng rau màu 10 11,1
3 Trồng cây ăn quả 4 0,4
4 Trồng cây lâm nghiêp 5 0,6
5 Trồng sắn 34 37,7
Số mẫu điều tra 90
Đánh giá các hình thức sử dụng đất theo tỷ trọng phần trăm. Ta có thể thấy trong 90 hộ sử dụng đất rừng để sản xuất hàng hóa có đến 71 hộ dùng để trồng lúa rẫy, mà năng xuất của lúa rẫy lại rất thấp vì vậy không thể đảm bảo lương thực cho bà con trong năm. Tuy nhiên với phong tục tâp quán của đồng bào dân tộc thiểu số việc trồng lúa rẫy không thể thiếu, mỗi hộ gia đình bình quân phát từ 2-3 đám rẫy khác nhau.
Diện tích đất rừng mà 90 hộ gia đình dùng để sản xuất theo điều tra sử dụng khoảng 25,6 ha. Hộ sử dụng nhiều nhất là 1,0 ha, hộ sử dụng ít nhất là 0,1 ha.
Có thể nói người dân vùng đệm khu BTTN Bắc Hướng Hóa sử dụng đất rừng để trồng lúa rẫy là chủ yếu, thu nhập từ lúa rẫy cũng khá cao so với các loại cây trồng khác. Hộ gia đình có thu nhập lúa rẫy cao nhất là 7tạ/năm cho thu nhập khoảng 4,2 triệu đồng, hộ gia đình có thu nhập thấp nhất là 1 tạ/năm cho thu nhập khoảng 0,6 triệu đồng. Bình quân thu nhâp từ lúa rẫy của
các hộ gia đình là 2 triệu đồng/năm /hộ.
Tuy nhiên, nương rẫy thường xuất hiện nhỏ lẻ, manh mún không tập trung và nằm rải rác quanh các khu dân cư, các nương rẫy thường phát trọc để canh tác, nằm xen kẽ với các khu rừng trong khu phục hồi sinh thái, thậm chí ngay cả trong khu bảo vệ nghiêm ngặt cũng có nương rẫy. Mỗi năm một lần vào khoản từ tháng 3- 4 bà con thường đốt nương để trỉa lúa, bắp và các loại cây lương thực khác, nguồn lương thực thu nhập từ sản xuất nương rẫy chỉ đủ ăn từ 3-4 tháng trong năm, việc canh tác nương rẫy của bà con theo phương thức phát-đốt-cốt-trỉa tốn rất nhiều công sức, không đầu tư thâm canh vì vậy làm cho đất thoái hóa nhanh chóng sau 2-3 vụ là bỏ hoang hóa sau đó khoảng 4-5 năm thì quay lại làm tiếp, dẫn đến tình trạng lấn chiếm rừng và đất rừng ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là một vấn đề rất nan giải trong công tác bảo tồn và phát triển khu BTTN Bắc Hướng Hóa.
- Khai thác sản phẩm rừng với mục đích hàng hóa:
Khai thác các sản phẩm từ rừng tự nhiên cũng là một trong những nguồn thu đáng kể của dồng bào dân tộc thiểu số các sản phẩm đươc khai thác như: cây thuốc, mật ong, củi, gỗ, mây, lá nón...
Bảng 4.4: Các sản phẩm thai thác ở rừng tư nhiên
TT Sản phẩm Số hộ tham gia Tỷ trọng(%) Không khái thác 5 0,5 1 Mây 72 80,0 2 Gỗ 19 21,1 3 Củi 87 96,6 4 Lá nón 56 62,2 5 Động vật 21 23,3 6 Mật ong 15 16,6 7 Cây thuốc 25 27,7
Hoạt động khai thác các sản phẩm từ rừng tự nhiên thì khai thác gỗ để phục vụ cho nhu cầu làm nhà ở, các vật dụng sinh hoạt của người dân địa phương thì việc khai thác gỗ để bán cũng diễn ra khá phức tạp. Theo số liệu điều tra có 21,1 % (19 hộ/90hộ) hộ gia đình tham gia khai thác gỗ.
Việc khai thác gỗ trái phép ở khu BTTN Bắc Hướng Hóa là nguồn thu đáng kể của cộng đồng địa phương các xã vùng đệm nói chung và cộng đồng dân tộc địa phương xã Hướng Lập nói riêng. Nhu cầu gỗ ngày càng tăng khi dân số tăng lên và người dân không có nguyên vật liệu thay thế. Do cơ chế quản lý còn nhiều hạn chế nên công tác quản lý bảo vệ rừng chưa ngăn chặn được việc khai thác, lưu thông lâm sản trên địa bàn.
Hình 4.1: Kiểm tra việc khai thác gỗ trái phép của lực lượng Kiểm lâm
Kết quả ở bảng 4.4 trên cho thấy số lượng các hộ gia đình tác động vào rừng tự nhiên là rất lớn chiếm 94,4% số hộ điều tra (85/90 hộ) với hình thức tác động này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vê rừng, cũng như
công tác bảo tồn da dạng sinh hoc đối với khu BTTN Bắc Hướng Hóa. - Khai thác lâm sản cho nhu cầu sử dụng:
Theo kết quả điều tra ở bảng 4.4 cho chúng ta thấy người dân địa phương ở các vùng đệm khu BTTN Bắc Hướng hóa khai thác rất nhiều sản phẩm từ rừng tự nhiên. Trong đó có nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như củi là sản phẩm không thể thiếu được đối với hộ gia đình đồng bàn dân tộc thiểu số ở đây.
Củi là một trong những lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho các nhu cầu hàng ngày của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Họ sử dụng củi cho nhu cầu hàng ngày để đun, nấu, chăn nuôi và sưởi ấm,...
Kết quả điều tra cho thấy, ở thời điểm hiện tại chỉ có 5,6 % số hộ điều tra không khai thác các sản phẩm từ rừng tự nhiên, còn lại có tới 94,4% số hộ điều tra (85/90 hộ) tham gia khai thác các sản phẩm từ rừng tự nhiên và họ cho rằng các sản phẩm khai thác từ rừng tư nhiên ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức, các sản phẩm như mây, lá nón... trước đây rất sẵn có nhưng ngày nay do khai thác quá mức nên việc khai thác ngày càng khó khăn và ở xa các khu dân cư.
Với nhu cầu khai thác lâm sản cho sử dụng của người dân đã làm cho nguồn tài nguyên rừng ở khu BTTN Bắc Hướng Hóa ngày một can kiệt, làm giảm tính đa dạng sinh học.
- Sử dụng rừng và đất rừng để chăn thả gia súc:
Chăn thả gia súc trong rừng là tập quán từ lâu đời của người dân và các dân tộc sống trong rừng và gần rừng. Các loại gia súc chăn thả là trâu, bò và dê .
Số lượng gia súc chăn thả của người dân địa phương ở vùng đệm khu BTTN Bắc Hướng hóa là rất nhiều.
Bảng 4.5: Số lượng gia súc chăn thả trên rừng và đất rừng khu BTTN Bắc Hướng Hóa
TT Loại gia súc Số hô chăn thả Tỷ trọng Số lượng (Con)
Không tham gia 25 27,7
1 Trâu 52 57,7 102
2 Bò 41 45,5 154
3 Dê 45 50,0 92
Số mẫu điều tra 90
Hiện tại các thôn trong xã Hướng Lập chưa có quy hoạch vùng đồng cỏ để chăn thả gia súc, mà gia súc ở đây được thả rong trong rừng, vì vậy đây cùng là một vấn đề làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vê rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của khu BTTN Bắc Hướng Hóa.
Qua các hoạt động đã phân tích trên cũng cho thấy tiềm năng về lao động, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của các nhóm hộ là rất lớn. Tuy nhiên, khai thác TNR chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu thu nhập của người dân địa phương vì vậy việc cấm không cho cộng đồng khai thác TNR là điều không thể. Do đó, điều cần làm là phải xây dựng các giải pháp đồng quản lý rừng phù hợp, thu hút các nhóm liên quan, nhất là cộng đồng các dân tộc thiểu số và hộ gia đình sống cạnh rừng vào Hội đồng quản lý rừng. Có như vậy mới có thể giải quyết hài hoà giữa lợi ích chung là bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên rừng và đáp ứng nhu cầu riêng thiết yếu của các đối tác tham gia.