Kết quả điều tra, phân loại đất huyện Phú Bình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên đất phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 60 - 66)

4. Cấu trúc của đề tài

3.3.1. Kết quả điều tra, phân loại đất huyện Phú Bình

Qua quá trình phân tích, nghiên cứu, thu thập các nguồn tài liệu, tác giả đã biên tập bản đồ thổ nhưỡng huyện Phú Bình, làm cơ sở cho việc đánh giá tiềm năng đất đai.

Dựa trên bản đồ thổ nhưỡng phân loại đất theo nguồn gốc phát sinh, tiềm năng tài nguyên đất huyện Phú Bình gồm 3 nhóm đất chính với 10 loại đất.

3.3.1.1. Nhóm đất phù sa

Đây là nhóm đất chủ lực cho sản xuất lương thực và các cây ngắn ngày khác. Với địa hình bằng phẳng, giải quyết nguồn nước tưới thuận lợi. Trừ những đất phù sa chua mang sản phẩm từ đá mẹ giàu thạch anh thì nghèo, còn đại bộ phận có các chất

dinh dưỡng như hữu cơ, đạm, lân, kali, Ca2+, Mg2+ trung bình và khá. Đặc biệt những

phù sa mới chưa khai thác nhiều thường giàu kali.

Kết quả điều tra cho thấy nhóm đất phù sa huyện Phú Bình có 5 loại đất phù sa là:

- Đất phù sa ngòi suối (Py): Đất hình thành do sự lắng đọng của phù sa suối, nên thành phần cơ giới thường thô, nhẹ, lẫn nhiều khoáng vật nguyên sinh bền. Độ phì nhiêu tự nhiên tùy từng nơi mà rất khác nhau, nhưng nhìn chung đất có phản ứng chua đến rất chua, hàm lượng mùn trung bình, đạm tổng số khá, lân và kali nghèo.

Hiện nay đất phù sa ngòi suốt có diện tích khoảng 88,12 ha, phân bố tại các xã Bảo Lý, Tân Khánh. Loại đất này có ý nghĩa trong việc giải quyết lương thực trên địa bàn các xã miền núi, nhưng do thường thiếu nước nên năng suất lúa thấp và bấp bênh, có nơi chỉ trồng được 1 vụ lúa, 1 vụ màu.

- Đất phù sa glây (Pg): Đất cũng được hình thành do quá trình lắng đọng phù sa, nhưng phân bố ở địa hình thấp, khó thoát nước. Đất có thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét vật lý cao, chặt, trong đất các quá trình khử xảy ra mãnh liệt, hình thái phẫu diện thường có màu xanh ánh thép nguội, dính dẻo, glây trong toàn phẫu diện, màu xám

xanh có xen lẫn những vệt vàng. Đất có phản ứng chua vừa (pHKCl dao động từ 4,4 -

4,8), mùn ở tầng mặt khá cao (2 - 3%), đạm, lân tổng số và cation trao đổi đều thuộc loại khá.

Huyện Phú Bình có khoảng 12,12 ha diện tích đất phù sa glây trên địa bàn xã Hà Châu. Đây là vùng đất thích hợp cho trồng lúa, có khả năng cho năng suất cao, tuy vậy cần bón vôi khử chua cho đất và tìm cách giảm quá trình khử để hạn chế quá trình glây làm xấu tính chất của đất.

- Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng (Pf): Đất cũng có nguồn gốc hình thành như các loại đất cùng nhóm, nhưng phân bố ở địa hình vàm cao hoặc cao, có chế độ nước không đều trong năm, mùa mưa cũng bị ngập nhưng mùa khô đất bị thiếu nước nghiêm trọng. Vì vậy trong đất xảy ra 2 quá trình: quá trình khử và quá trình oxy hóa; mùa mưa ngập nước thì quá trình khử xảy ra mạnh, mùa khô thì quá trình oxy hóa xảy ra, Fe2+ bị oxy hóa thành Fe3+ tạo ra những vệt loang lổ đỏ vàng. Đất có khả năng thoát nước tốt, quá trình rửa trôi trọng lực trong đất xảy ra mạnh, thành phần cơ giới trung

bình, có phản ứng chua vừa đến ít chua (pHKCl 4,6 - 5,5), hàm lượng mùn trung bình

Loại đất này có diện tích 21, 95 ha, phân bố trên địa bàn xã Dương Thành; hiện đang được sử dụng với nhiều phương thức khác nhau nhưng phần lớn là trồng lúa. Nếu giải quyết được vấn đề tưới thì có thể mở rộng diện tích bằng con đường tăng vụ từ 1 vụ thành 2 vụ trong năm.

- Đất phù sa được bồi chua (Pbc): Phân bố dọc theo các triền suối. Lớp đất này chứa nhiều cát thô, sỏi, càng về phía thượng nguồn tỉ lệ càng tăng. Đất còn bị ảnh hưởng pha trộn bởi những sản phẩm dốc tụ từ các vùng đồi lân cận đổ xuống. Thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, thích hợp với mọi loại cây trồng. Những loại đất này thường trồng lúa, ngoài ra còn trồng các loại rau, màu, ngô, lạc, mía…

Trên địa bàn huyện Phú Bình hiện nay có 483,7 ha diện tích loại đất này và phân bố tại các xã Tân Đức, Dương Thành, Thanh Ninh.

- Đất phù sa không được bồi chua (Pc): Đất cũng có nguồn gốc hình thành như đất phù sa được bồi chua hàng năm nhưng do phân bố ở xa sông hoặc ở địa hình cao, nên rất ít được bồi đắp phù sa.

Đất có diện tích 5.871 ha, phân bố tại các xã như Đào Xá, Thượng Đình, Bảo Lý, Nhã Lộng, Úc Kỳ, Xuân Phương, Hà Châu, Kha Sơn, TT. Hương Sơn… Đất có độ phì tự nhiên khá, có thể bố trí nhiều công thức luân canh cây trồng khác nhau và có thể cho năng suất khá.

3.3.1.2. Nhóm đất đỏ vàng

Nhóm đất đỏ vàng hay còn gọi là nhóm đất Feralit trong phân loại của FAO, nó được gọi tên là Ferralsols, là nhóm đất có màu đỏ hoặc lẫn đỏ, thường xuất hiện dưới tán rừng mưa nhiệt đới. Tầng tích luỹ chất hữu cơ (tầng A) thường mỏng, hàm lượng chất hữu cơ trong đất thấp, trong thành phần của mùn, axit fulvônic thường chiếm ưu thế. Thường có tích tụ các ôxit của Fe và Al trong tầng B, do vậy tạo nên màu đỏ vàng thường thấy của loại đất này (trong phân loại của Bộ nông nghiệp Mỹ, người ta lấy tên nhóm đất này là oxisols có nguyên nhân từ điều này). Hàm lượng các khoáng vật nguyên sinh rất thấp, trừ các khoáng vật rất bền (thạch anh, cao lanh). Đoàn lạp của đất có tính bền tương đối cao, chiếm 65% diện tích đất tự nhiên.

Kết quả điều tra cho thấy đất đỏ vàng ở Phú Bình bao gồm 3 loại:

- Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất (Fs): Đất này được phát sinh từ các loại đá phiến sa thạch, phiến thạch sét, phiến mica, gơnai,... Tầng đất dày trên 1,5 m, thành phần cơ giới trung bình và nặng, thường có kết cấu cục, hạt, lớp đất mặt khá tơi xốp. Hàm lượng mùn khá, đạm tổng số trung bình, nhưng các chất dinh dưỡng khác

như lân và kali tổng số cũng như dễ tiêu đều nghèo. Phản ứng của đất từ chua đến rất chua, độ no bazơ thường dưới 50%.

Hiện loại này này có diện tích 9.430 ha, phân bố tại nhiều xã trên địa bàn huyện như: Bàn Đạt, Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Điềm Thụy…

Hướng sử dụng: Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất đang được sử dụng có hiệu quả trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Trên loại đất này có thể trồng được các cây công nghiệp dài ngày; các cây ăn quả,... đều phát triển tốt.

- Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq): Đất được hình thành từ các loại đá mẹ như quăczit, phiến silic, các loại cát kết, dăm cuội kết,... Tính chất chung là thành phần cơ giới nhẹ, tỷ lệ cấp hạt cát rất cao, đất không có kết cấu hoặc kết cấu rất kém. Tầng đất mỏng (30 - 60 cm). Phẫu diện tầng trên mỏng (10 - 15 cm) có màu xám sáng, thành phần cơ giới cát - cát pha, kết cấu rời rạc, độ xốp 40 - 45%; tầng đất dưới 50 cm có màu vàng sáng, cát pha, rời rạc.

Về tính chất: Do loại đất này phần lớn phân bố ở những nơi địa hình dốc hoặc thoải, quá trình xói mòn, rửa trôi xảy ra mạnh, thậm chí sắt cũng bị rửa trôi, nên màu của nó rất nhạt. Đất rất chua, hàm lượng mùn thấp (nhỏ hơn l%), lân tổng số và dễ tiêu đều nghèo - rất nghèo, kali ở mức nghèo - trung bình; dung tích hấp thu rất thấp nên khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng kém. Nói chung đây là loại đất có tính chất xấu, độ phì tự nhiên thấp, rất dễ biến thành đất trơ sỏi đá nếu không có phương thức bảo vệ khi khai thác sử dụng.

Huyện Phú Bình hiện nay đang có 3.441 ha diện tích loại đất này và tập trung nhiều tại các xã Thượng Đình, Điềm Thụy, Nga My, Bảo Lý, Tân Khánh…

Về hướng sử dụng: Những nơi có độ dốc nhỏ thì có thể dùng vào sản xuất nông nghiệp, có thể trồng cây họ đậu hoặc luân canh cây họ đậu với các loại cây trồng khác; trồng xen cây phân xanh với các loại cây màu: ngô, khoai, sắn... hoặc trồng các loại cây có bộ rễ ăn nông như: dứa, dứa sợi... Những nơi có địa hình cao và dốc nên ưu tiên để trồng cây lâm nghiệp. Khuyến khích áp dụng biện pháp nông lâm kết hợp sẽ có hiệu quả thiết thực hơn.

- Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp): Loại đất này thường hình thành trên nền phù sa cổ, nhưng tính chất phù sa đã thay đổi hẳn do địa hình khá cao, quá trình feralit diễn ra làm cho đất đã mang tính chất của đất feralit, tuy mức độ feralit yếu. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, hàm lượng cấp hạt sét ở tầng dưới cao hơn tầng mặt. Đất có phản ứng chua, độ no bazơ thường nhỏ hơn 50%. Hàm lượng mùn ở mức trung bình -

khá, lân tổng số, lân dễ tiêu và kali trao đổi đều nghèo. Mức độ kết von và đá ong hóa xảy ra khá mạnh. Những nơi có mạch nước ngầm dâng cao thì tỷ lệ kết von và đá ong rất lớn, thậm chí có nơi đá ong xuất hiện ở cả tầng mặt, làm cho đất mất sức sản xuất.

Đất nâu vàng trên phù sa cổ có diện tích 387,7 ha, phân bố chủ yếu ở các xã Tân Hòa, Xuân Phương, Lương Phú...

Hướng sử dụng: Trên đất này có thể trồng được nhiều loại cây trồng khác nhau, như: chè, ngô, khoai, đậu đỗ,... Ưu điểm là địa hình khá bằng phẳng, tầng đất dày, tơi xốp, gần nguồn nước. Nhưng chú ý chống xói mòn, áp dụng các biện pháp hạn chế kết von và đá ong hóa xảy ra, đồng thời đầu tư phân hữu cơ và các loại phân vô cơ khác, vì đất nghèo dinh dưỡng.

3.3.1.3. Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D)

Loại đất này phân bố chủ yếu ở các thung lũng nhỏ, kẹp giữ các dãy núi, địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc thường <8, tầng đất dày > 1m. Loại đất này được hình thành do sự tích tụ của các sản phẩm từ trên địa hình cao rửa trôi đưa xuống, do vậy đất có độ phì tương đối khá, mùn và đạm tổng số từ khá đến giàu, lân tổng số và lân dễ tiêu trung bình, kali tổng số giàu, đất có phản ứng chua ( PHKCl: 4,6 - 5,0).

Đất có diện tích 2.625 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Tân Hòa, Tân Thành, Bàn Đạt, TT.Hương Sơn, Thượng Đình. Hiện nay, phần lớn diện tích đã được khai thác sử dụng trồng cây công nghiệp ngắn ngày ( lạc, ngô, đậu tương, mía…).

3.3.1.4. Đất xám bạc màu (B)

Đất xám bạc màu chủ yếu phát triển trên phù sa cổ, đá macma axit và đá cát.

Đất có thành phần cơ giới nhẹ, dung trọng 1,30-1,50 g/cm3; tỉ trọng 2,65-2,70 g/cm3;

độ xốp 43-45%; sức chứa ẩm đồng ruộng 27,0-31,1%; độ ẩm cây héo 5-7%; nước hữu hiệu 22-24%; độ thấm nước lớp đất mặt 68mm/giờ; lớp đất sâu 25mm/giờ. Phản ứng của đất chua vừa đến rất chua; nghèo catrion kiềm trao đổi; độ no bazo và dung hấp thu thấp; hàm lượng mùn tầng đất mặt từ nghèo đến rất nghèo (0,50-1,50%); mức phân giải chất hữu cơ mạnh; các chất tổng số và dễ tiêu đều nghèo.Đất xám bạc màu có nhược điểm là chua, nghèo dinh dưỡng, thường bị khô hạn và xói mòn mạnh.

Nhóm đất xám bạc màu ở huyện Phú Bình có 1 loại đất là đất xám bạc màu trên phù sa cổ (B) với diện tích 2.147 ha, tại các xã Lương Phú, Tân Đức, Tân Kim, Nga My… Hướng sử dụng: Trồng rừng; cây CN như chè, cây ăn quả và số ít trồng màu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên đất phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)