6. Cấu trúc của luận văn
2.3.2. Những thèm khát về thể xác
Bảo Ninh nổi lên là một trong những nhà văn dám mạnh dạn mở toang những ẩn ức bên trong những con người lí tưởng, đi tìm con người bản năng mà thời chiến lãng quên.
Đọc Nỗi buồn chiến tranh, người đọc không khỏi ngạc nhiên khi có nhiều
trang văn “nóng bỏng” khi viết về tình yêu và những khát khao tình dục nồng cháy. Trước hết, Bảo Ninh khai thác mối quan hệ ràng buộc tay ba giữa Kiên, Phương và cha Kiên, trong khung cảnh những ngày đầu chống Mỹ. Với Kiên, Phương là tất cả: tình bạn, tình yêu tuổi trẻ, tình mẫu tử. Cả đời Kiên không thể nào xóa nhòa những kí ức nóng hổi, nồng nàn của ngày cuối cùng trước khi lên đường nhập ngũ. Phương rủ Kiên trốn lao động, trốn mít tinh ra Hồ Tây bơi:
“Kệ chiến tranh, kệ các anh hùng trẻ tuổi và anh hùng lớn tuổi, ta bơi nhé, bơi
thật xa tới thủy cung, tới chết đuối cả hai thì thôi. Kệ!” [46, tr.131]. Vẻ đẹp gợi
cảm của Phương từ màu da trắng lóa, khuôn mặt trắng mịn, mái tóc ướt nặng, bờ vai, đôi chân dài, bộ áo tắm đen nhánh khiến “Kiên sững người, muốn nhắm mắt lại trước thân hình mềm mại của người bạn gái.”. Thật đúng là khó mà cầm lòng được. Họ quay về thì trời đã tối. “Sao sáng thả đầy trời lấp lánh. Kiên bế Phương trên tay bước lên bờ. Nước trên mình nàng rỏ xuống ấm ấm. Cỏ mát rượi. Còn anh, khỏe mạnh và cường tráng biết bao, cái tuổi mười bảy ấy. Phương mệt rũ, nằm lả trên cỏ, bàn tay nhỏ nhắn lọt trong lòng bàn tay Kiên.”
[46, tr.148]. Ngày cuối cùng của tuổi học trò, họ như sống gấp, vội vàng, cuống quýt, bởi sợ phải xa nhau, vì thế mà dành cho nhau những tình cảm cuồng nhiệt, say đắm nhất. Kiên cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc ra về là nặng nề quá sức mình. Và Phương, như thấu cảm lòng Kiên, ghì
riết lấy anh, nuốt chặt anh vào thân hình mềm mại, thơm mát và nóng hổi, chân thành và mù quáng, đầy cuồng bách của mình. Phương muốn bước qua giới hạn nhưng Kiên trong khoảnh khắc ấy đã ráng hết sức bình sinh, giằng mình ra giữ gìn sự trong trắng và trong sạch của đôi bạn. Với Phương, anh hình như không chỉ có tình yêu mà cả sự tôn thờ quy phục và những cảm giác của tình mẫu tử. Nằm bên nhau trên bãi cỏ, “Kiên gối đầu lên tay Phương, áp chặt mình vào cô. Như một cậu bé. Đúng là Phương không điên mà cô như là một người chị, một người mẹ trẻ”. “Kiên không nhận thấy là mình đã bật mở hết cúc áo của Phương cho tới khi hai bầu vú trắng phau bật ra.(…) Kiên không nhận thấy thấy là miệng mình đã ngậm chặt lấy bầu vú của Phương còn thành thạo hơn một chú bé con. Anh mút nhè nhẹ thoạt tiên là như thế, như thuở mới ra đời người ta bú. Nhưng rồi kế đó là một nỗi khát khao kì quái thôi thúc, anh dùng cả sức mạnh của hai bàn tay, cho đến lúc cảm nhận trong miệng cái vị ươn ướt ngòn ngọt thoáng cả nỗi đau đớn mơ hồ như thể vị ngọt từ giấc mơ
của Phương thấm truyền sang…” [46, tr.154 - 155]. Đến khi ở chiến trường
mỗi khi nhớ Phương, tim Kiên vẫn đau thắt lại khi nhớ lại lời Phương: “Hai đứa mình có khi chết đi vẫn còn trong trắng…Vậy mà chúng mình yêu nhau
biết là dường nào…” [46, tr.32]. Sau này trở về, khi đã cầm bút viết, nàng
thơ của anh - “tất cả những nhân vật nữ mà anh say mê trong sáng tác của
mình rút cuộc vẫn chỉ là những giấc mơ về Phương”. Nhưng đồng thời, với
Kiên, Phương mãi mãi là người đàn bà xa lạ, cô sẽ bỏ anh ra đi sau khi đã đợi anh rất lâu. “Giờ đây dù có ra đi mỗi người mỗi rìa của thế giới thì trong tâm tưởng anh, Phương vẫn là toàn bộ cuộc sống tinh thần. Và nào chỉ là tinh thần. Hằng đêm, anh miệt mài mê mẩn, chìm trong cái vuốt ve vô tận của mộng mị. Ngay cả khi bên cạnh có một cô gái đang trở mình áp sát vào anh trong giấc ngủ thì nhắm mắt lại anh vẫn khắc khoải nhớ tới Phương, nhớ tới tấm thân đẹp đẽ trắng ngần, nhớ hương thơm ngây ngất quyến rũ của làn da, nhớ cặp môi mọng ngọt như trái chín, nhớ quầng thâm mệt mỏi quanh đôi mắt mắt nâu
những đêm nàng âm thầm bải hoải. Mọi cuộc đan díu đều không thể làm vơi nàng. Mùi da thịt phụ nữ quyến rũ chỉ làm anh khao khát một mình nàng. Tình dục vốn đã ngủ say và những nồng cháy của xác thịt tưởng đã bị dập tắt hẳn từ lâu lại như bắt lửa bừng rực lên với hình bóng nàng nhập vào anh hằng đêm
giữa những giấc mơ.” [46, tr.185].
Có nhiều lí do khiến khoảng trống giữa hai người thêm xa cách, nhưng điều đầu tiên không thể không kể đến mối quan hệ giữa Phương và cha Kiên. Giữa họ, ngoài tình gần gũi cha con: “ông cũng rất thương cô bé, một tình
thương trầm mặc, buồn bã và không lời”, còn là tình cảm giữa hai người khác
giới: “mỗi lần Phương lên chơi, cha Kiên vui hẳn (…) Cháu rất đẹp! - Ông
khen, làm cô kinh hãi và bứt rứt”. Chính Phương cũng thú nhận đó là tình
yêu: “Nếu cha anh là người cùng thời, là anh thì em sẽ yêu cha anh chứ không
phải yêu anh (…) Em yêu anh! Như yêu cha anh” [46, tr.149-152]. Còn Kiên,
anh đủ nhạy cảm nhận ra sự bất thường đó. Dường như nó là nguyên nhân dẫn đến sự hờn giận của anh với cha và Phương: “Không biết từ bao giờ (…) giữa cô và cha của Kiên đã thầm lặng hình thành một thứ tình cảm khó hiểu, không hẳn ra tình cha con, bác cháu, cũng không phải là thứ tình bạn vong niên, nó
mập mờ chạng vạng, như ánh chiều, vô hình mà nặng trĩu...” [46, tr.144].
Chính nghệ thuật là điểm nối giữa Phương - "một thiên tài âm nhạc" - và cha Kiên - một hoạ sĩ: "Phương (…) ngồi lặng ngắm ông vẽ, nghe ông lầm bầm độc
thoại. Cô như thể bị thu mất hồn". Trước khi qua đời, ông muốn Phương, chứ
không phải Kiên là người làm chứng cho vụ "hỏa táng", cuộc "tự hành xác" những bức tranh của mình, bởi anh không hiểu gì về hội họa của cha. Vì vậy, con đường đi đến văn học của Kiên có thể được hiểu như hành trình, trong đó Kiên đi tìm những thiếu vắng, những khao khát, những hàn gắn cho đời anh: dĩ vãng chiến tranh, người cha, Phương, nghệ thuật.
Bên cạnh những trang văn cháy bỏng dành cho Kiên - Phương, Bảo Ninh nhiều lần đưa người đọc đi đến tận cùng khám phá những nỗi khát thèm của
yêu đương. Đó là “sự giải tỏa” của phân đội trinh sát với ba cô gái Mây, Hbia, Thơm ở khu trại tăng gia huyện 67, bên kia Truông Gọi Hồn, họ tìm đến nhau không gì ngoài nhu cầu thỏa mãn những khát thèm đời sống dục vọng. Đó là cuộc làm tình trong tưởng tượng của Vĩnh:“hắn thường xuyên khoái trá…về những lần làm tình tưởng tượng vô cùng tham lam, phức tạp rất ngóc ngách,
đầy kì thú”; là những thân thể đàn bà với những cuộc làm tình cuồng dại. Đó là
những rối loạn đầu đời và rung lên niềm tê dại cháy khát “mùi da thịt ngây
ngây của đôi vai, của cặp vú mát rượi mồ hôi dưới lần áo mỏng” giữa Kiên và
Hạnh. Đó là giây phút hạnh phúc “thỏa sức hôn hít nhau, sống gấp lên với nhau” bất chợt giữa đường với cô thương binh Hiền như thể sự bù đắp, thỏa mãn cho những gì bị chiến tranh cướp mất. Đó là những khoảnh khắc vô thức trong những cơn say khổ sở với người đàn bà câm ở tầng trên: chị âm thầm cam chịu tính cách thất thường, khủng hoảng của Kiên: “chị chồm mình tới, choàng tay ôm lấy cổ anh, riết miệng vào môi anh một cái hôn xoắn riết, nóng rực và ươn ướt…. Và đêm ấy, còn im lặng hơn cả chị, anh chiếm đoạt chị một cách cuồng bạo, khốc liệt, giằng xé, thẳng thừng tàn phá, đâm vào chị nỗi đơn
độc bí ẩn, sắc như dao, đầy hiểm nghèo của anh.” [46, tr.129 - 130].
Trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng (1993), Võ Thị Xuân Hà mô tả tình yêu của Diễm - một thiếu phụ trẻ - với Nẫm - người anh chồng đã chết ngoài chiến trường mà cô chưa bao giờ gặp mặt. Tình cảm đó gần như độc chiếm tâm can Diễm. Ngay từ ngày đầu yêu Thản, khi "săm soi" cái vỏ đạn, kỉ vật của Nẫm, Diễm thấy “bóng dáng người anh chồng lấp ló". Khi yêu Thản, Diễm thường nghĩ đến Nẫm: “Hai chúng tôi nằm trên đồi lau (…) Ecmơlin của anh! - Thản
thầm thì gọi. Nẫm vẫn biệt vô âm tín, mặc tôi phụ Thản" [63]. Đêm trở dạ sinh
con đầu lòng, Diễm thấy Nẫm trở về: “một người đàn ông (…) ngó tôi từ trên trần nhà. Hắn nhìn khuôn mặt võ vàng của tôi, rồi nhìn lướt xuống bụng, nơi cái cuống rau vừa bị cắt còn lòng thòng thò ra chỗ sinh nở (…) Tôi nhận ra Nẫm (…) Tôi thèm nhìn thấy người đàn ông đã rờ vào cuống rau thò ra ở chỗ
sinh nở của tôi. Trong giây phút, tôi quên hết, quên Thản (…) Tôi đắm đuối với hình ảnh người đàn ông kia đang mân mê cái cuống rau, như thể anh ta đã thò vào sờ nắm những mạch máu ly ti chảy trong cơ thể tôi mà tình yêu của Thản
chỉ chạm tới chứ không nắm được" [63]. Dường như Nẫm có mặt trong cuộc
sống hàng ngày của Diễm: “Anh ngồi trên cao, mắt cười u buồn ngó mông lung
ra cửa, ra vườn" [63]. Tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà đặc biệt mới vì tính phức
tạp của nó: tình yêu của Diễm với Nẫm là sự chồng chéo của hoang tưởng, hành xác, loạn luân, chứng thích giao cấu với người chết.
Đặt tình yêu, khát khao tình dục bên cạnh chiến tranh mới thấy hiện thực chiến tranh khốc liệt đến thế nào! Những chàng trai, cô gái đang độ tuổi yêu đương, họ không thể là gỗ đá. Bản năng thành khát vọng sống nhen nhóm trong những con người đang tuyệt vọng. Miêu tả dục vọng, bản năng cũng là để tố cáo chiến tranh với sức tàn phá, hủy diệt ghê gớm, không cho con người có quyền được sống như chính họ mong muốn và khát khao. Vì thế đó là một biểu hiện của tư tưởng nhân văn cao đẹp, một tiếng nói cho khát vọng con người.