Nhân vật dũng cảm vượt lên hoàn cảnh số phận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cái nhìn nghệ thuật và thế giới nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn đỗ bích thúy (Trang 61 - 65)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Nhân vật dũng cảm vượt lên hoàn cảnh số phận

Bên cạnh những nhân vật mang số phận bi kịch, truyện ngắn Đỗ Bích Thúy còn đề cập đến một loại nhân vật khác nữa đó là những nhân vật dũng

cảm vượt lên hoàn cảnh, số phận. Nhân vật trong truyện ngắn của chị thường buồn, thường gặp phải những hoàn cảnh éo le trắc trở trong cuộc sống. Có những số phận buông xuôi cho sự nghiệt ngã của dòng đời nhưng cũng có những số phận nhìn vào hoàn cảnh để biết chấp nhận và sống có ý nghĩa hơn.

Dũng cảm chấp nhận và vượt lên hoàn cảnh số phận là một điều vô cùng quý giá trong một con người dù là ở thời đại và hoàn cảnh nào. Trong văn học những hình tượng nhân vật này chiếm một số lượng rất lớn. Ngày xưa khi Nguyễn Du xây dựng nhân vật Thúy kiều và sau đó làm nên một hình tượng bất tử, một kiệt tác bất hủ cho mọi thời đại thì cũng là dựa trên nền cảm hứng về số phận và cuộc đời của những con người biết chấp nhận số phận và vượt lên số phận để khẳng định mình. Cuộc đời đa đoan, nhiều truân chuyên của Thúy Kiều khiến người đọc xót xa nhưng nếu chỉ như thế thì không thể làm nên những ý nghĩa lớn lao cho tác phẩm, mà điều cốt yếu là sự dũng cảm vươn lên để khẳng định và hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của chính mình. Hai lần làm gái lầu xanh, cuộc đời nhiều oan trái, có thể với người khác đó sẽ là sự buông xuôi, cũng có những lúc Kiều muốn chết để kết thúc cuộc đời ô nhục của mình, nhưng Kiều lại đứng lên và có những niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời. Tình yêu đời, yêu người, lòng tin và ý chí đã giúp cho Kiều mạnh mẽ đứng lên để đấu tranh và dành lấy những niềm hạnh phúc cho cuộc đời mình. Nguyễn Du đã xây dựng một mẫu hình nhân vật hoàn chỉnh để mỗi con người chúng ta nhìn vào đó mà dũng cảm phấn đấu vươn lên.

Văn học viết về miền núi, viết về những vùng dân tộc thiểu số ra đời rất muộn. Nó ra đời khi mà văn học miền xuôi hiện đại đã có rất nhiều thành tựu. Nhưng dù muộn, nó vẫn khẳng định được sự độc đáo, hấp dẫn và mới lạ của mình. Người đọc hiểu hơn về thiên nhiên, cuộc sống và con người miền núi, cả những nét văn hóa rất riêng, rất độc đáo của miền núi. Nhưng có lẽ trên hết vẫn là những phẩm chất và tính cách đặc trưng của con người miền núi. Họ mang trong mình những vẻ đẹp tâm hồn rất riêng biệt và không hòa lẫn được

với con người miền xuôi. Ví như nhà văn Phạm Duy Nghĩa viết về đề tài miền núi với những con người thuần phác, giản dị nhưng sâu đậm nghĩa tình. Những con người dù trong đói nghèo vẫn toát lên những vẻ đẹp nhân cách: Niềm khát khao được sống, những ước mơ cháy bỏng cho hạnh phúc, tình yêu. Họ đều là những con người có ý chí nghị lực và lòng dũng cảm vượt lên hoàn cảnh và số phận cuộc đời để khẳng định mình, để ước mơ và để khát khao hạnh phúc.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy viết về miền núi như khát khao muốn được trở về quê hương, nguồn cội. Vì thế, miền núi trong sáng tác của chị vô cùng sâu lắng và thiết tha. Các nhân vật của chị như những người thân yêu gần gũi của chị. Vì thế nếu họ khổ đau bất hạnh thì chắc chị cũng vô cùng xót xa. Và sự dũng cảm vươn lên, vượt lên hoàn cảnh số phận của các nhân vật cũng chính là những khát khao cháy bỏng sự bình yên hạnh phúc cho cuộc đời các nhân vật của chị.

Truyện ngăn Lặng yên dưới vực sâu là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Súa. Với cái nhìn giàu tính phân tích, Đỗ Bích Thúy đã xay dựng nên một nhân vật điển hình cho người phụ nữ miền núi. Đó là nhân vật điển hình cho những nỗi bất hạnh của người phụ nữ miền núi. Nhưng rõ ràng nét đẹp trong phẩm chất tính cách của nhân vật cũng được thể hiện một cách đậm nét, Súa là một người phụ nữ dũng cảm và biết vượt lên hoàn cảnh, số phận. Lúc đầu khi biết mình bị Phống cướp dâu, Súa đã tự tử, đã sẵn sàng gieo mình xuống vực sâu, không một chút phân vân. Nhưng sau đó, khi biết mình có thai tình yêu của một người mẹ dành cho con, tình yêu của một người phụ nữ khao khát được sống và khao khát được làm mẹ đã giúp Súa sống vững vàng và có niềm tin mãnh liệt hơn vào cuộc sống. Thậm chí trái tim của cô đã mở ra và sẵn sàng đón nhận Phống, đã dũng cảm vượt qua chính mình với sự cám dỗ mãnh liệt từ phía Vừ - người mà Súa từng yêu say đắm, từng mong chờ được Vừ đón về làm vợ . Rồi khi Phống chết, Súa đã mạnh mẽ một lần nữa không gặp lại Vừ, có thể Súa muốn quên đi quá khứ đau buồn, quên tất cả để bắt đầu những điều mới nhất

trong tương lai chẳng có Phống, chẳng có Vừ, mà chỉ có tình mẫu tử thiêng liêng của Súa với những đứa con của cô. Như vậy rõ ràng đây là một nhân vật đáng được trân trọng, đáng được ngợi ca với nhân cách cao đẹp trong cuộc sống hiện đại với nhiều những cám dỗ và những đổi thay, cuộc sống mà có thể khiến con người ta thay đổi tính cách theo những chiều hướng tiêu cực.

Không chỉ với đề tài miền núi, với các nhân vật trong các tác phẩm viết về đề tài miền xuôi, về đô thị trong cuộc sống mới của Đỗ Bích Thúy cũng có cái nhìn giàu tính phân tích và giàu chất thơ, nhà văn đã miêu tả họ như những nhân vật tiêu biểu cho lòng dũng cảm, ý chí nghị lực vươn lên vượt qua mọi những chông gai thử thách trong cuộc sống. Truyện ngắn Sương khói mịt mờ

là một truyện ngắn với những kỉ niệm đẹp của nhân vật. Những chi tiết rất nhỏ nhưng rất đặc trưng trong tác phẩm như người đàn ông chỉ thích uống duy nhất một loại trà. Không phải là vì trà ấy ngon nhất, hay vì sở thích, thói quen mà vì nó là hình ảnh và kỉ niệm của người xưa. Những kỉ niệm tình yêu một thời đẹp nhưng chỉ là những giấc mơ, dẫu vậy thì con người ta vẫn cứ mơ. Mơ chẳng phải để thoát khỏi những hiện thực bộn bề của cuộc sống, mà mơ để giữ lấy những kỉ niệm ngọt ngào nhất bên trong sâu thẳm của tâm hồn. Câu chuyện buồn man mác nhưng nhẹ nhàng như du người đọc vào một giấc mơ đẹp. Thì ra trong cuộc đời này có những thứ chẳng hề thay đổi hoặc chẳng thể đổi thay. Ấm trà đó là của người xưa và người nay còn gìn giữ mãi, đó là sự khẳng định một ước mơ tình yêu thủy chung ngàn đời. Dù cho cuộc đời nhiều sóng gió, nhiều sự đổi thay thì mãi mãi những hình ảnh ấy vẫn vẹn nguyên. Đó chính là lòng tin ở một tình yêu đích thực trong cuộc đời.

Trong thời đại chiến tranh ta có những hình tượng nhân vật dũng cảm dấu tranh cho lí tưởng lớn, cho niềm tin lớn. Còn trong thời đại hòa bình, cuộc đấu tranh ấy bây giờ là cho niềm tin vào những phẩm chất nhân cách tốt đẹp, cao thượng. Hầu như trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy nhân vật nào cũng mang những số phận phức tạp với nhiều cảnh ngộ khác nhau, nhưng chắc chắn

một điều trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng đều thấy những hình ảnh đẹp, những tấm lòng đẹp, những niềm khát khao và những hy vọng đậm chất nhân văn. Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy như gieo vào trong lòng người đọc những niềm tin yêu với cuộc đời. Đọc truyện ngắn của chị người ta thấy cuộc đời đẹp và có ý nghĩa hơn, cuộc đời muốn sống và khao khát nhiều hạnh phúc hơn. Cũng có những nhân vật vì quá đau khổ nên buông xuôi tìm đến cái chết và chôn chặt những bí mật đau khổ của mình như người con gái trong truyện ngắn

Trong thung lũng. Nhưng thực sự nếu ta hiểu theo chiều sâu nhân bản của tác phẩm thì ta lại thấy ở đó là sự dũng cảm dám đối diện với sự thực của nhân vật. Nếu người con gái đó không mang theo những bi kịch của cuộc đời mình xuống dòng nước kia thì khi sống trên cuộc đời những hiện thực của cuộc sống bắt cô phải chấp nhận sẽ ê chề và nhục nhã biết bao nhiêu. Rồi cha mẹ cô, những người thân yêu của cô sẽ mặc cảm vì cô…Có thể đó cũng chính là một lối thoát cho nhân vật.

Nói tóm lại, khi miêu tả những nhân vật trong truyện ngắn của mình, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã giúp cho người đọc hiểu hơn nữa về những phẩm chất tính cách đáng quý, đáng trân trọng của các nhân vật của mình trong các tác phẩm. Các nhân vật của nhà văn đa dạng, phong phú và nhiều dạng khác nhau, nhưng có một dạng nhân vật khiến cho người đọc ấn tượng đó chính là dạng nhân vật dũng cảm có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống để xây dựng những niềm tin mạnh mẽ vào cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cái nhìn nghệ thuật và thế giới nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn đỗ bích thúy (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)