5. Cấu trúc luận văn
2.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong Quê nội và Tảng sáng
Đối với tác phẩm tự sự, cốt truyện là toàn bộ những sự kiện được nhà văn kể trong tác phẩm ấy. Cốt truyện là yếu tố quan trọng bậc nhất, không thể thiếu trong bất kì một hình thức tự sự nào. Trong tác phẩm tự sự, cốt truyện là cái khung để đỡ cho toàn bộ tòa nhà nghệ thuật ngôn từ đứng vững. Cốt truyện luôn là thành tố cốt lõi, đồng hành với bất kì hình thức tự sự nào.
Chất liệu cơ bản để tạo nên cốt truyện là các sự kiện, biến cố, tình tiết. Trong đó sự kiện là những việc có tác động và ảnh hưởng đáng kể đến số phận và tính cách của nhân vật. Biến cố là những sự kiện lớn, có thể tạo thành những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Còn những yếu tố cụ thể tạo thành sự kiện được gọi là tình tiết.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về cốt truyện.
Theo Từ điển văn học, cốt truyện được hiểu là một “thuật ngữ chỉ sự phát triển của hành động, của tiến trình các sự việc, các biến cố trong tác phẩm tự sự và kịch, đôi khi cả trong tác phẩm trữ tình” [4, tr.324].
Theo giáo trình Lí luận văn học của Phương Lựu thì cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại tự sự và kịch” [28, tr. 88].
Còn theo giáo trình Lí luận văn học của Hà Minh Đức thì “cốt truyện là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [14, tr. 137].
30
Nghiên cứu những quan điểm về cốt truyện ở trên chúng tôi rút ra cách hiểu về cốt truyện trong tác phẩm tự sự như sau: Cốt truyện là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động làm nòng cốt cho sự diễn biến các mối quan hệ và sự phát triển của tính cách nhân vật trong tác phẩm văn học tự sự. Cốt truyện tạo ra sự vận động của nội dung được miêu tả trong tác phẩm.
Nếu truyện là chuỗi những sự kiện về một hoặc nhiều vấn đề nào đó diễn ra theo trật tự thời gian tuyến tính, nương theo sự chảy trôi của cuộc sống mà không có sự đảo lộn sắp đặt của người kể thì cốt truyện là sự sắp xếp thẩm mĩ, không tuân theo trật tự biên niên của sự kiện, thống nhất theo ý đồ chủ quan của người kể về những sự kiện của một câu chuyện nào đó, nhằm mục đích nêu bật được tư tưởng chủ đề của tác phẩm và tạo sức hấp dẫn tối đa với người đọc.
Có nhiều cách phân chia khác nhau về cốt truyện. Theo Lê Huy Bắc “có thể dựa vào mối quan hệ loại hình (tự sự, trữ tình, sân khấu) để phân chia cốt truyện” [3, tr. 36]. Theo đó, từ thế kỉ XIX trở về trước, cốt truyện tự sự chủ yếu là cốt truyện kịch tính tập trung vào xung đột để triển khai cốt truyện.
Từ thế kỉ XX trở đi, cơ bản là cốt truyện thơ (hoặc trữ tình). Có kiểu cốt truyện chia theo hình thức thể hiện, lại có kiểu cốt truyện dựa trên tiêu chí nội dung (cốt truyện triết học, cốt truyện luận đề,…), kết cấu (cốt truyện mở, cốt truyện đóng, cốt truyện kết thúc bất ngờ,…), trường phái (cốt truyện lãng mạn, cốt truyện hiện thực, cốt truyện hiện thực huyền ảo, cốt truyện cực hạn,…). Thậm chí còn có thể chia nhỏ hơn dựa vào các thể loại và tiểu loại
như cốt truyện cổ tích, cốt truyện ngụ ngôn, cốt truyện trinh thám, cốt truyện
kinh dị... Lựa chọn cách phân chia nào là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân. Tuy vậy, đối với tác phẩm tự sự, cách phân chia cốt truyện theo tiêu chí hình thức thể hiện được sử dụng phổ biến hơn cả. Theo đó có ba tiêu chí cơ bản là
31
dựa vào sự kiện, thời gian, nhân vật. Trên ba tiêu chí cơ bản đó có nhiều các loại hình cốt truyện khác nhau.
Cốt truyện có ba đặc điểm chính: tính lịch sử - cụ thể, tính kịch và tính hoàn chỉnh. Khi nói đến tính lịch sử - cụ thể của cốt truyện là người ta muốn nói đến mức độ chân thật của đời sống được phản ánh trong đó. Tính lịch sử - cụ thể của cốt truyện được biểu hiện thông qua tính chân thực của các sự kiện lịch sử - xã hội làm điểm tựa cho sự phát triển của cốt truyện, đó thường là những sự kiện có ý nghĩa tiêu biểu cho sự vận động lịch sử ở một thời điểm cụ thể nhất định. Đặc tính này còn được xác định qua đặc điểm của các tính cách, bởi vì bất cứ tính cách nào cũng là đại diện trong mức độ này hay mức độ khác cho một hoàn cảnh lịch sử nhất định.
Cùng với tính lịch sử cụ thể, cốt truyện còn có tính kịch. Đặc điểm này tạo thành từ những xung đột của hiện thực, đó là xung đột xã hội, giữa cá nhân này với cá nhân khác về quan điểm tư tưởng, về quyền lợi kinh tế, về tâm lý tính cách, có thể xung đột trong từng con người giữa trí tuệ và tình cảm, giữa tình cảm và nghĩa vụ… Nhưng xung đột trong tác phẩm không phải là những xung đột bất kỳ nào đó mà nhà văn lựa chọn một cách tùy tiện trong hiện thực, mà theo quy luật sáng tạo văn học, nhà văn thường chọn những xung đột đã phát triển, không thể điều hòa được và tự nó sẽ làm bùng nổ một cuộc đấu tranh gay gắt và quyết liệt. Những xung đột như thế chính là xung đột có kịch tính, xung đột này là nhân tố quan trọng tạo nên “độ căng” của cốt truyện. Nhiệm vụ của cốt truyện không chỉ là phản ánh hiện thực mà còn là phát hiện ý nghĩa bản chất hiện thực được che dấu ở phía sau các xung đột có kịch tính. Và chỉ có thông qua cuộc đấu tranh để giải quyết xung đột bằng hành động, các tính cách mới bộc lộ bản chất của chúng một cách rõ rệt, đồng thời chủ đề tư tưởng tác phẩm được khẳng định một cách sâu sắc.
32
Một đặc điểm nữa của cốt truyện là tính hoàn chỉnh. Đặc điểm này được tạo nên do yêu cầu văn học phải phản ánh sự vận động của cuộc sống một cách hợp logic, nói cách khác, cốt truyện, với tư cách là một hệ thống sự kiện, phải được tổ chức một cách chặt chẽ, tránh tình trạng phân tán, rời rạc thừa hoặc thiếu, sao cho sự kiện trước là nguyên nhân của sự kiện sau, sự việc này thông qua sự việc khác. Các bước diễn biến của cốt truyện cũng giống như quá trình vận động của một xung đột, nghĩa là có mở đầu, thắt nút, phát triển và vươn tới cao điểm rồi đi vào giải quyết cụ thể và kết thúc. Tuy nhiên, do quy luật sáng tạo văn học và nhất là do yêu cầu thể hiện chủ đề - tư tưởng tác phẩm, không nhất thiết bất cứ cốt truyện nào cũng có đầy đủ các bước diễn biến, cũng không nhất thiết phải được sắp xếp theo đúng trình tự tự nhiên trong đời sống của chúng.
Phần trình bày của cốt truyện có nhiệm vụ giới thiệu một cách khái quát hoàn cảnh nảy sinh xung đột chính của tác phẩm, đồng thời giới thiệu sơ lược lai lịch của nhân vật về lứa tuổi, nghề nghiệp, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội… Các nhân vật chưa có sự vận động trong tính cách, hoàn cảnh mới là hoàn cảnh tĩnh, xung đột chưa có sự vận động. Phần này, thông thường có một sự kiện mở đầu có tác dụng như là nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ xung đột cơ bản của tác phẩm.
Tiếp đó, phần thắt nút là giai đoạn mở đầu cho sự vận động xung đột, nó thường bắt đầu bằng một sự kiện đặc biệt nào đó được gọi là “sự kiện thắt nút”. Sự kiện này có tác dụng làm thay đổi tình thế ban đầu, lôi cuốn các nhân vật cùng tham gia vào xung đột và qua đó nhân vật sẽ bước đầu bộc lộ những nét bản chất của chúng.
Trong toàn bộ cốt truyện, phần dài nhất và quan trọng nhất là phần phát triển. Khác với phần thắt nút chỉ dùng một sự kiện, phần này bao gồm một chuỗi sự kiện hoặc biến cố nối tiếp nhau nhằm làm cho xung đột phát triển cả
33
về chiều sâu và chiều rộng, đẩy cuộc đấu tranh trong tác phẩm tiến lên đồng thời qua đó khẳng định bản chất của các tính cách trong những tình huống khác nhau. Yêu cầu đặt ra với các sự kiện phát triển là phải được thể hiện sao cho cường độ của xung đột ngày càng gia tăng, khiến xung đột ngày càng gay go, căng thẳng hơn đi đến chỗ nhất thiết phải giải quyết.
Nối tiếp phần phát triển, giai đoạn căng thẳng nhất của cốt truyện được gọi là đỉnh điểm, ngay sau đó là phần mở nút. Ở đó, nhà văn cho thấy cách giải quyết của mình đối với xung đột đã được miêu tả hoặc là cho thấy khả năng của việc giải quyết xung đột đó.
Cuối cùng, phần kết thúc cho thấy kết quả của xung đột đã được miêu tả. Thường tác phẩm chỉ có một cách kết thúc, nhưng cá biệt cũng có những tác phẩm kết thúc bằng nhiều cách khác nhau, và có tác phẩm lại không kết thúc. Điều đó phụ thuộc vào ý đồ tư tưởng cũng như phong cách của nhà văn.
Đối với cốt truyện, nhiệm vụ chủ yếu của kết cấu là tổ chức bố cục của cốt truyện thành các phần, chương, đoạn… một cách hợp lý; đồng thời nó bố trí, sắp xếp các chi tiết, các sự kiện thành những bộ phận hữu cơ của một quá trình phát triển biện chứng, và cái đích cuối cùng của quá trình đó vẫn là bộc lộ đặc điểm của tính cách và khẳng định chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Ngoài ra, cần bố trí, sắp xếp sự xuất hiện một cách hợp lý của các yếu tố ngoài cốt truyện như: lời nói đầu và lời nói của tác giả, những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề, những đoạn phụ đề, những bức tranh phong cảnh…
Từ phân tích trên đây có thể chỉ ra rằng nghệ thuật tổ chức cốt truyện chính là sự cụ thể và sinh động hóa chủ đề tư tưởng của tác phẩm từ đó thể hiện tài năng, phong cách cũng như quan niệm nghệ thuật của mỗi nhà văn.