Kỹ thuật nhân nuôi động vật là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả cũng như thành công trong công tác nhân nuôi động vật hoang dã. Khác với các loài động vật thông thường khác đã được thuần hóa và được nhân nuôi lâu năm, động vật hoang dã có những đặc điểm khác biệt khiến việc chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn từ công tác lựa chọn loài vật nuôi, chọn giống, chăm sóc, sinh sản, phòng và trị bệnh. Đây là đối tượng động vật mới, còn nhiều tập tính tự nhiên, khó thích nghi và rất nhạy cảm với môi trường nhân nuôi. Đặc biệt có nhiều loài con người đưa vào nhân nuôi mang tính thử nghiệm theo kiểu “vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm”. Mặc dù có những sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng nghề chăn nuôi động vật hoang dã của Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn để trở thành một nghề ổn định bởi hầu hết các cơ sở chăn nuôi hình thành theo hướng tự phát, không được hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ. Điều này đã dẫn đến năng suất và chất lượng vật nuôi thấp, thị trường không ổn định, hiệu quả mang lại không cao. Những vấn đề còn tồn tại này là thực trạng chung đối với nghề nhân nuôi động vật hoang dã của tỉnh Điện Biên, không ngoại trừ thành phố Điện Biên Phủ.
Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, các đối tượng vật nuôi tương đối đa dạng, thời gian bắt đầu chăn nuôi khác nhau. Đối với những loài được nhân nuôi lâu năm hoặc nuôi với số lượng cá thể lớn, nhiều hộ tham gia như Hươu sao, Nai, Rắn hổ mang một mắt kính, Nhím thì kỹ thuật chăn nuôi đã tương đối hoàn thiện. Các kỹ thuật về xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc, sinh sản hầu như được hoàn thiện ở mức cao nhất. Khó khăn nhất trong việc hoàn thiện kỹ thuật các này chính là kỹ thuật phòng và trị bệnh.
Các loài động vật hoang dã thường ít bị mắc bệnh hơn các loài động vật thông thường, tuy nhiên khi đã mắc bệnh, việc điều trị sẽ rất khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, một số địa phương có điều kiện môi trường khắc nghiệt tại là một trong những nguyên nhân khiến các loài động vật hoang dã đang được nhân nuôi ở đây có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn các vùng khác. Hầu hết các hộ và cơ sở nhân nuôi không có cán bộ thú y chuyên trách nên các chủ hộ phải tự tìm hiểu về các loại bệnh và tìm cách điều trị theo kinh nghiệm của bản thân.
Hầu hết các chủ trại nuôi đều phải tự nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu kỹ thuật nuôi dẫn đến hiệu quả nuôi không cao, năng suất, chất lượng không đạt như mong muốn.
Kỹ thuật nuôi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả của công tác nhân nuôi. Nếu kỹ thuật nuôi được hoàn thiện, chắc chắn hiệu quả công tác chăn nuôi sẽ được nâng cao đáng kể. Từ thực trạng của các hộ và cơ sở nhân nuôi được điều tra, việc phổ biến kỹ thuật nhân nuôi động vật hoang dã là một yêu cầu cấp thiết, quyết định đến sự thành công hay thất bại của việc nhân nuôi động vật hoang dã.
Hiện tại, cơ quan chuyên ngành là Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa ban hành, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nhân nuôi các loài ĐVHD, đặc biệt là các loài được nhân nuôi phổ biến hoặc những loài nguy cấp, quý, hiếm. Đến nay, Bộ mới chỉ ban hành được Quy phạm kỹ thuật nuôi Cá sấu nước ngọt (Tiêu chuẩn ngành số 04TCN 87-2006), quy phạm kỹ thuật nuôi Rắn hổ mang (Tiêu
chuẩn ngành số 04TCN 125-2006) và hướng dẫn quản lý Gấu nuôi thông qua Quy chế quản lý Gấu nuôi (ban hành theo Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/9/2008). Đây là một khó khăn, thiệt thòi rất lớn cho các chủ trại nuôi, đặc biệt đối với những trại nuôi quy mô nhỏ lẻ.