Một số mô hình điển hình sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên đất phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 103 - 107)

4. Cấu trúc của đề tài

3.4.4. Một số mô hình điển hình sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình

3.4.4.1. Mô hình 1 (2 lúa – màu)

a. Mô tả

Mô hình thuộc xóm Ngoài 2, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình của hộ gia đình cô Nguyễn Thị Cậy với diện tích 0,8 ha thuộc đơn vị đất số 4 có loại đất Pc. Kiểu sử dụng đất được gia đình áp dụng là lúa xuân – lúa mùa – dưa chuôt.

Đặc biệt đây là hộ gia đình áp dụng trồng giống lúa nếp Thầu Dầu, một sản phẩm nổi tiếng mang thương hiệu của huyện Phú Bình.

Qua theo dõi, phỏng vấn, tác giả được cô Cậy cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi

là hộ gieo cấy lúa nếp Thầu Dầu nhiều nhất xã Úc Kỳ, với 2,3 mẫu. Nhờ được tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI nên vụ mùa năm 2018, năng suất nếp Thầu dầu đạt 2,5 tạ/sào, cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra sau canh tác lúa nếp Thầu Dầu vào vụ mùa và các giống lúa khác vào vụ xuân, hộ gia đình còn tận dụng trồng thêm dưa chuột. Trung bình đầu tư khoảng gần 4 triệu đồng/sào để mua nứa về làm giàn cho cây dưa chuột, số nứa đó có thể tận dụng để trồng thêm từ 2– 3 vụ; đầu tư mua giống, phân bón cũng không tốn kém, chủ yếu hộ gia đình phải bỏ công chăm sóc”.

b. Hiệu quả

- Hiệu quả kinh tế: Từ 2,3 mẫu lúa đã giúp gia đình cô Cậy thu về khoảng 65 triệu, từ đó gia đình cải thiện cuộc sống.

Với diện tích 1 mẫu ruộng trồng dưa chuột, vào thời điểm thu hoạch, mỗi ngày gia đình thu từ 1- 2 tạ/sào. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 15 tấn dưa chuột, với giá bán trên thị trường dao động từ 8-10.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, gia đình thu về 50 triệu đồng/vụ. Mô hình trồng dưa chuột đã cho hiệu quả kinh tế cao, bình quân cho thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/sào, cao gấp 5 lần so với cấy lúa. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cấy 2 lúa sang 2 lúa – màu (trồng dưa chuột) đã góp phần tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người nông dân.

- Hiệu quả xã hội: Mô hình này hàng năm sử dụng từ 550-600 công lao động/ha/năm. Đây là mô hình phù hợp với gia đình, là mô hình cung cấp lương thực có nhu cầu cấp thiết hàng ngày và được cộng đồng chấp nhận cao, phù hợp với năng lực của hộ gia đình về đất, nhân lực, vốn, kỹ thuật, tập quán canh tác.

- Hiệu quả môi trường: Cũng theo nhận định của cô Cậy cùng nhiều hộ gia đình áp dụng trồng LUT 2 lúa – màu thì loại hình sử dụng đất này bà con cũng thường phải phun thuốc trừ sâu, thuốc BVTV và phân bón, tuy nhiên đều trong danh mục và giới hạn cho phép; tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đặc biệt với giống dưa chuột cho thu nhập cao, dễ trồng, thời vụ ngắn, từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch chỉ hơn 1 tháng. Việc chăm sóc đơn giản, trước khi trồng phải bón lót bằng phân chuồng, sau khi xuống giống từ 10 - 15 ngày thì bón thêm lân, đạm. Trong quá trình chăm sóc, người trồng thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trị kịp thời, đảm bảo hiệu quả, năng suất và đảm bảo an toàn môi trường.

Nhận thấy là một mô hình có kinh tế hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, huyện Phú Bình đã tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích trồng lúa nếp Thầu Dầu và dưa chuột, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy có hiệu quả kinh tế cao, nhưng để phát triển bền vững, cần xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân.

3.4.4.2. Mô hình 2 (1 vụ lúa –màu)

a. Mô tả

Mô hình thuộc xóm Phú Mỹ, xã Lương Phú, huyện Phú Bình của hộ gia đình anh Ngô Xuân Phương với diện tích 0,1 ha thuộc đơn vị đất số 4, loại đất phù sa không được bồi chua. Kiểu sử dụng đất lúa xuân - ớt. Thực hiện cơ cấu chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân ở trong xã Lương Phú đã đầu tư trồng ớt sau vụ lúa xuân, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có hộ gia đình của anh Phương. Kỹ thuật canh tác: Làm đất bằng máy cơ giới, các khâu còn lại như lên luống, chăm sóc, vun xới, phun thuốc bảo vệ thục vật, thu hoạch đều bằng thủ công. Hệ thống tưới tiêu: Chủ động, loại đất: Đất phù sa không được bồi chua.

Được sự tư vấn của cán bộ nông nghiệp của xã, anh đã mạnh dạn đầu tư vào trồng 1 vụ lúa – màu (lúa xuân - ớt), cho thu nhập nhanh, giá bán cao.

b. Hiệu quả

- Hiệu quả kinh tế: Trong thời gian sản xuất lúa, hộ gia đình anh Phương thu được lãi khoảng 15 triệu đồng. Còn đối với ớt, cứ cách khoảng 2 ngày anh thu hái một lần được 30kg ớt, bán với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các loại chi phí, anh còn lãi hơn 30 triệu đồng/1 vụ/năm. Có lúc cao điểm ớt bán được giá đến 35.000 đồng/kg, làm gia đình anh rất phấn khởi, cuộc sống từ đó ổn định hơn.

- Hiệu quả xã hội: Mô hình sử dụng khoảng 200 công, vẫn đảm bảo cung cấp lương thực ổn định cho gia đình nói riêng và nhân dân trên địa bàn nói chung.

- Hiệu quả môi trường: Qua phỏng vấn được biết các loại thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh hại đều nằm trong danh mục cho phép, không gây ảnh hưởng nhiều tới chất lượng đất. Một số loại thuốc được hộ gia đình sử dụng như: Baran 50EC, Sattrungdan 95BTN…đều tuân thủ đúng liều lượng và quy trình khuyến cáo.

3.4.4.3. Mô hình 3 (Chuyên màu và cây CNNN)

a. Mô tả

Mô hình thuộc xóm An Ninh, xã Dương Thành, huyện Phú Bình của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Dung với diện tích 0,2 ha thuộc đơn vị đất số 5, loại đất phù sa được bồi chua. Kiểu sử dụng đất được áp dụng là lạc xuân – đỗ tương hè – ngô đông.

Do nhiều năm trước chưa biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, giống cây trồng mới vào sản xuất, vì vậy việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi sản xuất hàng hóa của hộ gia đình nói riêng cũng như các hộ trong xóm nói chung còn manh mún, nhỏ lẻ. Hiện nay, gia đình chị Dung đã bắt đầu trồng thử nghiệm mô hình giống lạc L14, mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất, sản lượng cây trồng, thoát nghèo đi lên. Sau 2 năm thực hiện, người dân đã biết chăm sóc theo yêu cầu kỹ thuật nên cây lạc phát triển tốt và cho nhiều củ.

Ngoài lạc xuân, đỗ tương hè và ngô đông cũng được chị Dung thâm canh tăng vụ với giống ngô NK4300, giống đậu tương DT84, vật tư phân bón và tập huấn kỹ thuật. Sau 3 năm triển khai, ngô và đậu tương sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại.

b. Hiệu quả

- Hiệu quả kinh tế: Bình quân năng suất lạc đạt khoảng 3,6 tạ/0,8 ha. Giá lạc ổn định, lạc tươi từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giá lạc khô là 20.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ ổn định. Năng suất ngô đạt 15 tạ/0,2 ha, năng suất đậu tương đạt 0,6 tạ/0,2 ha. Sau khi trừ chi phí (về giống, phân bón, công lao động) lãi khoảng 10 triệu đồng/ha.

- Hiệu quả xã hội: Mô hình sử dụng khoảng 300 công. Mô hình giải quyết được nhu cầu lương thực thực phẩm lại là đem lại hiệu quả về kinh tế và giải quyết nhu cầu việc làm.

- Hiệu quả môi trường: Các loại thuốc dùng trong phòng trừ sâu bệnh hại cho cây chè đều được gia đình sử dụng trong danh mục cho phép của nhà nước như: Actara 25 WG, 350FS; Genol 0,3 DD, 1.2 DD…Gia đình tuân thủ đúng liều lượng và khuyến cáo theo quy định. Theo đánh giá của bà con nông dân, năng suất ngô cao hơn so với trồng thuần, giảm công chăm sóc, sẽ nhân rộng trong những năm tiếp theo, góp phần cải tạo đất.

3.4.4.4. Mô hình 4 (Chuyên rau)

a. Mô tả

Mô hình thuộc Tổ 2, thị trấn Hương Sơn, Phú Bình của hộ gia đình cô Dương Thị Điệp với diện tích 0,3 ha, thuộc đơn vị đất số 12, loại đất thung lũng do sản phẩm

dốc tụ. Với loại hình sử dụng đất này, hộ gia đình cô Điệp trồng chuyên rau các loại và thường xuyên được cán bộ chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý các bệnh lý diễn ra ở rau trong từng giai đoạn phát triển. Tại thời điểm làm luận văn, tác giả được nghiên cứu mô hình trồng rau cải.

b. Hiệu quả

- Hiệu quả kinh tế: Trung bình mỗi sào cho thu hoạch khoảng 1500 mớ, mỗi mớ giao động từ 5500- 6000 đồng, sau một lứa người dân thu hoạch khoảng 3.250.000 đến 4.500.000 đồng/sào. Ngoài ra rau của hộ gia đình cô Điệp còn được bao tiêu sản phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định.

- Hiệu quả xã hội: Loại hình mất khoảng 350 công lao động. Không đảm bảo về an ninh lương thực nhưng lại đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người dân.

- Hiệu quả môi trường: Với mô hình này gia đình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc phòng trừ sâu bệnh hại. Các loại thuốc đều nằm trong danh mục cho phép của nhà nước như: Viratako 400 WG, Anvil 5 SG, Daconil 75 WP…việc sử dụng đều tuân thủ đúng với liều lượng và chủng loại phù hợp với sâu bệnh trên thực tế. Qua phỏng vấn trực tiếp tác giả được biết hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất không bị biến động nhiều.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên đất phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)