7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Cái nhìn hiện thực giàu tính phân tích, giàu giá trị nhân văn
Khi cho ra đời “Những đứa con tinh thần”, mỗi nhà văn trước hết đều định hình cho nó “diện mạo” và “tính cách” riêng. Bằng sự trải nghiệm, khả năng quan sát tinh tế, tư duy sắc bén, kết hợp với những phẩm chất trí tuệ, tâm hồn nhà văn Đỗ Bích Thúy đã sáng tác nên những đứa con tinh thần ấy của mình độc đáo và hấp dẫn người đọc. Các tác phẩm truyện ngắn của nhà văn đều bắt nguồn từ cái nhìn hiện thực cuộc sống đa chiều, giàu tính phân tích.
Trước hết là cái nhìn hiện thực về miền núi. Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên ở Hà Giang rồi sau này chị cũng có nhiều năm làm việc ở đây. Nhờ đặc thù công việc làm báo đi nhiều để lấy tư liệu, chị càng hiểu sâu sắc về cuộc sống và con người miền núi. Không phải ngẫu nhiên mà đề tài miền núi lại là sở trường của chị bởi đó là tình yêu, là “nơi về” theo đúng nghĩa. Chị đã sáng tác “những đứa con tinh thần” về đề tài miền núi thực sự sâu sắc và lắng đọng. Nhà văn Sương Nguyệt Minh từng nói: “Nếu văn học miền núi không có những Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Đỗ Bích Thúy thì không biết mảng đề tài này sẽ thiếu vắng biết bao. Họ làm đẹp hơn, sang hơn cho văn học đề tài miền núi” [18, tr34].
Cái nhìn về hiện thực miền núi của nhà văn Đỗ Bích Thúy sâu sắc và giàu tính phân tích. Mỗi nhân vật trong truyện ngắn của chị là một số phận riêng đầy ám ảnh. Nhân vật chính trong các tác phẩm của chị chủ yếu là những người phụ nữ dân tộc Mông. Từ những người mẹ, sau là những người vợ rồi đến những người con gái mới lớn chẳng mấy chốc lại bước vào cái vòng làm vợ, làm mẹ. Ngải đắng ở trên núi cùng lúc có 3 nhân vật nữ, nhân vật xưng
“Tôi” đi từ xa về, bà mẹ vùng cao và nhân vật người chị dâu,rồi sau này là hàng loạt các truyện ngắn khác:Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Khách quý, Lặng yên dưới vực sâu, Cạnh bếp có cái muôi gỗ, Trong thung lũng…đều nhất loạt hiện lên hình ảnh những người phụ nữ với nhiều hình nét và cảnh ngộ khác nhau.
Những người phụ nữ ấy đều lặng thầm và quyết liệt. Lặng thầm trong đi lại, cử chỉ, điệu bộ nói năng thậm chí rơi vào tình trạng mỏi mòn, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn là những tính khí quyết liệt, dứt khoát đến ương bướng, bất chấp. Trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá mẹ Mao được gọi là mẹ già, tuy không còn trẻ nữa nhưng trước một đời sống riêng tư, ông chồng có vẻ đi ngang về tắt với mẹ Hoa, bà đã lần trở về với người yêu cũ trong phiên chợ tình. Và tiếng đàn môi đêm sương hôm đó đứa bé gái mới lớn tưởng của bạn trai mình hóa ra lại chẳng phải. Đó là tiếng của một mối tình xưa tuyệt vọng. Một kết thúc đẹp nhưng buồn.
Hiện thực cuộc sống đôi khi khắc nghiệt khiến con người muốn vùng vẫy thoát ra. Người mẹ già sau những âm thầm chịu đựng bà muốn tìm về với quá khứ để tìm niềm an ủi, sẻ chia, nhưng rồi sau đó người phụ nữ ấy lai quay trở về với những quy luật của cuộc sống. Lại hy sinh và cam chịu. Và bà coi đó là niềm hạnh phúc của cuộc đời bà.
Trong truyện ngắn Mẹ kế số phận người phụ nữ cũng rất đáng thương. Cùng nói về quan niệm “dì ghẻ con chồng” nhưng nhà văn Đỗ Bích Thúy có cách kể của riêng mình. Xây mặc cảm về thân phận của mình: “Người không có mẹ như tôi, mùa đông đến ăn miếng cơm như ăn miếng cám, mặc quần áo thì mặc miếng rách. Còn người có mẹ như cô em, ăn cơm thì ăn miếng trắng, mặc quần áo thì mặc cái đẹp” [42,tr 13]. Xây cũng muốn bố hạnh phúc nhưng bản thân thì không thể vượt qua những định kiến xưa nay, nhưng có lẽ hơn hết Xây sợ sự cô đơn, sợ sự ghẻ lạnh. Giọng văn bình thản như những lời kẻ chuyện tâm tình mà chua xót cay đắng: “Đêm, tôi không ngủ, tôi ngồi canh
bếp. Tôi thổi lửa trong lò cháy thật to. Tôi gõ cái đua vào miệng chảo cám cành cạch. Tôi băm ngọn bí suốt đêm. Dao bập phầm phập xuống thớt. Băm đi băm lại ngọn bí, lá bí nát nhừ. Lợn đang ngủ tôi khua dậy, tôi bắt phải ăn cám. Ăn hết để tôi còn lấy chảo nấu tiếp. Vừa băm dây bí tôi vừa nghe thấy tiếng thở dài của bố trên gác dành riêng cho khách”[42, tr14].
Cái tài trong cách viết của Đỗ Bích Thúy chính là giọng văn bình thản ấy. Không cần phải gợi tả nhiều mà để cho người đọc tự cảm nhận, tự hình dung ra được sự việc và tâm lí nhân vật. Nhân vật Xây trong truyện đã thực sự khiến cho người đọc cảm thấy xót xa về thân phận “con chồng” trong xã hội. Cuối cùng thì bố Xây chết, nhưng có phải ông chết vì lặn xuống sâu gỡ chài hay không chỉ có Xây biết, y tá (mẹ kế) biết: “Tôi gục đầu vào ngực mẹ kế, nghe tiếng khóc như vọng về từ đâu đó rất xa…[42, tr19]. Người cha tìm cho mình một giải thoát sau sự tù túng và bế tắc của cuộc sống. Kết thúc một phần xác để giữ lại một phần hồn đẹp đẽ, đau xót nhưng lại ngọt ngào. Dù không hạnh phúc nhưng chắc chắn tình yêu thương sẽ còn mãi mãi với những người ở lại.
Nếu như Xây và y tá trong Mẹ kế gây xúc động mạnh cho người đọc bởi định kiến về thân phận “dì ghẻ con chồng” thì Súa và Nhí trong Lặng yên dưới vực sâu lại gây ám ảnh cho người đọc bởi hình ảnh của những người phụ nữ miền núi với những khát vọng và bi kịch tình yêu mãnh liệt.
Cả Súa và Nhí đều là những người phụ nữ có tâm hồn đẹp và ước mơ có một cuộc sống hạnh phúc bên người mình yêu thương, nhưng điều đó mãi không thể là sự thực với họ: “Tiếng sáo bên ngoài vẫn réo rắt. Đấy là tiếng sáo của người trên núi cao. Bên trong nó ngoài sự trầm bổng còn có cả tiếng gió, mùi gió… Nhưng tiếng sáo mà Súa nghe đêm nay lại có mùi của nước mắt đang khô”[42,tr 58]. Tình yêu đẹp của Súa và Nhí đều không đến được hạnh phúc cuối cùng. Phống đã cướp Súa khỏi tay Vừ trong ngày cưới để rồi từ đó Súa biết mình cuộc đời như đã chết: “Cha ơi, đó không phải Vừ. Vừ ơi, sao Vừ lại để người yêu của mình chết nửa người thế này. Còn cái đầu này nữa, sao
không chết luôn để khỏi phải hỏi mình đang mơ hay đang tỉnh đây?” [ 39, tr 60]. Súa đã muốn chết bởi làm sao có thể sống đời với một người mình chẳng bao giờ yêu. Nhưng Súa đã chẳng thể chết, trái tim Súa tan nát bởi hiện thực cuộc sống phũ phàng. “Chẳng lẽ người con gái Mông này không được sống như ý của mình, chết cũng không như ý của mình nốt? Chẳng lẽ lại thế hả đứa em chồng?”.[42, tr 75]
Súa lặng lẽ sống một cuộc sống như bao người phụ nữ khác sau khi chẳng thể chết. Súa làm dâu, làm vợ và làm mẹ trong tủi hờn cay đắng. Súa trách Phống, hận Phống nhưng Phống vẫn là chồng. Súa đẹp nhất vùng nhưng Súa chẳng thể hạnh phúc vì chồng Súa chẳng phải là người mà Súa yêu. Thực tế là tục cướp dâu đã khiến cho cuộc đời Súa đau khổ và Súa phải chấp nhận. Tận sâu trong tâm hồn Súa vẫn luôn khát khao, nhưng Súa hiểu Súa phải vùi tắt những khát khao ấy để tiếp tục một cuộc sống khác: ‘’Tuyết đã phủ kín hai bàn chân Súa. Đứa bé lại cựa quậy. Nó không nhìn thấy tuyết đang rơi, nhẹ bỗng như những quả bông nở bị gió thổi đi tứ phía. Giá mà nó cứ ở yên trong bụng mẹ thế này thì tốt quá. Nhưng không được đã sắp đến ngày nó nhìn thấy sương mù rồi”.[42, tr78]
Đứa bé sắp chào đời, có lẽ đó là nguyên nhân khiến cho Súa muốn được sống dù đứa bé ấy chẳng phải là kết quả của tình yêu, nó là kết quả của sự cưỡng bức chà đạp. Nhưng có lẽ là một thực tế mà Đỗ Bích Thúy muốn khéo léo thể hiện cho người đọc biết là Phống yêu Súa. Phống giàu nhất làng, xấu xí thủ đoạn nhưng thực lòng Phống muốn được có Súa. Súa đẹp nhất vùng, khát vọng đó của Phống đâu có sai. Chỉ có hành động mà Phống làm đã sai thực sự. Phống đã phải trả giá bằng cái chết. Và chỉ có Súa biết: “Không phải chồng Súa bị ngã. Người đàn ông Mông sinh ra, tập đi, cưỡi ngựa, chăn bò và chết đi trên những mép vực, không bao giờ bị trượt chân”[42, tr140]. Phống đã là người thứ ba thua cuộc, dù mình là chồng, là cha. Hiện thực éo le không phải chỉ có ở Súa, mà có ở rất nhiều nhân vật trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy.
Nhà văn đã khéo léo và tài tình khi viết về hiện thực ấy. Ở đây có một câu hỏi được đặt ra: Như vậy Phống có đáng trách không? Ở một góc độ nào đó có lẽ Phống còn đáng thương hơn là đáng trách. Chất nhân văn thấm sâu trong những trang viết của Đỗ Bích Thúy là ở điều ấy. Nó nhức nhối, nhói buốt người đọc cũng là ở điều ấy.
Đứa em chồng của Súa là Nhí cũng chẳng khác chị dâu là mấy… Từ khi sinh ra, Nhí đã chẳng thể nói. Mọi cảm xúc Nhí chỉ có thể biểu cảm được trên ánh mắt, khuôn mặt. Thế rồi cô gái ấy cũng có cảm giác như cuộc sống này dừng lại khi tuổi đời mới chỉ mười sáu. Tân - người đàn ông cũng đã trải qua bao sóng gió, bất hạnh của cuộc đời, cũng chính là người đàn ông duy nhất hiểu Nhí mong muốn được mang lại niềm hạnh phúc cho Nhí cũng đã ra đi. Ước mơ của Nhí rất giản dị: “Đúng là Nhí đã nghĩ, sau này Tân sẽ làm một ngôi nhà nhỏ tí, trên ngọn cây lim to nhất phía sau nương ngô kia, và hai người sẽ sống ở trên đó. Hàng ngày Nhí ôm con ngồi vắt vẻo ở cửa, buông hai chân thõng xuống chờ Tân đi làm về…” [42, tr113]. Nhưng ước mơ giản dị đó của Nhí sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực vì Tân không còn trên cõi đời này nữa. Nhí bất hạnh, Súa bất hạnh, và những người phụ nữ trong các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy đều bất hạnh như vậy.
Khi chuyển đề tài sang cuộc sống đô thị hiện đại, những trang viết của Đỗ Bích Thúy cũng vẫn “ưu ái” cho những người phụ nữ. Truyện ngắn Đàn bà đẹp là hình ảnh của người phụ nữ giàu có, thành đạt nhưng lẻ loi cô đơn đến tột cùng: “Rồi có lúc nàng thấy mình đẹp, càng đẹp thì càng vô duyên biết mấy. Trong lúc mình như một đóa sen trắng muốt, thì chồng mình càng giống hệt một con tôm khô trong túi hút chan không, còn gì vô duyên hơn” [42, tr165]. Người phụ nữ ấy mang nỗi bi kịch của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Đỗ Bích Thúy đã nói hộ nỗi buồn ấy, đã chia sẻ nỗi buồn ấy với người phụ nữ hiện đại bằng một trái tim chân thành.
Khác với Đàn bà đẹp truyện ngắn Chiếc hộp khảm trai lại viết về một khía cạnh khác của cuộc sống. Truyện ngắn cho người đọc thấy được vẻ đẹp của những trái tim đôn hậu, giàu tình yêu thương con người. Mãi đến khi mẹ chồng qua đời Bình mới biết nguyên nhân tại sao vợ chồng Bình chẳng thể có con, đó chẳng phải là do Hải chồng của Bình… Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng thâm thúy sâu sắc và ở đó ta thấy tình người thật đẹp. Hình ảnh của người mẹ chồng “… một người phụ nữ nhỏ bé, tóc vấn gọn gàng, mặc áo dài nhung, cổ đeo chuỗi hạt ngọc màu lục bảo…thư thái, an nhàn trên chiếc xích lô có cái ghế ngồi bọc da màu đỏ…” [42, tr195] in đậm trong trái tim người đọc. Hình ảnh đó giúp người đọc nhận ra rằng, tình yêu thương giữa con người với con người thật đáng quý biết bao, và đúng như nhà văn Vichto Huygô đã khẳng định: “Trên đời chỉ có một điều ấy thôi đó là yêu thương nhau”.
Ở một góc nhìn hiện thực khác, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã viết về những mặt trái trong cuộc sống. Vẫn giọng văn bình thản, nhẹ nhàng nhưng người đọc luôn hiểu được cặn kẽ từng hình ảnh, số phận và cuộc đời. Trong truyện ngắn
Khách quý nhân vật Khách là trung tâm của truyện. Khách mang bao ngô đến và mang theo nhiều thứ khác nữa. Rồi khi Khách đi Khách đã mang theo đứa gái lớn, cả đứa cháu ngoại nữa. Khách để cho mẹ đứa gái buồn đau tê tái. Khách để cho đứa gái nhỏ nhớ thương chị vô cùng: “Mùa xuân hoa đua nở tươi, nở nhiều/ Chị như mẹ sao chị bỏ em đi/ Nhìn vết chân chị đi nương trồng bông, kéo sợi/ Em chết nửa lá gan…”[42, tr27].
Trong truyện ngắn Mèo đen, Hầu Thìa Nhò đã mang con mèo đi bán. Sở dĩ phải mang mèo vì trong nhà chỉ còn mỗi nó có thể bán được. Thò nghiện thuốc phiện, Thò đã bán hết tất cả mọi thứ rồi, chỉ còn con mèo này, thế là Thò cũng mang nó đi bán nốt. Những câu văn miêu tả sự tha hóa của một con người khiến người đọc thấy nhức nhối: “Đêm tối om, Thò khoác cái túi đựng mèo trên vai, chốc chốc lại ngoái lại phía sau. Không phải Thò sợ bố mẹ đuổi theo, bố mẹ đã từng đuổi theo Thò để cố giữ lại con bò, con dê, nhưng cuối
cùng thì cũng đành để cho Thò dắt đi, vì lần nào Thò cũng rút con dao găm nhọn hoắt dí vào cổ mình, dọa chết” [42, tr32]. Thò mang con mèo ra chợ bán, vì buộc chặt quá nên con mèo đã bị chết. “Thò ngồi thừ ra. Con mèo nằm còng queo cứng đơ dưới chân. Tự dưng lúc này cơn thèm thuốc không thấy đâu nữa, mà Thò lại nhớ tới hai con mắt đen láy, sưng húp, mọng nước của em gái Thò. Chả lẽ Thò mang con mèo này về trả cho nó? Không được. Thò loạng choạng đứng dậy nhìn thấy con mèo vẫn nhe hàm rang trắng nhởn như cười cợt. Con mèo còn nằm ở đấy, dưới gốc cây gạo đã rụng hết lá, kể cả khi Thò đã đi khuất rồi, con mèo vẫn còn nhe rang cười mãi”[41]. Thò đáng lên án, đáng phê phán, một con người tha hóa về nhân cách đạo đức. Nhưng cuối cùng thì Thò đã nhận ra, quá muộn để lấy lại những giá trị đạo đức của một con người, nhưng ít nhất thì cũng một lần Thò tỉnh ngộ, đó là cái giá cho sự sa ngã, cho những con người không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của cuộc sống. Truyện nhắn gửi tới người đọc những ý nghĩa tư tưởng đúng đắn, tránh xa những cám dỗ của cuộc sống, xây dựng một cuộc sống với những giá trị đạo đức chuẩn mực.
Như vậy, với cái nhìn hiện thực giàu tính phân tích giàu giá trị nhân văn, người đọc thấy được nhiều điều trong cuộc sống của con người miền núi cũng như con người miền xuôi trong thời hiện đại qua những trang viết sâu sắc của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Cuộc sống với cả những mặt tích cực và cả những mặt tiêu cực đã được chị tái hiện và đã giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện về đời sống để từ đó tự hoàn thiện nhân cách của chính mình.