6. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Xây dựng cốt truyện theo dòng tâm trạng
Kiểu cốt truyện xuất hiện dày đặc nhất trong tác phẩm Bảo Ninh là theo dòng tâm trạng. Có người gọi đây là truyện kể tâm tư hoặc truyện độc thoại nội tâm hay lời kể gián tiếp, tự do. Cốt truyện thường lỏng lẻo, chất truyện khá mờ nhạt, chủ yếu là tâm trạng nên khó tóm tắt, khó kể lại. Truyện có sự kiện nhưng thường là những sự kiện tâm lí, hồi ức của nhân vật. Từ Nỗi buồn chiến tranh
đến hàng loạt các truyện ngắn, ta thấy Bảo Ninh sử dụng rất thành công kiểu cốt truyện này. Có phải chăng nhà văn cũng tự thấy mình như một kẻ “ăn mày dĩ vãng” nên viết về quá khứ cũng là cách ông được sống lại với chính mình?
Theo hành trình tâm trạng của Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh, ta nhận ra thời gian trong tác phẩm bị đảo lộn quá khứ - hiện tại, chiến tranh - hòa bình. Tất cả là những đoạn hồi ức ngẫu nhiên của Kiên cuồn cuộn hiện về, thay đổi liên tục, khiến người đọc như rơi vào mê cung hồn trận, khó xác định được đâu là câu chuyện mở đầu và không thể biết khi nào kết thúc.
Thời tiết của kí ức, bản thân tên gọi truyện ngắn này đã phản ánh loại
truyện theo dòng tâm trạng hồi ức. Thiên truyện là dòng kí ức của ông Phúc về
“những nỗi niềm đã yên nghỉ từ lâu âu sầu thức dậy, lần lượt hiện hình, lần lượt trôi qua, dằng dặc và chậm rãi, theo nhịp đếm của chiếc đồng hồ để bàn”. “Hà Nội, tiết tàn thu, buổi đầu đông, gió thổi, mưa rơi, lá rụng. Ấy là hơi thở
của thời xa xưa, là thời tiết của kí ức.” [45, tr. 89] Để rồi từ đây nỗi hoài niệm
về một tình yêu, mối tình đầu cách đây gần bốn mươi năm như một thước phim quay chậm làm sống lại tất cả quá khứ của ông Phúc. Người đọc có cảm giác câu chuyện có vẻ rời rạc nhưng thực ra các sự kiện đều trở thành cái cớ để nhân vật phô bày cảm xúc, ý nghĩ một cách tự nhiên nhất. Dòng tâm trạng của ông Phúc cứ ào ạt chảy từ quá khứ đến thực tại với bao biến cố cuộc đời. Người đọc chúng ta
thả mình theo dòng tâm tưởng ấy cũng đủ để trải qua những đau khổ, dằn vặt, day dứt, sám hối, tự thú, ân hận cùng ông Phúc khi ông không thể đem hạnh phúc đến cho Quỳnh. Câu chuyện khép lại với một sự thật bất ngờ: Quỳnh để lại cho ông người con gái tên Hạnh. Hạnh phúc, niềm an ủi cuối cùng đến với ông muộn màng nhưng đủ cho ông “một cảm giác có hậu với cuộc đời cùng số phận”.
Bên canh đó, Bí ẩn của làn nước, Hà Nội lúc không giờ cũng được xây dựng cốt truyện theo dòng tâm trạng như vậy. Có thể nói, đây là kiểu cốt truyện đặc sắc, hiện đại, giúp nhà văn mở dần cho người đọc thấy nét riêng của ông khi dựng truyện.