7. Cấu trúc của luận văn
3.2.3. Nhân vật nhân hậu, giàu lòng vị tha
Người Việt Nam có truyền thống nhân đạo, giàu lòng vị tha và tình yêu thương con người cao đẹp. Trong mọi thời đại, truyền thống đó luôn được gìn giữ và phát huy. Truyền thống ấy giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Mối quan hệ giữa con người với con người được gắn kết với nhau hơn. Dù trong thời đại nào, hoàn cảnh nào thì tấm lòng nhân hậu, lòng vị tha, tình yêu thương của con người cũng bộc lộ rất rõ. Chẳng hạn như trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà
văn Nam Cao, tưởng chừng như trong trái tim của một con người giống như một con quỷ dữ - Chí Phèo kia khi rạch mặt ăn vạ và khi đi đòi nợ thuê kia là đã mất hết tính người. Nhưng không phải, sâu trong tâm hồn người đàn ông đó là niềm khao khát mãnh liệt về tình yêu thương và hạnh phúc lứa đôi. Hắn muốn làm hòa với mọi người, hắn muốn cùng Thị Nở xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, quên hết đi những hận thù hay đớn đau của cuộc đời. Hắn sằng sàng tha thứ cho tất cả, kể cả cái kẻ đã đẩy hắn vào tù khiến hắn từ người biến thành quỷ dữ và ai cũng xa lánh. Mặc dù kết thúc là cái chết, là nỗi đau, sự bất hạnh của cuộc đời nhưng tình yêu thương con người, tinh thần nhân văn luôn luôn tỏa sáng qua hình tượng của nhân vật. Ai cũng bảo Nam Cao có giọng viết văn lạnh lùng, vô cảm, nhưng đằng sau những câu chữ tưởng như lạnh lùng ấy lại là cả một tình yêu con người rộng lớn. Các tác phẩm của nhà văn Nam Cao đều nhức nhối trái tim người đọc bởi cách miêu tả và cảm nhận về hiện thực cuộc sống của nhà văn.
Cuộc sống hiện đại bộn bề với biết bao lo toan, vất vả. Guồng quay ấy của cuộc đời cứ cuốn con người ta đi, đã xuất hiện nhiều mặt tích cực và tiêu cực của cuộc sống. Con người có những thủ đoạn hay sự tàn ác với nhau. Vì thế, rất cần những tấm lòng vị tha, sự bao dung để giúp cho cuộc đời tốt đẹp hơn và có ý nghĩa hơn.
Trên nền tảng cảm hứng nhân đạo, nhân văn trong các tác phẩm văn chương của mình nhà văn Đỗ Bích Thúy luôn bày tỏ một cách rõ ràng và luôn nhất quán khi viết về những phẩm chất đáng ngợi ca của các nhân vật. Trước sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại con người cũng phải thay đổi để thích nghi. Có những sự thay đổi theo hướng tích cực, cũng có những thay đổi theo hướng tiêu cực, nhưng hầu hết nhân vật của Đỗ Bích Thúy đều gìn giữ được những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, đáng quý. Một trong những phẩm chất đó là lòng nhân hậu, vị tha.
Truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá là hình ảnh của người “mẹ già” - điển hình cho số phận của những người phụ nữ miền núi cả cuộc đời vất cả lam lũ nhưng giàu đức hy sinh. Không có con của mình nhưng bà vẫn nhẫn nhịn nuôi các con của chồng bằng chính tình cảm chân thành của một người mẹ, dành cho chúng những yêu thương trọn vẹn nhất. Người phụ nữ ấy chấp nhận và chịu thiệt thòi về mình để cho gia đình chồng hạnh phúc.
Cuộc đời của bà chịu nhiều vất vả, gian nan và cả sự thiệt thòi vì không thể có con, nhưng bà vẫn sống lạc quan, vẫn dành tình yêu thương và chăm sóc mọi người chu đáo. Đó là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, bao dung đáng trân trọng.
Đọc truyện ngắn Cạnh bếp có cái nuôi gỗ người đọc thấy nhói lòng thương cảm cho nhân vật Mai, người phụ nữ chịu quá nhiều thiệt thòi bất hạnh, chỉ vì chị không thể đẻ con trai cho chồng mà phải âm thầm chịu đựng nỗi đắng cay một mình. Người chồng bạc bẽo bỏ người vợ trẻ và mấy con gái nhỏ đi lên chợ huyện “kiếm con trai”, và người đàn ông đã có con trai như mong muốn. Còn Mai cam chịu nhẫn nhịn ngay cả việc nói cho con biết sự thực cô cũng sợ, cô sợ chúng bị tổn thương. Chị đã hy sinh chính tình yêu và hạnh phúc của mình để cho các con không cảm thấy thiệt thòi ít nhất là khi chúng còn nhỏ tuổi và chưa hiểu được gì về cuộc đời.
Không chỉ là những người phụ nữ mà ngay cả những người làm cha, làm mẹ trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy cũng bộc lộ được những tình yêu vô bờ với những người con của mình. Ta bắt gặp hình ảnh của người mẹ chồng trong truyện ngắn Chiếc hộp khảm trai. Trong cuộc sống ta thường thấy chuyện người mẹ chồng với những mâu thuẫn hay bất hòa với những cô con dâu và định kiến
mẹ chồng nàng dâu luôn nổi bật. Nhưng trong truyện của Đỗ Bích Thúy người đọc lại thấy một quan niệm hoàn toàn ngược lại. Người mẹ chồng thậm chí còn yêu thương cô con dâu hơn cả con ruột của mình. Bao nhiêu lần thăm khám bác sĩ là bấy nhiêu lần bà giữ lại giấy tờ. Người con dâu cứ tưởng là vì người chồng
của mình mà họ chẳng thể có con, chị chẳng bao giờ nghĩ rằng nguyên nhân là do mình. Chỉ khi người mẹ mất đi, những bí mật trong chiếc hộp khảm trai kia mới được làm rõ. Và khi biết sự thực thì người mẹ đã chẳng còn trên cõi đời này nữa. Câu chuyện để lại trong lòng người đọc một cảm xúc bâng khuâng đến khó tả. Người mẹ lặng thầm hy sinh, chấp nhận những nỗi buồn chỉ giữ trong tim của mình để cho các con được hạnh phúc, bình yên. Và khi bà mất đi, thì những người con cũng hiểu một điều rằng, sự hy sinh chịu đựng của mẹ lớn đến nhường nào, nhìn đó để mà sống yêu thương nhau hơn, hạnh phúc hơn. Và trên đời này có lẽ chỉ có lòng vị tha, sự bao dung nhân hậu của con người mới mãi mãi bền lâu và mãi mãi hạnh phúc. Chỉ điều đó mới giúp cho cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.
Những người phụ nữ trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đều là những con người có lòng vị tha nhân hậu. Đều là những con người luôn hy sinh cái tôi của mình chấp nhận những thiệt thòi để cho người khác được hạnh phúc. Và khi đọc truyện của chị, ta thấy con người trong cuộc sống yêu thương nhau nhiều hơn, tha thứ cho nhau nhiều hơn. Những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, những bức thông điệp gửi đi khiến cho lòng người thêm phần nhân ái. Trong truyện ngắn Gió lùa qua cửa, người đọc không chỉ thấy ở đó là tình yêu thương và lòng vị tha của một người mẹ - một người phụ nữ, mà còn thấy những sắc thái tình cảm ấy ở cả những nhân vật là người đàn ông. Người mẹ nhân hậu yêu và hiểu các con của mình, bà chỉ biết lặng lẽ dõi theo từng bước chân của các con và sẽ luôn là người âm thầm “mở cánh cổng” trong đêm khuya vắng để cho con trai quay trở về mái ấm hạnh phúc của mình. Vì thế nhân vật - người đàn ông tự sự trong câu chuyện cả cuộc đời bị ám ảnh nhất là đôi mắt lặng lẽ, pha chút u buồn, nhưng tràn ngập tình yêu thương của người mẹ. Và cả người vợ của anh, người phụ nữ nhẫn nhịn trong sự cô đơn vì sự lạnh lùng của người chồng. Chị chỉ biết khóc, âm thầm lặng lẽ. Cuộc sống gia đình như đẩy lên đỉnh điểm của sự căng thẳng, ngột ngạt, nhưng chị vẫn một
mình nín lặng, chấp nhận nỗi cô đơn ấy. Người chồng mắng nhiếc người vợ đòi hỏi và không hiểu chồng, nhưng có khi nào anh hiểu vợ anh cần anh chia sẻ biết bao. Anh đi kiếm tiền mang về cho chị rất nhiều, nhưng anh không hiểu tất cả vật chất chưa phải là một hạnh phúc trọn vẹn. Người phụ nữ ấy giống như người phụ nữ trong truyện ngắn Đàn bà đẹp, họ có những bi kịch về tình yêu hạnh phúc giống nhau. Họ cần một vòng tay ấm áp, chở che và lau những giọt nước mắt khi họ thấy cô đơn hơn là cuộc sống huy hoàng, tráng lệ. Rồi người đàn ông ấy cũng hiểu ra rằng, anh phải quên người xưa, anh phải vun đắp cho hiện tại và tiếp tục xây dựng những ước mơ cho tương lai hạnh phúc. Thì ra cái xe nổ bành bành ầm ĩ kia không thể khỏa lấp được nỗi cô đơn hay những trống trải, ức chế trong lòng anh, mà chỉ có tình yêu thương, sự sẻ chia và chỉ có lòng vị tha thì mới giúp cho những khoảng trống ấy được lấp đầy.
Đỗ Bích Thúy ngày càng được khen ngợi bởi lối viết ngày càng chắc chắn và sâu sắc. Những giá trị nhân sinh được bộc lộ rõ ràng hơn trong các truyện ngắn của chị. Có thể nói đây là những dạng nhân vật khá điển hình trong truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Qua hệ thống nhân vật này nhà văn có thể bộc lộ được những quan điểm nghệ thuật trong sáng tác văn chương của mình đồng thời bày tỏ được tấm lòng nhân đạo của mình trước số phận của con người trong cuộc sống hiện đại với nhiều nhiều vấn đề đa sự.