6. Cấu trúc của luận văn
3.4.1. Giọng điệu ngậm ngùi, day dứt
Đứng trước sự xô bồ của cuộc sống hậu chiến, Bảo Ninh rất ít khi phản ánh cuộc sống hiện đại mà chủ yếu miêu tả cuộc sống và con người quá khứ từ cái nhìn hiện tại. Nhân vật Bảo Ninh lưu giữ những kỉ niệm của quá khứ để rồi khi gặp lại không khỏi xúc động nghẹn ngào xen lẫn sự nuối tiếc, xót xa.
Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh thường đặt nhân vật vào những suy tư, day dứt, dằn vặt, lí giải về những vấn đề mang tính nhân sinh. Đây cũng là gam giọng chủ yếu của tác phẩm này thông qua nhân vật Kiên. Chiến tranh và những mất mát trong chiến tranh là cơn chấn động tâm lí nặng nề với Bảo Ninh, có lẽ thế mà nhân vật của ông đều bàng bạc một nỗi buồn thương, day dứt. Ở đó có nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn tình yêu, nỗi buồn sáng tạo nghệ thuật, nỗi buồn nhân thế, tất cả đều cất lên từ một tiếng lòng sâu nặng với quá khứ, bởi thế mà thêm ngậm ngùi, nuối tiếc. Nỗi buồn ấy mơ hồ, khó gọi thành tên nhưng da diết, không thôi day dứt lòng người. Còn gì
buồn hơn khi đọc những dòng tâm trạng của Kiên nghĩ về chiến tranh: “Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt
tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” [46, tr.33], chua chát khi định
nghĩa về hòa bình: “hòa bình chẳng qua là thứ cây dại mọc lên từ máu thịt bao
anh em, để chừa lại chút xương” [46, tr.45]. Đọc những câu chữ này, ta biết
Kiên đau hay chính Bảo Ninh đang đớn đau: “chẳng biết đến bao giờ thì lòng mình mới có thể nguôi nổi, trái tim mình mới thoát khỏi gọng bàn tay xiết chặt của những kỉ niệm chiến tranh. Những kỉ niệm có thể là êm đềm, có thể là ác hại nhưng đều để lại những vết thương mà tới bây giờ, một năm đã qua, hay
mười năm, hay hai mươi năm nữa vẫn còn đau, đau mãi” [46, tr.47].
Giọng điệu ngậm ngùi, day dứt được thể hiện rất rõ qua những dòng kí ức, những giằng xé nội tâm của Kiên hoài niệm về tình yêu với Phương, dù lúc nào cũng là “niềm tiếc nuối và là một nỗi đau mất mát lớn”: “dù đã dầm mình trong rượu (…) trong tâm trí anh vẫn không ngừng nhói đau những hồi tưởng
tan nát về thời gian sống cùng nhau sau chiến tranh của anh và Phương” [46,
tr.89], “đôi khi giữa đêm, lòng tràn tuyệt vọng, anh nấc lên, nước mắt giàn giụa, phải thúc mặt vào gối cho kì ngạt thở. Anh biết chỉ có biện pháp duy nhất để thoát khỏi tình trạng yếm thế thê thảm này là Phương trở về, là anh lại được
nhìn thấy nàng, để lại cùng nhau lặp lại nỗi thống khổ…” [46, tr.90].
“Tôi” trong truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ nghẹn ngào, xúc động không thốt nên lời khi gặp lại chị Giang - “mối tình đầu không có thật của thằng bé mười ba tuổi” ngây thơ trong sáng ngày nào - nơi căn nhà số 04 thân yêu. Giờ gặp lại có cái gì đó “đau thắt”, nghẹn ngào: “Cuộc đời tôi. Cuộc đời chị. Thì cũng như cuộc đời của bao người thôi trên đất nước này những chục
năm qua, mà sao nhắc lại trái tim cứ đau thắt lại thế này” [45, tr.558]. Hồi
tưởng về những kỷ niệm xưa, giọng “tôi” như có cái gì đó tiếc nuối, xót xa bởi
tr.565]. Mãi tận sau này, “tôi mới nhận ra rằng những tội lỗi trong mơ ngày đó
chính là hình bóng của mối tình đầu không có thật của tôi” [45, tr.566]. Chính
nó đã “góp phần soi rọi tâm hồn tôi, giúp tôi vững tinh thần, và có lẽ một phần
nhờ thế mà rốt cuộc tôi đã sống sót trở về” [45, tr.566]. Chính thứ tình cảm
thiêng liêng ấy đã làm cho “tôi” cảm thấy ấm áp khi được ở bên Giang. Anh như được sống lại với những kỷ niệm đẹp nhất đời mình, với bạn bè, với cảm xúc trong trẻo tình yêu của tuổi thơ.
Bảo Ninh đã tạo ra một thứ giọng điệu đầy xúc cảm viết về những câu chuyện tình yêu. Câu chuyện trong Thời tiết của kí ức là quá khứ trớ trêu gây xúc động lòng người. Nuối tiếc về một tình yêu thầm lặng, hối hận khi chọn nhầm đường đã khiến Phúc day dứt khôn nguôi. Phúc hồi tưởng về tình yêu dành cho Quỳnh và cuộc đời mình bằng giọng kể buồn man mác với tâm trạng day dứt ân hận. Ở tù, với Phúc là quãng thời gian vô nghĩa bởi tình yêu đã mất, dù phải sống trong trại cải tạo là quãng thời gian ngồi bóc lịch nhưng Phúc chẳng đếm ngày tính tháng. Phúc hầu như vô cảm trước tự do, trước sự chảy trôi của cuộc đời. Sự hồi tưởng chậm buồn miên man của ông Phúc tạo nên giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa. Những nỗi niềm tưởng như đã được chôn giấu kỹ nhưng lại lần lượt hiện hình. Non bốn chục năm qua, con người ấy đã sống không yên với những lỗi lầm thời trẻ. Với ông, tất cả trở nên vô nghĩa.
Bảo Ninh đã rất thành công khi khắc họa những bi kịch tinh thần người lính sau chiến tranh: người đau đớn với những di chứng chiến tranh, người day dứt khôn nguôi với quá khứ, người nuối tiếc với tình yêu không thành… Tất cả tạo nên giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa, day dứt. Nó khiến cho người đọc ám ảnh khôn nguôi.
Chọn giọng điệu ngậm ngùi, nuối tiếc, xót xa để miêu tả những số phận, những bi kịch của người lính, những thân phận tình yêu đã giúp Bảo Ninh dễ dàng thể hiện tình cảm của mình. Ông viết bằng cả sự thôi thúc mãnh liệt trong tâm hồn, như lộn gan ruột mình ra để đau, dằn vặt, day dứt, vò xé tâm can cùng nhân vật.