Cơ sở lý luận của phát triển bền vững trong nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên đất phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 28 - 31)

4. Cấu trúc của đề tài

1.7.1. Cơ sở lý luận của phát triển bền vững trong nông nghiệp

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể như sau:

Trong những năm đầu của thập niên 80, Douglass cho rằng: tùy từng khía cạnh khác nhau mà nông nghiệp bền vững được hiểu khác nhau.

Trên khía cạnh kinh tế kỹ thuật: tăng trưởng nông nghiệp bền vững nhấn mạnh đến việc duy trì tăng năng suất lao động trong dài hạn.

Trên khía cạnh sinh thái: một hệ thống nông nghiệp làm suy yếu, ô nhiễm, phá vỡ cân bằng sinh thái của hệ thống tự nhiên một cách không cần thiết thì hệ thống nông nghiệp đó không bền vững.

Trên khía cạnh môi trường con người: một hệ thống nông nghiệp không cải thiện được trình độ giáo dục, sức khỏe và dinh dưỡng của người nông dân thì hệ thống đó không được gọi là bền vững.

Năm 1987, Ủy ban phát triển về môi trường thế giới đưa ra định nghĩa: “Phát

triển bền vững là phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại nhưng không làm tổn thương năng lực đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai”. Năm 1990, Pearce và

Turner cho rằng: “Phát triển nông nghiệp bền vững là tối đa hóa lợi ích của phát triển

kinh tế trên cơ sở ràng buộc về duy trì chất lượng của nguồn lực tự nhiên theo thời gian”[3].

Qua ba quan điểm trên, chúng ta thấy rằng chưa có sự thống nhất về định nghĩa của nông nghiệp bền vững giữa các nhà kinh tế học. Khái niệm được cho là hoàn chỉnh và được nhiều nhà khoa học chấp nhận nhất là khái niệm được FAO đưa ra năm 1989:

“Phát triển bền vững là việc quản lý và bảo tồn cơ sở tài nguyên thiên nhiên, định hướng thay đổi công nghệ và thể chế theo hướng một phương thức sao cho đạt đến sự thỏa mãn một cách liên tục những nhu cầu của con người, của những thế hệ hôm nay và mai sau. Sự phát triển như vậy trong lĩnh vực nông nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) chính là sự bảo tồn đất, nước các nguồn gen và thực vật, không bị suy thoái môi trường, kỹ thuật thích hợp, sinh lợi kinh tế và chấp nhận về mặt xã hội” [3].

Như vậy, phát triển nông nghiệp bền vững là mô hình phát triển mà trong đó có sự gắn kết giữa tăng trưởng nông nghiệp với môi trường tự nhiên và sự nghèo đói, môi trường con người ở nông thôn. Do đó, để nắm được bản chất của phát triển nông nghiệp bền vững, cần phải phân tích các mối quan hệ giữa nông nghiệp với các yếu tố sau:

- Với môi trường tự nhiên

Sản xuất nông nghiệp lệ thuộc vào độ màu mỡ của đất đai, chất lượng của nguồn nước và khí hậu…vì vậy sản xuất nông nghiệp bền vững phản ánh mong muốn của xã hội về giữ gìn môi trường tự nhiên và lợi ích của sản xuất nông nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất là phải cân nhắc, lựa chọn phương án sao cho cân bằng được giữa lợi ích kinh tế từ phát triển nông nghiệp và lợi ích của môi trường tự nhiên với chức năng cân bằng sinh thái. Các nước phát triển đã và đang định hướng phát triển nông nghiệp nhấn mạnh đến vấn đề sinh thái. Nguyên nhân không phải vì nhu cầu về nông sản giảm mà vì sản xuất nông nghiệp đã phá huỷ nghiêm trọng môi trường sinh thái: huỷ diệt nhiều sinh vật, thay đổi về khí hậu, suy thoái hệ thống đất, nguồn nước.

Ngày nay, sự phát triển nông nghiệp không chỉ theo quảng canh (tăng sản lượng bằng cách tăng diện tích canh tác) mà chủ yếu là theo thâm canh (tăng sản lượng từ việc thâm canh trên một đơn vị diện tích và tăng vụ đối với diện tích được tưới tiêu chủ động), do đó nguyên nhân chính của sự mất cân bằng sinh thái là do phương thức sản xuất chứ không phải do tốc độ phát triển trong nông nghiệp.

Do yêu cầu về nguyên liệu, lương thực và nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao trong tiến trình công nghiệp hoá và nâng cao thu nhập cho người nông dân, tăng trưởng nhanh và ổn định là cần thiết, tuy nhiên tăng trưởng nhanh cần phải đảm bảo ổn định môi trường sinh thái.

- Nghèo đói ở nông thôn

Cùng với sự gia tăng của dân số và thất nghiệp, đói nghèo ngày càng trầm trọng. Vấn đề đáp ứng nhu cầu thiết yếu hiện tại quan trọng hơn rất nhiều so với thoả mãn nhu cầu trong tương lai. Để có thu nhập, người nông dân sẵn lòng đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập cao về những hàng hoá với nguyên vật liệu chính từ tự nhiên (gỗ, da thú…) bằng cách khai thác nguồn lợi tự nhiên như săn bắn, phá rừng, đánh bắt mọi loài sinh vật bất kể lớn nhỏ. Hệ quả là môi trường tự nhiên bị suy thoái, thu nhập tiếp tục giảm và họ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Như vậy, một hệ thống nông nghiệp không đảm bảo được mức sống trên mức nghèo đói của người dân nông thôn thì không thể là một hệ thống nông nghiệp bền vững.

- Với con người ở nông thôn

Tăng trưởng nông nghiệp tạo ra việc làm và thu nhập, một tiền đề quan trọng để cải thiện tình trạng sức khoẻ và dinh dưỡng của người nông dân. Khi sức khoẻ được cải thiện sẽ góp phần tăng chất lượng và năng cao suất lao động, như vậy sẽ tác động trở lại đối với tăng trưởng nông nghiệp. Nếu tăng trưởng nông nghiệp làm suy thoái môi trường tự nhiên thì dẫn đến kìm hãm tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng tình trạng cải thiện sức khoẻ dinh dưỡng của người nông dân.

Nông nghiệp bền vững là một nền nông nghiệp trong đó các hoạt động của các tổ chức kinh tế từ việc lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đều hướng đến bảo vệ và phát huy lợi ích của con người và xã hội trên cơ sở duy trì và phát huy nguồn lực, tối thiểu hoá chi phí để sản xuất hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp và hạn chế tác hại của môi trường, trong khi đó duy trì và không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân. Như vậy, nông nghiệp bền vững đề cập một cách toàn diện và tổng hợp đến cả khía cạnh là kinh tế - xã hội, môi trường và con người:

- Khía cạnh kinh tế - xã hội của nông nghiệp bền vững: là quá trình giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên cơ sở thoả mãn tốt nhất nhu cầu xã hội về nông sản.

- Khía cạnh môi trường của nông nghiệp bền vững: là quá trình tác động hợp lý của con người đối với các yếu tố tự nhiên (đất đai, nguồn nước, năng lượng tự nhiên) nhằm giảm thiểu tác hại của môi trường, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học.

- Khía cạnh con người của nông nghiệp bền vững: là quá trình xây dựng và phát triển các giá trị như: mối quan hệ xã hội, vấn đề sức khoẻ, văn hoá, tinh thần của con người.

Tuy nhiên, khi kinh tế ngày càng phát triển, quá trình đô thị hoá nhanh làm cho đất đai nông nghiệp ven đô bị thu hẹp, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Mặt khác, dân số ngày càng đông, mật độ đân số cao, nhu cầu của người dân đối với nông nghiệp vốn đã cao lại càng cao theo tiêu chuẩn sinh thái nhân văn. Vì vậy, nông nghiệp cần phải chuyển theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông nghiệp bền vững có những đặc trưng, tiêu chí và nội dung riêng, do đó nó có một quá trình phát triển . Trong mỗi giai đoạn phát triển, tùy từng điều kiện phát triển khác nhau, những đặc trưng, tiêu chí và nội dung phản ánh khác nhau mà xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững và hợp lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên đất phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)