6. Cấu trúc của luận văn
3.3.2. Từ ngữ gắn với hồi ức nhân vật
Một phương thức trần thuật của văn xuôi hiện đại là tái hiện quá khứ qua hồi ức nhân vật. Bảo Ninh đã dành rất nhiều trang viết để phản ánh hồi ức của nhân vật. Những câu chuyện về cuộc đời những người lính, về chiến tranh, về tình yêu và những nỗi đau được tái hiện bằng kí ức về những năm tháng mà họ đã trải qua. Vì vậy, từ ngữ gắn với hồi ức, gắn với quá khứ được sử dụng đậm đặc trong tác phẩm Bảo Ninh.
Các tác phẩm của Bảo Ninh hầu hết là những câu chuyện quá khứ được kể lại nên từ ngữ chỉ thời gian quá khứ xuất hiện rất nhiều: Hồi ấy, thời ấy, thời
đó,hồi đó, ngày trước, xưa kia, chiều hôm ấy, mùa xuân năm ấy, mùa thu năm
ấy, cuối năm 197X, mùa mưa 196X, 197X (1969, 1972…), mùa khô 197X…
Từ ngữ chỉ thời gian quá khứ: kí ức, dĩ vãng, quá khứ thường xuyên được sử dụng trong các truyện ngắn của Bảo Ninh. Những từ ngữ này trực tiếp thể hiện cái đã qua, đã xảy ra trong quá khứ - cái tưởng như đã qua lâu rồi, nào ngờ vẫn để lại những ám ảnh và ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn người lính hậu chiến. Rõ ràng họ vẫn là những kẻ “ăn mày dĩ vãng” không thể khác được.
Trong sáng tác của Bảo Ninh, những từ ngữ chỉ trạng thái tâm lí hồi tưởng về quá khứ như ngẫm lại, nhớ lại cũng xuất hiện khá nhiều. Việc sử dụng các
từ ngữ chỉ trạng thái tâm lí hồi tưởng về quá khứ như thế rất hiệu quả trong gợi kí ức buồn, gợi những diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật qua cái nhìn hồi cố. Các nhân vật nhận ra cuộc chiến tranh ấy đã lấy đi của họ tuổi trẻ, tình yêu, đồng đội, người thân, bạn bè, thậm chí cả những giấc ngủ bình yên. Cái để lại cho họ nhiều nhất là sự mất mát, thương đau, là những ám ảnh về quá khứ. Rất nhiều lần, nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh khẳng định cuộc sống thời chiến là cuộc sống có ý nghĩa nhất, đáng sống nhất: “như tôi, tuổi đã chừng này
còn thời nào nữa ngoài thời đã qua”; “đối với tôi, thời thơ ấu êm ả và tươi đẹp
thế là đã vĩnh viễn và dữ dội ra đi vào chính cái buổi chiều mùa xuân êm ả và
tươi đẹp đầu năm Giáp Thìn ấy”; “những năm xa vời trước thời lửa đạn đã trôi
theo gió thời gian” [45, tr.134]; “đối với chúng tôi phần đời đáng sống nhất đã
sống rồi” [45, tr.212]… Nhưng có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng
những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh? Đúng như Kiên (Nỗi buồn chiến
tranh) bày tỏ: “Đối với tôi, tương lai đã nằm lại phía sau xa kia rồi. Và không
phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hi vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi mà trái lại những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hòn tôi, tạo sức mạnh cho tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay. Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do
những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của những hồi tưởng” [46, tr.51].
Như vậy, việc sử dụng đậm đặc từ ngữ gắn với hồi ức nhân vật đã góp phần thể hiện nỗi lòng, tâm trạng nhân vật. Đó là cách đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để miêu tả một cách chân thực những tình cảm và suy nghĩ của nhân vật, để lí giải cuộc sống hiện tại và nhìn nhận lại quá khứ. Nói cách khác, nhân vật quay về quá khứ chính là sự tự ý thức về mình.
Nhà văn chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là dùng ngôn ngữ để kết nối với cuộc đời. Người chiến sĩ - nhà văn Bảo Ninh đã làm tốt điều đó. Nhờ ngôn ngữ mà Bảo Ninh trở nên giàu có, tinh tế, nhạy cảm và luôn hướng tới sự mới mẻ, độc đáo trong cách sử dụng. Điều này góp phần không nhỏ tạo nên dấu ấn riêng của nhà văn.