7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Vai trò của nhân vật trong tác phẩm văn học
“Nhân vật là phương tiện khái quát hiện thực, khái quát những quy luật của cuộc sống con người” [42, tr297]. Văn học chỉ tái hiện được đời sống thông qua những nhân vật. Vì thế nhân vật đóng vai trò rất quan trọng, và nhà văn coi đó là yếu tố cơ bản để miêu tả thế giới một cách hình tượng. Trong một tác phẩm văn học nhân vật đóng vai trò trung tâm. Tất cả mọi sự việc, mọi diễn biến của câu chuyện đều xoay quanh nhân vật. Có thể trong tác phẩm chỉ là một nhân vật, nhưng cũng có những tác phẩm hàng trăm, hàng nghìn nhân vật. Có thể có nhiều hoặc ít nhân vật chính, nhiều hoặc ít nhân vật phụ. Nhưng rõ ràng một cốt truyện được hình thành là nhờ hệ thống nhân vật mà nhà văn xây dựng lên. Từ đó giúp người đọc hiểu được qua tác phẩm văn học đó nhà văn muốn nói điều gì, về hiện thực cuộc sống đa sự phức tạp hay về số phận con người ở từng thời đại khác nhau…Chẳng hạn như, các nhân vật của nhà văn Nam Cao đều là những nhân vật tư tưởng, những nhân vật có hoàn cảnh, số phận tính cách độc đáo như Chí Phèo, Lão Hạc…nhưng từ những nhân vật đó, nhà văn đã miêu tả được cuộc sống hiện thực với nhiều những oan trái những bất công của xã hội phong kiến khiến cho con người bị đẩy đến những bước đường cùng. Từ đó nhà văn khái quát lên thành những quy luật của cuộc sống con người trong xã hội phong kiến. Đó là cái đói, cái nghèo, cái khổ luôn đồng hành với những người dân vô tội, lương thiện trong xã hội phong kiến xưa. Nhưng dù có là vậy thì tận sâu trong tâm hồn họ vẫn khát khao những ước mơ hoàn thiện nhân cách, khẳng định những giá trị đích thực của con người.
Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: Nhân vật văn học có chức năng “biểu hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về thế giới, con người” [27, tr 73]. Với các nhân vật cụ thể, thái độ đánh giá về các vấn đề xã hội của nhà văn có điều kiện bộc lộ tốt hơn, tập trung hơn. Ví như với nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã
bày tỏ thái độ yêu mến, trân trọng cảm thông với số phận của người phụ nữ miền núi nói riêng và số phận của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Họ thực sự bất hạnh với những khổ đau trong cuộc đời. Nhà văn Tô Hoài miêu tả về cuộc đời và số phận của nhân vật Mị nói riêng và số phận của những người phụ nữ miền núi nói chung bằng một sự trải nghiệm, sự quan sát và đặc biệt là một tình yêu lớn với núi rừng Tây Bắc. Vì quá hiểu con người và cuộc sống cũng như những phong tục tập quán nơi đây nên nhà văn cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những số phận bất hạnh gặp nhiều cực khổ trong cuộc sống này. Tô Hoài đã viết về những con người miền núi, và đã khám phá ra những vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn của họ để giúp cho người đọc hiểu về miền núi và dành tình cảm sâu sắc cho nơi này. Qua đó ta thấy được sự hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa miền núi, ngòi bút tài hoa và đặc biệt là trái tim nhân hậu tha thiết của nhà văn Tô Hoài. Còn với nhà văn Đỗ Bích Thúy vẫn tiếp bước những quan niệm nghệ thuật về thế giới, con người miền núi của những bậc tiền bối đi trước như Tô Hoài, nhưng người đọc sẽ thấy miền núi rõ ràng hơn, gần gũi hơn bởi đọc những truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy người đọc có cảm giác như nhà văn đang viết về nhà mình, về những anh chị em trong gia đình mình vậy, miền núi là quê hương, là ngôi nhà nhỏ trong trái tim của người con xa quê- Đỗ Bích Thúy. Vì vậy miền núi yêu thương và gần gũi hơn rất nhiều. Và những niềm vui của những con người miền núi cũng vui hơn hạnh phúc hơn, những nỗi khổ của họ cũng đau hơn xót xa hơn dưới những trang văn của Đỗ Bích Thúy.
Nhân vật còn có chức năng “tạo nên mối liên kết giữa các sự kiện trong tác phẩm” [27, tr97]. Một tác phẩm luôn bao gồm các sự kiện khác nhau, phần lớn nhờ nhân vật mà nhiều tác phẩm đạt được kết cấu hoàn chỉnh, trọn ven, chặt chẽ, thống nhất. Trong văn học có những tiểu thuyết lớn nghìn trang, hàng trăm hàng nghìn nhân vật hay cũng có những tác phẩm chỉ có hai hoặc ba nhân vật. Sô lượng nhân vật không giới hạn và tùy thuộc vào thể loại và ý đồ sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, nhưng rõ ràng rằng nếu không có nhân vật thì sẽ
không có sự liên kết giữa các sự kiện trong tác phẩm, và sẽ không hình thành được tác phẩm. Chẳng hạn như cuộc đời của Chí Phèo sẽ không kể lại được, sẽ không thể bộc lộ được tư tưởng của nhà văn nếu không có sự liên kết với các nhân vật khác trong truyện. Từ mối liên hệ với Bá Kiến, hay Thị Nở, thì mới hình thành nên những tình tiết để tạo nên cốt truyện. Hay như trong Vợ chồng A Phủ, nhờ quá trình chuyển biến nhận thức về cách mạng từ tự phát sang tự giác của nhân vật Mị và A Phủ mà kết cấu hai phần của truyện được hoàn chỉnh: Mị và A Phủ những ngày sống trong địa ngục ở Hồng Ngài và những ngày họ được tự do ở khu du kích Phiềng Sa.
Nhân vật nói chung, con người trong văn học nói riêng là một hiện tượng hết sức phức tạp và đa dạng. Vấn đề phân chia các kiểu nhân vật văn học đã được không ít nhà nghiên cứu lí luận văn học quan tâm. Người ta có những cách phân loại nhân vật rất khác nhau, song hầu hết căn cứ trên ba phương diện: kết cấu tác phẩm, ý thức hệ, phương thức xây dựng.
- Dựa theo kết cấu (vai trò, vị trí của nhân vật trong việc tổ chức tác phẩm), ta có: nhân vật chính, nhân vật trung tâm và nhân vật phụ.
- Dựa vào tác động của nhân vật đối với quá trình phát triển của xã hội lịch sử (ý thức hệ), ta có: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.
- Dựa vào phương thức xây dựng nhân vật, ta có: nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng.
Trên đây là ba cách phân loại nhân vật phổ biến nhất, song đó chỉ là tương đối. Đứng dưới những góc độ khác, chúng ta vẫn có thể đưa ra những cách phân loại khác. Tùy thuộc vào mục đích tìm hiểu thế giới nhân vật cụ thể trong từng tác phẩm cụ thể mà người ta lựa chọn cách phân loại phù hợp nhất. Ở đây chúng tôi chọn theo cách phân loại thứ ba: Dựa vào phương thức xây dựng nhân vật, ta có kiểu nhân vật tính cách. Luận văn cũng đứng ở góc độ loại hình, tính cách nhân vật để phân loại các kiểu nhân vật.
Như vậy, nhân vật có vai trò vô cùng to lớn trong tác phẩm văn học nói chung và trong truyện ngắn nói riêng. Phải có nhân vật thì mới hình thành được tác phẩm. Từ việc xây dựng lên một thế giới nhân vật phong phú đa dạng trong các tác phẩm của mình các nhà văn mới có thể bộc lộ được những cái nhìn nghệ thuật của mình với cuộc sống. Nhà văn Đỗ Bích Thúy cũng vậy, với cái nhìn hiện thực sâu sắc về cuộc sống, sự nhạy cảm, tinh tế khi miêu tả, nhà văn đã thông qua nhân vật bày tỏ rõ ràng những quan niệm nhân sinh của mình.