7. Cấu trúc của luận văn
1.3.3. Con người mang những giá trị văn hóa truyền thống
Con người với những số phận éo le trắc trở và con người với những khát khao hạnh phúc, và cuối cùng họ lại trở lại với những giá trị nhân bản vốn có. Đó là tình yêu chân thành, là đức hy sinh cao đẹp, là lòng vị tha, là tình nghĩa thủy chung… Điều này hầu như sáng tác nào của Đỗ Bích Thúy cũng có, sâu sắc và trọn vẹn. Chính vì thế mà thật không ngoa khi nói rằng những áng văn chương của Đỗ Bích Thúy thực sự “rất đẹp”. Dù con người có bất hạnh đến mấy thì họ cũng vẫn luôn cố gắng để vượt qua, để khẳng định những giá trị nhân văn một cách trọn vẹn. Chẳng hạn như truyện ngắn Lặng yên dưới vực sâu kết thúc Phống chết, chỉ Súa mới hiểu tại sao Phống chết, Vừ chờ đợi Súa đến nhưng Súa chẳng bao giờ đến…Cái kết xót xa, cảm giác nhức nhối trong trái tim người đọc gieo vào đó cảm xúc nuối tiếc đến ngỡ ngàng. Điều đó đã khẳng định được tài năng thực sự và tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà văn Đỗ Bích Thúy.
Bên cạnh những nhân vật có số phận bất hạnh, trong nhiều truyện ngắn của mình, Đỗ Bích Thúy cũng chú ý khai thác tâm tư, tình cảm của lớp thanh niên, trí thức trẻ nơi vùng cao. Họ là những người ít nhiều được học “cái chữ”, được tiếp xúc với những kiến thức mới mẻ.
Những con người này luôn bộc lộ tình yêu tình yêu quê hương, lòng nhân ái và khát khao tạo dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Đó là những nhân vật giáo viên trẻ miền xuôi lên miền núi dạy học như Sương của Cái ngưỡng cửa cao, Liêu của Mần tang mọc trong thung lũng, cô giáo trong câu chuyện Vết chân ngựa trên đường mòn…Họ còn là những cán bộ bản làng trong thời kì đổi mới. Những cán bộ trẻ tuổi này được thể hiện qua hình ảnh của Dân (Ngải đắng trên núi, Mặt trời lên, quả còn rơi xuống), Phín ( Thị trấn )… Họ đang từng bước tìm cách vận động dân bản xóa đi những nếp nghĩ cũ kĩ lạc hậu, bỏ đi những tập tục không văn minh với mục mong muốn cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn.
Ngoài những nhân vật quyết tâm ở lại gắn bó với mảnh đất quê hương còn nghèo nàn với khát vọng xóa đi những tăm tối, lạc hậu, trong một vài truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy còn xuất hiện nhóm nhân vật là những đứa con xa quê. Đó là Din (Ngải đắng ở trên núi ), là Páo (Đêm cá nổi ), là Lìn (Sau những mùa trăng)… Những nhân vật thuộc nhóm này vẫn là những thanh niên miền núi nhưng đã sớm thoát li quê hương, tìm đến những miền đất mới để có cơ hội học tập, phát triển. Song tất cả đều có chung một niềm đau đáu nhớ quê xa.
Ở mỗi nhà văn khác nhau, quan niệm nghệ thuật về con người được bộc lộ khác nhau. Trong cuộc sống, con người là trung tâm của mọi hoạt động, và trong văn học cũng vậy. Để bày tỏ những quan điểm tư tưởng tình cảm của mình, các nhà văn đều gửi gắm qua các nhân vật tiêu biểu. Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy sâu sắc và thể hiện rõ giá trị nhân văn.
Những nhân vật trong truyện ngắn của chị đều có những số phận, những cuộc đời cụ thể, nhưng từ đó nhà văn đã khái quát lên thành những số phận, những cuộc đời chung. Với Đỗ Bích Thúy, dù chị có viết về con người thế nào, khai thác ở những khía cạnh nào thì tư tưởng nhân văn vẫn luôn bộc lộ rất rõ ràng. Vì thế Đỗ Bích Thúy đã thực sự mang lại cho cuộc đời những áng văn đẹp về cuộc sống miền núi và cuộc sống đô thị hiện đại .
Trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam đương đại, Đỗ Bích Thúy đã có những sáng tạo độc đáo và những đổi mới đáng kể. Đặc biệt là quan niệm nghệ thuật về con người. Nhà văn miêu tả con người ở góc độ đời tư cá nhân với cảm hứng nhân sinh thế sự. Với góc độ đó, Đỗ Bích Thúy khám phá con người ở bề rộng lẫn bề sâu trong tâm hồn, soi chiếu con người ở nhiều thang bậc giá trị khác nhau. Đồng thời nhà văn cũng đặt nhân vật trong những môi trường nhiều thử thách, từ đó miêu tả một cách đầy đủ những phẩm chất tính cách khác nhau của con người: thiện-ác, tốt-xấu, cao cả-thấp hèn…và cả những miền tâm linh sâu kín nhất bên trong tâm hồn của con người.
Như vậy, quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy chân thực và sâu sắc. Các nhân vật trong truyện ngắn của chị đa dạng, nhiều cảnh ngộ khác nhau và chủ yếu vẫn là những số phận éo le, trắc trở. Họ luôn nỗ lực vươn lên vượt qua những thử thách của cuộc sống để hoàn thiện nhân cách; để thực hiện những khát khao hay những mơ ước của cuộc đời. Vì vậy, họ luôn là những nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong trái tim người đọc. Thái độ nghiêm túc sáng tạo văn chương của Đỗ Bích Thúy để tiến tới xây dựng một quan niệm nghệ thuật về con người ngày càng hoàn thiện hơn thực sự đã cho thấy nội lực mạnh mẽ của cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại. Chân thực, sâu sắc và ý nghĩa trên từng trang viết, Đỗ Bích Thúy cùng những tác phẩm của chị luôn nhận được sự quan tâm chờ đợi của người đọc.
Tiểu kết:
Quan niệm nghệ thuật của nhà văn Đỗ Bích Thúy về hiện thực và con người trong truyện ngắn của mình đa dạng, phong phú và sâu sắc. Hiện thực của cuộc sống hiện đại đa sự dù có phức tạp đến đâu thì những giá trị nhân văn của con người vẫn luôn luôn được gìn giữ và tỏa sáng. Truyện ngắn của chị cũng luôn thể hiện được tình yêu thương con người bao la rộng lớn. Tình yêu đó giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.
Chương 2
CÁI NHÌN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ BÍCH THÚY