Việc phát triển các cơ sở trang trại nhân nuôi động vật hoang dã phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế, dịch vụ của Nhà nước, của thành phố, của tỉnh; góp phần quan trọng vào việc thu hút lao động, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Các mô hình nhân nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được mở rộng đến nhiều địa phương, nhiều khu vực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu và nguồn lao động.
Chuyển đổi dần các mô hình chăn nuôi nhỏ, manh mún, tự phát thành các mô hình lớn để tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có trên cơ sở phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương và sự ổn định của thị trường tiêu thụ.
Đa dạng hóa các loài động vật hoang dã theo nhu cầu thị trường nhưng cần lựa chọn những đối tượng chính và mang tính trọng điểm. Bên cạnh đó cũng cần tạo ra những điểm nhấn thu hút thị trường thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ví dụ như xây dựng mô hình chăn nuôi hữu cơ, mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAHP.
Hỗ trợ tối đa cho các hộ gia đình, cơ sở nhân nuôi về thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính trong hình thành, cấp Giấy chứng nhận trại nuôi.
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nhân nuôi, chăm sóc, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho các chủ trại nuôi; có cơ chế hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho các trại nuôi có nhu cầu và đảm bảo quy mô chuồng trại; chủ động tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ ổn định, giúp chủ trại nuôi có đầu ra cho sản phẩm, có nguồn vốn quay vòng và tiếp tục tái đầu tư củng cố, mở rộng quy mô chuồng trại.
Phát triển nhân nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển trong mối quan hệ hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Chú trọng cho phát triển sinh sản sinh trưởng các loài động vật hoang đã để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập nhưng cũng cần đảm bảo các yêu cầu, điều kiện cần thiết để bảo vệ môi trường.