Tình hình phát triển nông nghiệp và những điểm mới trong nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên đất phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 55 - 57)

4. Cấu trúc của đề tài

3.2.3. Tình hình phát triển nông nghiệp và những điểm mới trong nông nghiệp

huyện Phú Bình

Là một trong những địa phương sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, huyện Phú Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng ngành nông nghiệp và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Việc xây dựng thương hiệu cho một số cây, con có thế mạnh; triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt có giá trị kinh tế cao; trợ giá cho những giống lúa lai có năng suất, chất lượng tốt; tạo điều kiện về vốn cho người dân phát triển theo mô hình kinh tế trang trại; chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ sản xuất nông nghiệp… là những biện pháp mà huyện Phú Bình đã và đang đẩy mạnh thực hiện để đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nhanh và bền vững, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Là huyện thuần nông, Phú Bình có khoảng 80% số hộ tham gia sản xuất nông nghiệp. Vì thế, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp. Nhờ đó, những năm qua, nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực. Ngay trong ngành trồng trọt cũng có sự chuyển dịch về giống, cơ cấu mùa vụ và loại cây trồng theo hướng loại bỏ dần những giống cũ, đã thoái hóa, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào trồng.

Tuy nhiên, hiện trong số các giải pháp mà huyện đang triển khai, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công cuộc đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Những năm qua, diện tích đất nông nghiệp của huyện ngày càng bị thu hẹp để nhường đất cho phát triển công nghiệp. Lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng giảm đi đáng kể do người ở độ tuổi lao động vào làm trong các công ty, nhà máy ngày càng tăng.

Trước thực tế diện tích đất nông nghiệp có xu hướng giảm dần để dành đất phát triển công nghiệp – dịch vụ thì vấn đề duy trì tổng sản lượng lương thực từ 70-72 nghìn tấn/năm như hiện nay rất cần có những giải pháp đồng bộ. Theo đó, huyện đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ theo hướng tăng diện tích lúa xuân muộn và mùa sớm để đảm bảo diện tích trồng cây vụ đông; trợ giá 20 nghìn đồng/kg cho một số giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đồng đất của địa phương để khuyến khích người dân thay thế dần những giống cũ như Khang dân 18, U17 năng suất thấp, đã bị nhiễm rầy nặng trong 1-2 vụ gần đây; khuyến khích và tạo điều kiện để người nông dân phát triển, mở rộng diện tích trồng các loại

cây có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định như: dưa chuột, ớt xuất khẩu; xây dựng thương hiệu một số cây, con có giá trị kinh tế cao để người nông dân có cơ hội tìm được đầu ra ổn định, từ đó có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, huyện đang lập quy hoạch dự án đối với cây lúa nếp Thầu Dầu và gà thả đồi; cùng với đó là triển khai các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai mô hình trồng nấm ở một số xã.

Theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2010-2015 tầm nhìn đến năm 2020, bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch thì nông nghiệp vẫn tiếp tục được huyện quan tâm, đầu tư nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn để qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần ổn định xã hội. Theo đó, đối với các xã vùng núi gồm: Bàn Đạt, Tân Khánh, Tân Kim, Đào Xá, Bảo Lý, Tân Hòa, Tân Thành và Tân Đức tập trung phát triển mạnh đàn trâu, bò kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm; đối với vùng nước sông Máng, gồm: Xuân Phương, Kha Sơn, Lương Phú, Thanh Ninh và Dương Thành tập trung phát triển trồng trọt, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng hoa; các xã bên kia sông Cầu, gồm: Thượng Đình, Điềm Thụy, Úc Kỳ, Nga My, Hà Châu, Nhã Lộng cùng với việc được quy hoạch phát triển về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sẽ được tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch (gồm rau sạch và hoa) để phục vụ cho nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp. Việc phân vùng này sẽ giúp người dân các địa phương phát huy được lợi thế tự nhiên vốn có. Đồng thời, trên cơ sở này, huyện sẽ tạo mối quan hệ liên kết sản xuất giữa các vùng cũng như trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phù hợp.

Xác định dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là động lực thúc đẩy ngành Nông nghiệp địa phương phát triển, tăng thu nhập cho nông dân. Những năm gần đây huyện Phú Bình đã tập trung thực hiện DĐĐT và trở thành một trong những huyện đi đầu của tỉnh về công tác DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Bởi DĐĐT sẽ giúp cho người nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm sức lao động, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác…

Triển khai từ năm 2016, việc dồn điền đổi thửa của huyện hiện đang được thực hiện thí điểm tại 03 xã Tân Đức, Xuân Phương, Úc Kỳ với tổng diện tích 226 ha.

Trước đây mỗi thửa ruộng chỉ vài ba trăm m2, mỗi gia đình có hàng chục thửa nằm rải

rác ở các cánh đồng khác nhau, khi DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng thì mỗi thửa rộng hơn một ha, thuộc quyền sử dụng của từ ba đến năm hộ và huyện cấp “Sổ đỏ” cho từng hộ. Đến nay công tác DĐĐT đã đạt được những kết quả bước đầu, hiệu quả kinh tế tăng lên, nhân dân đồng thuận, hạ tầng đồng ruộng như kênh mương, đường giao

thông bờ vùng được xây dựng kiên cố, thuận lợi cho việc vận chuyển, không phải gánh phân bón, giống, lúa khi gặt như trước. Mặt khác, bà con có ruộng trong CĐML cấy cùng thời điểm, cùng giống lúa, cùng thu hoạch nên thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch đồng loạt giúp tiết kiệm công sức, vốn đầu tư; năng suất tăng lên.

Phòng Nông nghiệp đã chỉ đạo gieo cấy được 12.273 ha lúa, đảm bảo 100% diện tích lúa trong khung thời vụ, tiếp tục triển khai thực hiện cánh đồng một giống tại các xã, thị trấn với các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng; chỉ đạo dồn điền đổi thửa hình thành vùng sản xuất tập trung tại các xã Xuân Phương, Tân Đức, Úc Kỳ (tổng 158,29 ha, đạt 71% kế hoạch, trong đó xã Xuân Phương 90ha, Tân Đức 59,59 ha, Úc Kỳ 8,7ha), trong đó xã Tân Đức sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 100ha, Xuân Phương sản xuất lúa cánh đồng một giống GS9 với diện tích 30ha, Úc Kỳ sản xuất lúa Nếp Thầu Dầu với quy mô 60ha, kết quả cho năng suất cao, sản phẩm nông sản thu được an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phân hóa học và thuốc BVTV. Đặc biệt Xã Tân Đức đã phối hợp với Công ty Quế Lâm tổ chức sản xuất 50ha lúa hữu cơ. Công ty Quế Lâm đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sau đó mua thóc của bà con, mang lại giá trị sản xuất đạt 139 triệu đồng/ha, tăng 41,7 triệu đồng/ha so với trước. Đồng thời, giảm chi phí đầu vì tiết kiệm 50% giống, giảm chi phí khâu làm đất và khâu thu hoạch từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: các cánh đồng quy hoạch để dồn điền đổi thửa liên quan đến nhiều xóm, ranh giới khó phân định; một số hộ dân trong vùng quy hoạch nhận thức còn hạn chế; công tác chỉnh trang đồng ruộng còn khó khăn; việc đánh giá tính chất, thích nghi đất đai của đất đai với các giống cây trồng vẫn chưa được quan tâm chú trọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tài nguyên đất phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp huyện phú bình, tỉnh thái nguyên (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)