7. Cấu trúc của luận văn
3.3.3. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
3.3.3.1. Ngôn ngữ đối thoại
Trong xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ đối thoại là cách để nhân vật hiện lên trong tâm trí người đọc rõ nhất: “Đối thoại là lời giao tiếp song phương mà lời này thường xuất hiện như phản ứng đáp lại lời nói trước” [9, tr159]. Đối thoại trong tác phẩm văn học khác với đối thoại thông thường, vì nó là một phương tiện mà nhà văn sử dụng nhằm để khám phá hiện thực cuộc sống.
Trong các tác phẩm truyện ngắn của mình nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng đã sử dụng một số đoạn văn đối thoại giữa các nhân vật để tạo nên những giá trị nghệ thuật cho tác phẩm và mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Những đoạn đối thoại trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy có khi là những đoạn đối thoại ngắn nhưng cũng có khi là những đoạn rất dài. Nhà văn để cho các nhân vật nói chuyện với nhau trong những hoàn cảnh cụ thế một cách tự nhiên nhất, để qua đó người đọc hiểu hơn về những suy nghĩ hay cảm xúc của nhân vật trong những hoàn cảnh hay trong những số phận cụ thể, Chẳng hạn một đoạn đối thoại dài của nhân vật Súa và Vừ trong truyện ngắn Lặng yên dưới vực sâu:
- Về thôi, Vừ à.
- Súa không còn là của mình rồi.
- Vừ phải biết từ lâu rồi chứ.
- Biết làm sao được. Cứ tưởng người đi nhưng cái đầu thì ở lại.
- Mình đã làm vợ người ta rồi. Làm mẹ của con người ta rồi…
- Nhưng không muốn thì vẫn được mà. Có gì khó đâu. Súa à… giọng Vừ gấp gáp - mang thằng Chà lên U Khố Chủ đi. Mình đã làm bẫy đá xung quanh nhà rồi, thằng Phống không bao giờ cướp lại được đâu.
Súa ngồi yên như hóa đá trên đống cây ngô đang tỏa ra mùi hương ngọt ngào.
- Nhưng mình không còn là đứa gái mấy năm trước nữa. Mình thành gái già rồi, Vừ không sợ người ta cười à?
- Sợ gì. Mình lấy vợ cho mình dùng chứ cho ai mà sợ.
- Bây giờ thì nói thế, dùng rồi mới chán.
- Phải tin Vừ chứ. Nhé, mang thằng Chà lên U Khố Chủ với mình nhé. Mình không ghét nó, không đánh chửi nó đâu…
Không hiểu sao Súa lại buột miệng nói ra câu này:
- Nhưng còn một đứa nữa. Ở trong bụng đây này.
- Hả?
Vừ nhạy dựng lên.
- Vậy mà thằng này cứ tưởng lâu nay nó để cho bắp ngô chỉ làm bắp ngô trên gác bếp. Hóa ra nó vẫn ăn à, ăn rồi nó còn gieo hạt ngô thành cây ngô nữa cơ. Thế thì sung sướng quá rồi, thế thì còn cần gì nữa. Vừ ơi là Vừ, mày là một con bò già, mày bị buộc ở gốc cây không ai thèm nữa rồi.
Qua đoạn hội thoại trên, người đọc có thể cảm nhận được hoàn cảnh cũng như tâm trạng của các nhân vật trong truyện. Vừ bị Phống cướp mất Súa về làm vợ, nhưng Vừ vẫn hy vọng và chờ đợi có ngày được đón Súa về lại với mình. Tình yêu quá lớn và quá chân thành của Vừ, Súa rất hiểu nhưng Súa hoàn cảnh của Súa bây giờ cũng đáng thương và tội nghiệp không kém gì Vừ. Súa đã làm vợ người ta, làm mẹ của con người ta, Súa không thể theo Vừ về U
Khố Chủ để làm vợ Vừ được nữa. Đoạn văn ngắn qua lời của các nhân vật nhưng giàu cảm xúc và bộc lộ được quan điểm cũng như tình cảm của nhà văn. Nhân vật trong các phẩm nghệ thuật như những đứa con tinh thần của tác giả. Vì tác giả xây dựng lên nhân vật và nếu như nhân vật đó có số phận và hoàn cảnh éo le khổ đau thì chắc tác giả cũng đau xót vô cùng. Đoạn hội thoại cho thấy tâm trạng của nhân vật nhưng hơn đó, người đọc còn thấy được tình cảm yêu thương và sự xúc động của nhà văn Đỗ Bích Thúy với các nhân vật của mình. Đặc biệt tình cảm đó đã đến được với người đọc. Có người luyến tiếc cho Vừ, có người trách Súa sao để người yêu phải khổ và bản thân mình thì cũng không hạnh phúc. Nhưng nhà văn dù buồn và xót xa cho nhân vật của mình cũng không tạo nên một kết thúc có hậu để Súa về với Vừ, thậm chí sau cùng khi Phống chết Súa cũng không gặp lại Vừ như đã hẹn. Phải chăng trên cả tình yêu, trên cả niềm khát khao, Đỗ Bích Thúy còn muốn khẳng định rằng chất nhân văn cao đẹp trong tâm hồn của mỗi con người chính là ở sự hy sinh, sự chấp nhận để cho những người thân yêu của mình hạnh phúc. Súa chấp nhận hy sinh để cho cuộc sống vẫn sẽ đi theo như guồng quay mà nó đã định sẵn và hơn hết Súa nghĩ đến những đứa con của mình với Phống, Súa phải hy sinh cho chúng nó bằng tất cả tình yêu của một người mẹ, người phụ nữ tảo tần với trái tim bao dung, hiền hòa giàu lòng vị tha và giàu đức hy sinh. Vì thế, đoạn trích hội thoại của hai nhân vật cho thấy sự khéo léo của nhà văn khi sắp đặt số phận cho nhân vật của mình, đồng thời qua đó thể hiện được quan điểm nghệ thuật của tác giả gửi gắm qua nhân vật và gửi gắm qua tác phẩm.
Như vậy, trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, với đối thoại, các nhân vật dường như đang hoạt động, ứng xử trước mắt người đọc. Không chỉ có vậy bản tính và mọi suy nghĩ của nhân vật cũng dần hé mở làm cho người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về nhân vật.
3.3.3.2. Ngôn ngữ độc thoại
Độc thoại nội tâm là “Lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con
người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [9, tr108]. Độc thoại nội tâm nói một cách dễ hiểu chính là những dòng tâm tư của lòng mình, mình đang nói với chính bản thân mình. Trong độc thoại nội tâm, ngôn ngữ không bị cản trở bởi bất kì yếu tố nào bên cạnh, vì nằm trong dòng ý thức của nhân vật. Đây là thủ pháp nghệ thuật độc đáo của nhà văn trong việc khám phá bề sâu tâm hồn con người. Qua đó, bản chất và thế giới tâm hồn được phơi bày một cách rõ nét nhất.
Trong truyện ngắn, nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng sử dụng rất nhiều lần nghệ thuật này nhằm khắc họa tâm lí nhân vật một cách rõ nét để cho người đọc hiểu một cách sâu sắc về nhân vật mình xây dựng. Chẳng hạn như đoạn văn cuối cùng trong truyện ngắn Trong thung lũng câu chuyện được kết lại qua lời độc thoại nội tâm của nhân vật Lam (bé câm) trong truyện: “Chỉ có tôi biết được chị đã mang theo dòng nước này cả những tấm khăn buộc chặt lấy bụng. Giá mà tôi có thể nói ra với mẹ được điều ấy. Nhưng cũng chẳng biết, nếu tôi nói được , thì mẹ có bớt vật vã hơn không, hay lại nhao theo chị xuống dòng nước này, và trôi đi thật xa?”[ 42, tr327]. Đó là một tâm trạng buồn của nhân vật tư tưởng của chuyện. Bé câm chẳng thể nói được nhưng bé biết bí mật tại sao chị gái nhảy xuống dòng sông tự tử, chẳng phải thằng Đinh răng vàng chồng sắp cưới của chị bị chết vì sập hầm vàng mà vì anh Sỹ (nguyên nhân khiến chị phải buộc bụng lại và chị phải nói dối với nó rằng dạo này chị béo nên phải buộc bụng lại đỡ xấu) đã chẳng còn biết ở đâu sau khi bị bọn Đinh răng vàng đánh đuổi đi. Lời độc thoại đó của nhân vật bé câm khiến người đọc xót xa cho số phận của người chị, và có lẽ cũng không chỉ dừng lại ở đó. Nhan đề “Trong thung lũng” kia dường như là nơi ẩn dấu bí mật mãi mãi cùng với cô bé câm.
Độc thoại của nhân vật khiến cho người đọc như nghe được tiếng lòng đau khổ của nhân vật, như cùng tác giả chứng kiến sự tuyệt vọng, giằng xé trong tâm hồn của người con gái xinh đẹp nhưng cuộc đời gặp nhiều bất hạnh. Có thể nói, phương thức độc thoại đã cho phép nhà văn đi sâu vào thế giới nội
tâm phức tạp, đầy những khổ đau bất hạnh của con người mà họ cô đơn chẳng biết chia sẻ cùng ai. Do đó nhân vật đến gần hơn với độc giả và độc giả yêu thương, cảm thông và chia sẻ với số phận bất hạnh nhiều khổ đau của nhân vật. Đồng thời đưa những giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm đến gần hơn với những độc giả yêu văn chương.
Truyện ngắn Gió lùa qua cửa cũng để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi những lời độc thoại của nhân vật. Câu chuyện kể về những nỗi lòng của một người đàn ông mang trong mình một tình yêu sâu sắc chân thành với một người con gái nhưng khi chẳng đến được với nhau khiến anh nhớ thương người xưa da diết. Nhiều khi trong cuộc sống hiện tại với bao nhiêu những bộn bề, người đàn ông ấy muốn thoát khỏi hiện thực mà quay về tìm lại những kí ức đẹp đẽ khi xưa cho lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Nhưng cuối cùng ánh mắt của mẹ, rồi ánh mắt của thằng con trai mới nửa tuổi, hai người mà anh cho rằng hiểu anh nhất, cảm thông cho anh nhất trong cuộc đời này đã giúp anh quay trở lại với hiện thực của cuộc sống: “Mẹ lại ra mở cổng, với tay xoa nhẹ lên vai, nắm nắm mấy cái. Mắt mẹ ầng ậc nước trong bóng tối lờ mờ dưới tán cây hồng xiêm mười mấy năm tuổi… Giờ mới thấy đôi mắt thằng Bờm mở to trong màn nhìn ra giống mắt mẹ vô cùng”. [38]Vẫn giọng văn bình thản, nhẹ nhàng nhưng thấm thía và sâu sắc. Đỗ Bích Thúy đã khai thác nhiều những khía cạnh khác nhau của cuộc sống thời đại. Chẳng phải chỉ riêng người phụ nữ với muôn phần những cung bậc cảm xúc khác nhau, mà cả những người đàn ông, họ cũng cần chúng ta thấu hiểu và chia sẻ. Cái nhìn của Đỗ Bích Thúy rất đa dạng và phong phú với hiện thực cuộc sống hiện đại. Đâu đó người đọc thấy thấp thoáng hình bóng của mình trong đó và thấy rõ được sự cảm thông chia sẻ sâu sắc với các nhân vật trong những hoàn cảnh như vậy. Truyện của Đỗ Bích Thúy chạm đến trái tim của đọc giả và gợi nhiều cảm xúc chính là vì điều đó.
Như vậy, rõ ràng việc sử dụng những ngôn ngữ độc thoại của nhân vật trong các truyện ngắn của Đỗ BÍch Thúy đa bộc lộ được tâm trạng, tích cách,
tâm hồn nhân vật một cách rõ nét, khiến cho các nhân vật hiện lên sinh động với nhiều sắc thái cam xúc khác nhau trong mắt người đọc. Để các nhân vật đến gần hơn với người đọc.